Văn hóa nghệ thuật

Một công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Việt

Cập nhật lúc 14:55 08/07/2020
Nhà thờ giáo xứ Tân Hòa. Ảnh: CTV
Nhà thờ giáo xứ Tân Hòa. Ảnh: CTV
Đức tin giữa lòng dân tộc
Giáo xứ Tân Hoà nằm trong vùng trũng bên kênh Nhiêu Lộc thuộc phường 13 và 14 quận Phú Nhận, TP. Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1960. Ngày 3/12/1966 ngôi thà thờ đầu tiên được xây dựng kiên cố, sau bao ngày cưu mang với biết bao nhiêu công khó của những người con giáo xứ. Nhưng vì mảnh đất Tân Hòa nằm ngay vào chỗ trũng, gặp nước thủy triều dâng, hay mưa lớn là ngập lênh láng nhà thờ, nhà xứ, nhất là thời gian sau này vì khu vực này dân số tăng từng ngày. Cha Đa Minh Bùi Minh Sơn trăn trở tìm cách đối phó với tình trạng này. 
Cha nghiên cứu môi trường, nghiên cứu phong thủy mảnh đất này để có thể biến đổi thành môi trường thông thoáng, xanh, sạch đẹp. 
Sau một thời gian dài miệt mài nghiên cứu, cha Đa Minh Bùi Minh Sơn đã hoàn tất công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hoá Việt để tiến hành xây dựng nhà thờ mới. Nhà thờ được mang tên là “Thánh Mẫu Điện”, xây dựng năm 1995 và ngày Chúa nhật 13/6/2010, sau 15 năm xây dựng, giáo xứ tổ chức lễ cung hiến Thánh Mẫu Điện.
Mô hình Thánh Mẫu Điện theo kiến trúc đình: Thánh Mẫu Điện lấy kích thước của ngôi đình Việt Nam làm tiêu chuẩn. Theo kích thước ngôi đình Việt Nam là hình vuông, biểu tượng đất mang đặc tính âm. Chiều dài của mỗi cạnh xây dựng là 37 m, quay mặt theo hướng Đông Nam, đủ ấm áp trong mọi mùa, nhận ánh sáng không đối diện nhưng đầy ánh sáng tránh ẩm thấp, tránh nắng nóng mùa hè, núp gió mùa đông. Chếch sang hướng Nam núi Đức Mẹ Ngự Bình.Phía Tây để tránh nắng chiều có ao Đức Bà làm trong mát khí chiều.
Cấu trúc cửa vào Thánh Mẫu Điện theo lối tam toà, cửa giữa và hai bên mái vòm cung theo cung vòm Rôma, nửa vòng tròn. Mái vòm cửa tam toà kiến trúc theo mái cong, đầu góc mỗi mái mang hình bồ câu, tượng trưng về tương lai với lòng khát mong hòa bình.
Nội thất của Thánh Mẫu Điện rộng thênh thang, 34m mỗi chiều, mái cao tạo sự thanh thoát, chiều ngang rộng biểu lộ lòng vô biên mở ra với tạo vật và với con người.
Chính điện, gian cung thánh, bước lên tam cấp gồm 5 bậc, diện tích 15m x 6m. Bàn thờ bằng đá đặt giữa chính điện. Nếu cung điện của vua là chiếc ngai, thì trong Thánh Mẫu Điện, trọng tâm là bàn thờ, biểu lộ Đức Giêsu Kitô hiện diện, chính Ngài là Tư Tế, là Của Lễ: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh”. Nếu trong điện Thái Hoà, phía trên ngai là treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí hình chín con rồng, chung quanh còn rủ các riềm bằng gỗ chạm trổ cửu long sơn son thếp vàng, thì trong ngôi Thánh Mẫu Điện, là đặt Thánh giá có treo Đức Giêsu chịu đóng đinh giữa tâm điểm của mặt trống đồng làm bằng đá, biểu hiện Đức Kitô là trọng tâm của đức tin Kitô giáo cũng là trọng tâm của nền văn hoá Việt. Cả hai chiều kích văn hoá biểu đạt đức tin và đức tin biểu lộ trong văn hoá đều có trọng tâm là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh. Đây là lối diễn tả đặc trưng của ngôi Thánh Mẫu Điện, và cũng là nội dung sống đức tin giữa lòng dân tộc mà cha chánh xứ Đa Minh Bùi Minh Sơn muốn biểu lộ và thiết tha sống.
Hoa văn trống đồng: Trống đồng là báu vật của tâm hồn Việt được đưa lên ngay chính giữa Thánh Mẫu Điện, chạm khắc trên mặt đá đường kính 10m. Trên mặt trống đồng đặc biệt nhất là các nét hoa văn vừa dùng để trang trí vừa là biểu lộ một nền văn hoá truyền thống. Đặt mặt trời vào tâm trống đồng là điểm quy tụ và sinh nguyên mọi loài. Chung quanh của mặt trời những vòng tròn đồng tâm, diễn tả lễ hội của thiên nhiên ưu đãi, con người hạnh phúc, ngoài cùng đàn chim Việt đang bay hoặc đang đứng, nói đến một thời gian của đường dài lữ hành. Người Việt tin rằng chết không phải là hết nhưng là nối một linh thiêng khác vào đời.
Đặt Đức Kitô vào tâm vòng tròn là mở lối cho lịch sử của nhân loại một hướng đi rõ rệt. Như đã thấy, từ nơi Người tạo nên những sóng vòng tròn đồng quy, và cũng từ những vòng tròn đồng quy hướng về Người, như khởi điểm và là đích điểm của lịch sử thời gian và siêu thời gian.
Chú giải câu đối và hoành phi
Trước khi bước vào Thánh Mẫu Điện, trên hai hàng cột ta có thể thấy hai hàng chữ:
“Tiến đường tế vọng từ thân tượng.
Phủ thủ kiền tư thánh tâm nhân.”
Dịch nghĩa:
“Vào thánh đường chiêm ngưỡng Mẹ nhân từ.
Cúi đầu lặng suy trái tim Mẹ từ bi”.
Thánh đường đặc biệt dâng kính Mẹ Maria, nên dùng những lời tốt đẹp nhất để diễn tả lòng của những người con tri ân tình Mẹ thương bao la. Bởi đó, bên tượng Mẹ Maria, có thêm hàng chữ:
“Đức như nhật nguyệt chiếu hoàn vũ.
Ân tự sơn hà nhuận thế nhân”.
Dịch nghĩa:
Đức độ sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng chiếu toả khắp cùng thế giới. Ân tình cao sâu tựa núi sông thắm đượm lòng thế nhân.
Trong văn hoá đạo Mẫu, người ta luôn quan niệm: “Mẫu hiền di đức”. Chính người Mẹ làm nên những đức hạnh trao di sản cho con cháu. Mẹ Maria là người Mẹ tuyệt diệu của thế nhân, đã để lại cho đoàn con ân và đức của Mẹ làm di sản quý giá tô thắm trần gian. Phải chăng, Hàn Mạc Tử đã không diễn tả hết chiều sâu này khi dùng bút xuất thần ca ngợi Mẹ chí Thánh, ngay cả trong những lúc đau thương của cuộc sống: vẫn là “chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí trăng sao”, “Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng”.
Hai hàng cột phía trong ca ngợi công trình yêu thương của Thiên Chúa, trích trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời!”
Hai câu đối:
“Toàn năng trí dũng tôn uy qui ngã chủ, thiên thu bất hư.
 Tán tụng quang vinh xưng tạ ư Thiên phụ, vạn cổ thường tân”.
Dịch nghĩa: 
Lạy Chúa của con, Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, toàn dũng, cao cả, uy nghi, ngàn năm bất diệt. Con ngợi khen, nguyện Danh Cha cả sáng, tuyên xưng, cảm tạ Chúa Cha trên trời, muôn đời mãi mãi như (mới) hôm nay.
Biến cuộc sống thành lời tạ ơn Thiên Chúa là hành vi cao nhất của việc tế tự, và cũng là hành vi làm sáng Danh Cha hơn tất cả trong hành trình dưới thế.
Câu Hoành Phi:
“Triệu Tạo càn Khôn”. 
Dịch nghĩa: 
Thiên Chúa là Tình yêu sáng tạo nên mọi loài.
Theo vị trí sắp đặt, chúng ta thấy diễn tiến từ sáng tạo đến cứu độ, theo chiều từ trên xuống, đó là lịch sử theo thời gian; còn đối với người xem, nhìn theo chiều hướng cảm nghiệm đến nhận thức, từ cứu độ đến sáng tạo. Cảm nhận gần, trực diện, đi từ nhận thức Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, để đi đến một nhận thức xa hơn, Thiên Chúa cứu độ cũng là Thiên Chúa Tình yêu sáng tạo. Như vậy, cũng gợi ý lên con đường tu đức của Đông phương trong sách Trung Dung Tử Tư viết:

“Quân tử chi đạo, thí như hành viễn,
tất tự nhĩ, thí như đăng cao, tất tự ty”
(Tử Tư, Trung Dung)
Đời sống nội tâm của con người,
giống như đi xa, phải từ chỗ gần,
giống như lên cao, đi từ chỗ thấp.
Simon Lại Văn Miễn
Thông tin khác:
Thắng cảnh lịch sử văn hóa (06/07/2020)
Ngàn năm vẫn còn hưng thịnh (03/07/2020)
Anh em đừng có sợ (01/07/2020)
Tượng Đức Mẹ Maria lớn nhất ở Balgaria (30/06/2020)
Nhà thờ thánh Andrew's - ST ANDREW'S CHURCH - CHENNAI - ẤN ĐỘ (30/06/2020)
Nơi kết nối âm nhạc truyền thống với du khách (30/06/2020)
Núi vàng và biển tiền (25/06/2020)
Sai mười hai ông đấy (17/06/2020)
Khám phá công trình Kitô giáo đẹp nhất và lớn nhất Indonesia (15/06/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log