Núi Bài Thơ - Ngọn núi của thi ca và những điều bí ẩn tuyệt diệu. |
Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi, một nửa nằm dưới nước, thuộc khu di sản vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, ở cốt + 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm đá chông chênh, vách dựng đứng. Trên núi này còn lưu lại bài thơ chữ Hán được khắc trên đá năm 1468 của vua Lê Thánh Tông, tạm dịch ý: “Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào/ Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời/ Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ/ Hàm hào cửu tam (đã định)/ Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió/ Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã được dẹp yên/ Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt/ Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững/ Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn”. Bài thơ này đã đem lại tên gọi cho núi. Núi Bài Thơ thuở xưa có tên Truyền Đăng Sơn núi (núi Rọi Đèn). Nơi có lính gác trên núi, hễ giặc đến thì đốt lửa báo về kinh thành.
Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn) thuộc tỉnh Ninh Bình nằm ở ngã ba sông Vân với sông Đáy, kẹp giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình. Xưa núi là một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư. Đặc biệt đây là nơi chứng kiến cuộc chuyển giao chế độ quan trọng trong lịch sử đất nước. Từ bến Vân Sàng dưới chân núi, hoàng thái hậu nhà Đinh là bà Dương Vân Nga đã trao áo Long Bào và chờ đợi ngày về cho tướng Lê Hoàn cầm quân đánh đuổi giặc Tống xâm lược lần thứ nhất, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc. Lối lên đỉnh núi có 72 bậc. Đỉnh núi bằng phẳng, cây cối xanh mát. Trên núi có nhiều bài thơ của các tao nhân mặc khách. Trương Hán Siêu viết “Lòng sông in bóng tháp/ Tầng thẳm cửa thôi che”. Nguyễn Trãi viết: “Bóng tháp hình trâm ngọc/ Gương soi ánh tóc huyền”. Dưới chân núi có chùa Non Nước và đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu đời Trần. Sông Vân bao bọc ba mặt núi, chỉ còn một mặt nối với đất liền. Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân