Văn hóa nghệ thuật

Có một Đà Lạt ở Miền Tây

Cập nhật lúc 15:03 07/12/2020
Một góc KDL sinh thái Thới An Đông. Ảnh: CTV
Một góc KDL sinh thái Thới An Đông. Ảnh: CTV
Thành phố Cần Thơ hiện sở hữu khá nhiều khu du lịch ( KDL) sinh thái nổi tiếng như: Mỹ Khánh, Ông Đề, Chín Hồng, Vườn cò Bằng Lăng, Cái Nhum, Vàm Xáng…tuy nhiên mới đây nhiều du khách đến với Tây Đô đã hết sức ngạc nhiên, thích thú khi tận mắt tham quan, nghỉ dưỡng tại một KDL được đánh giá là lạ lẫm, đa dạng, kỳ thú đầy sức quyến rũ, đó là KDL sinh thái Thới An Đông (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy).

Bắt nguồn từ sự đam mê
Ông Nguyễn An Hà, 46 tuổi, kể về duyên cớ hình thành KDL rất lạ lẫm của mình: “tôi vốn rất đam mê hoa kiểng bon sai và thích sưu tầm các hiện vật có liên quan đến đời sống, sinh hoạt xã hội. Từ đó tôi đã tạo một không gian riêng biệt có cùng lúc các yếu tố: các thú vui tao nhã, nghỉ dưỡng yên bình thư thái; khám phá các phương tiện lưu thông xưa, các cổ vật liên qua đến y phục, vật liệu xây dựng; tham quan vườn kiểng quý hiếm. Mình phải mới và khác các KDL đã có để khách đến với mình ngày càng nhiều”. Ông Hà khẳng định.
Ông Hà tâm sự: Tôi bắt đầu cuộc hành trình mơ ước của mình từ năm 2008 đến nay. Nghe đâu có cổ vật xưa, từ bộ ghế, chiếc giường, những viên gạch xưa phá bỏ để xây dựng mới đến những chiếc xe máy cổ lỗ sĩ, những chiếc xe quân sự trong chiến tranh…tôi đều tìm đến để mua bằng được. Thấy sự nhiệt tình của tôi, nhiều người đã hào phóng “biếu không” để làm kỷ niệm nhưng cũng có người “hét” giá trên trời thì “bó tay” thôi”.
Ấn tượng nhất đối với chúng tôi khi được tham quan dàn xe “cổ” từ hàng chục năm qua đã được ông Hà gia cố, làm mới khá bắt mắt như các chiếc xe kéo tay thời Pháp thuộc, xe lôi đạp; xích lô máy, xe lôi máy, xe lam 3 bánh, xe “hỏa tiễn” 3 người và những chiếc xe quân sự được bố trí thứ tự ngăn nắp để du khách tiện tham quan, chụp ảnh lưu niệm với nhiều thiết bị nghỉ dưỡng sinh hoạt rất “nhà binh” như: giường sắt, móc nón, mùng, mền, chiếu, gối, nước uống, giày dép… 
Kể về bộ sưu tập nầy, ông Hà nói vui: tôi muốn lưu lại chuỗi các phương tiện từ thô sơ ban đầu đến hiện đại để lớp trẻ biết lớp người đi trước di chuyển, mua bán, đi lại bằng những phương tiện nào, kích thước, cấu tạo, hình dáng ra sao. Khó nhất là việc thẩm định năm ra đời và tìm mua đầy đủ các phụ tùng kèm theo xe phải đúng bộ thì mới có giá trị.
Về trang phục, ông Hà cho biết đang sở hữu hàng trăm loại khác nhau của các giai tầng trong xã hội phong kiến, đặc biệt là quần áo của các quan lại thời xa xưa lẫn quần áo lao động của người Cần Thơ xưa và các đồ dùng như: các loại đèn dầu, đèn măng xông; bàn ghế, trường kỷ; các bộ tách trà, liểng xưa, hoành phi, câu đối, quần áo, giày dẹp, các phương tiện đi lại xưa,
Hình thành KDL đa năng nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt miền Tây
Hướng dẫn chúng tôi tham quan KDL Thới An Đông, ông Nguyễn An Hà kể thêm: Tôi mong muốn tạo cho du khách có cảm giác như đang du ngoạn trong không gian Đà Lạt khi được ngắm nhìn những cây tùng to lớn có tuổi hàng chục đời được bố trí trên đồi rất hài hòa, có nhiều cây trị giá hàng tỷ đồng. Những ai muốn có cảm giác lạ thì xin mời thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột trên những chòi cao như đang ở núi rừng Tây Nguyên vừa nhâm nhi vị đắng cà phê, thưởng thức những món ăn rất “miền Tây” vừa nghe tiếng chim rộn rã trong khu vườn rộng. Với ai yêu thích sông nước miền Tây thì tha hồ khám phá đồng bưng trên những chiếc xuồng xinh xắn, được tha hồ hái trái, giăng cầu. Với những ai có nhiều thời gian và muốn tìm cảm giác “đêm phương Nam” ra sao thì xin mời nghỉ dưỡng trên những du thuyền “mi ni” để được ngắm trăng trong tiếng tơ đồng réo rắc đang hòa quyện với những giọng hát thiệt “mùi” qua những bản đờn ca tài tử hay những bài vọng cổ ngọt ngào. Mới đây, TP Cần Thơ đã công nhận tiêu chỉ làng du lịch sinh thái Thới An Đông mở ra cơ hội mới cho KDL đầy tiềm năng nầy.
Ông Huỳnh Văn Nguyệt, nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian TP Cần Thơ nhận xét: “Hiếm có người tâm huyết tìm kiếm những hiện vật” “đặc thù” sông nước miền Tây như anh Hà. Muốn làm được điều này đòi hỏi cái tâm rất lớn của người sưu tầm cùng với những kiến thức sâu sắc về nhiều lĩnh vực như: văn hóa dân gian, mỹ thuật, kiến trúc và nhiều lĩnh vực khác. Tôi tin sẽ có rất nhiều người đến đây để thưởng ngoạn những hiện vật quý hiếm, thưởng thức nhiều món ăn ngon, cảnh lạ mà không phải ở đâu cũng có được”.
 
Thông tin khác:
Dụ ngôn người trinh nữ (07/12/2020)
Di tích tử đạo Việt Nam nơi xứ người (01/12/2020)
Phải tỉnh ở sẵn sàng (01/12/2020)
Nét đẹp văn hóa Vu Lan (30/11/2020)
Ông chủ trao nén bạc (26/11/2020)
Sập đá bảo vật quốc gia (26/11/2020)
Phải hướng về Thiên Chúa (25/11/2020)
Thánh lễ Ngày thế giới người nghèo: tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ (16/11/2020)
"Ba Đình" tên lịch sử (12/11/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log