Văn hóa nghệ thuật

Bí ẩn tàu chở kho báu Chăm bị chìm ở biển Hồng Hải

Cập nhật lúc 10:58 26/06/2018
Tháp Bánh Ít - Tuyệt tác tháp cổ Chămpa ở Bình Định. Ảnh: Quang Thịnh
Tháp Bánh Ít - Tuyệt tác tháp cổ Chămpa ở Bình Định. Ảnh: Quang Thịnh
* Chuyện con tàu đắm 

Ch. Lemire - một nhà văn người Pháp đã mô tả các tháp cổ Chăm Pa ở tỉnh Bình Định trong tác phẩm Les Tours kiames de la Province de Binh Dinh (Sài Gòn 1980) như sau: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có đôi mắt bằng ngọc và răng làm bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những tượng bằng đá có thể bị lấy đi ngay sau đó. Người ta đã đào các bức tượng để gỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó. 

Các tháp Bạc (người Việt Nam quen gọi là tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc đá mạ vàng. Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp từ năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm khắc do Tiến sĩ Maurice quản lý được vận chuyển trên con tàu Mê kông về Pháp, dự kiến sẽ đem trưng bày tại Bảo tàng Lyon. Tuy nhiên tàu Mê Kông không may bị đắm ở biển Hồng Hải, sau đó những thợ lặn người Somalis tưởng rằng đã tìm thấy kho báu nên đã mang vào bờ một số lớn những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá...”

Bức màn bí mật bao quanh số phận của con tàu Mê Kông đã thách đố các nhà khoa học, giới săn lùng cổ vật và cả những kẻ hiếu kỳ hơn một thế kỷ qua. Trong số những người tìm cách sở hữu kho báu trên tàu Mê Kông có giáo sư Robert Stenout (Pháp) và sau hơn 30 năm mày mò nghiên cứu ở hàng trăm thư viện, sở lưu trữ văn khố, các hải cảng và nhiều hãng tàu biển... Đến tháng 10/1995, R.Stenout đã khoanh vùng tương đối chính xác vị trí con tàu Mê Kông bị đắm. Đó là khu vực mũi Guadaqui ở biển Hồng Hải. 

Theo R.Stenout, Mê Kông là một con tàu viễn dương khá lớn, nó được thiết kế với hai chức năng là vận chuyển hành khách và chở hàng. Tuy có chức năng vận chuyễn hàng hóa, nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sự thanh nhã của tàu Mê Kông. Những năm đầu thế kỷ XX, do còn hạn chế về kỹ thuật nên hành trình giữa khu vực Đông Nam Á đến Pháp và ngược lại là một hành trình dài, có khi mất hằng tháng trời, nên tàu Mê Kông được thiết kế, bài trí rất hoàn hảo, sang trọng và nguy nga như một cung điện di động trên mặt biển. 

Chuyến viễn dương cuối cùng của tàu Mê Kông là vào năm 1906, con tàu chở theo 180 sĩ quan vả thủy thủ, ngoài ra còn có 66 hành khách cùng hàng chục tấn cổ vật quý và một khoang bí mật chứa đầy hàng hóa mà theo khảo sát ban đầu của đội thợ lặn thuộc tàu Scorbio do thuyền trưởng Campell chỉ huy (tàu Scorpio là con tàu mà Stenout sử dụng trong cuộc khai quật của mình) thì hàng trăm nghìn thỏi vàng ròng có trong khoang hàng bí mật này như huyền thoại về Mê Kông đã lan truyền là có thật.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi định vị được tàu Mê Kông và kho báu bí mật thì tại vùng lãnh hải của quốc gia châu Phi mà tàu Mê Kông bị đắm đã nổ ra một cuộc nội chiến khốc liệt. Việc thu hồi kho báu trên tàu Mê Kông bị buộc phải dừng lại... 

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, kho báu mà tàu Mê Kông có nhiệm vụ đưa về Pháp lúc ấy đã được thu gom trong khu vực Vijaya từ Quảng Nam đến Bình Thuận và chắc chắn đây chưa phải là kho báu duy nhất của vương quốc Chăm.
 
Tượng Siva của Tháp Bánh Ít, nay là hiện vật của Bảo tàng Guimet, Pháp. Ảnh: Quang Thịnh
Tượng Siva của Tháp Bánh Ít, nay là hiện vật của Bảo tàng Guimet, Pháp. Ảnh: Quang Thịnh
*Kho báu ở Tháp Đôi

Cũng theo truyền thuyết thời ấy, trên chóp đỉnh của Tháp Đôi, cụm tháp gồm hai tòa tháp tọa lạc ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn trước đây có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng ròng. Cả hai khối cầu bằng vàng này đã bị các thủy thủ người da trắng thuộc một chiếc tàu châu Âu đến cướp đoạt và mang đi sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Người Chăm không quá đề cao giá trị của kim loại vàng và họ thường sử dụng vàng với khối lượng lớn một cách khá phổ biến trong các công trình kiến trúc đền tháp của mình. Có thể lý giải rằng đó là do dân tộc này được tạo hóa ưu đãi quyền sở hữu rất nhiều mỏ vàng có trữ lượng phong phú. Vàng thường được họ đem đi đúc tượng thần để thờ, đúc phù điêu và dát lên các tượng thờ để trang trí... Truyền thuyết cũng cho biết rằng người Chăm sau khi dựng tượng bằng vàng ở các đền tháp thường quét lên thân tượng một lớp sơn đặc chế để phòng kẻ trộm... 

Các kho báu Chăm được nhắc đến từ khá lâu bởi các nhà khoa học Pháp. Kho báu cuối cùng, nơi lưu giữ những gì còn lại của các vương triều Chăm Pa đã được đề cập trong tác phẩm Un royaume disparu- Les Chams et leur art-1923 (Pháp). Sự giàu có đầy bí ẩn của Vương quốc Chăm có thể đúng như các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố. Nhưng ngay cả khi sự thật không phải là như thế thì với việc thừa hưởng 14 quần thể tháp Chăm cổ còn lại đến nay, có thể khẳng định rằng - Bình Định đang sở hữu một phần kho báu của nhân loại.

NGUYỄN TẤN TUẤN
Thông tin khác:
Đức Chúa dẹp Satan (15/06/2018)
Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh (14/06/2018)
Tam Đảo, Ba Vì (14/06/2018)
Bộ sưu tập nghìn món độc, lạ của "dị nhân" miền Tây (13/06/2018)
Chúa trao mình máu người (13/06/2018)
Bức khảm sơn mài lưu lạc gần thế kỷ (11/06/2018)
Những tấm gương bình dị mà cao quý (11/06/2018)
Ấn tượng Quảng Nam (11/06/2018)
Nghệ thuật khèn Mông ở Thái Nguyên di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (08/06/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log