Hòn ngọc quý giữa sông Hậu Ở Nam Bộ, những dãy đất nổi lên giữa các con sông được người dân bản xứ gọi là “cù lao” hay “ cồn”. Cồn Mỹ Phước ở giữa đôi bờ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Do chỉ cách TP Cần Thơ khoãng 35km; cách TP Sóc Trăng khoảng 25km nên khá thuận tiện để du khách dừng chân tham quan, thưởng lãm. Điều rất lạ là nếu nhìn từ trên cao xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục như một quả cà na. Chiều ngang cồn nhiều nhất khoảng 700 mét, chiều dài khoãng 5 km. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm với nhiều loại đặc sản xứ cồn như: sa pô (hồng xiêm), cam, quýt, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…Diện tích cây ăn trái của cồn Mỹ Phước khoãng 300 ha trong đó sa pô chiếm hơn 60% diện tích.
Ông Phạm Văn Thuận, cư dân tại đây đã trên 50 năm kể lại: “ Hồi trước đâu có ai dám tới nơi nầy vì thú dữ rất nhiều, cây cối um tùm, đi lại khó khăn. Từ sau 1975, hàng trăm cư dân đất liền đã đến đây mua đất, trồng trọt, chăn nuôi nên cồn nầy trở nên sung túc”.
Bên ly rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh), ông Thuận còn kể thêm: Hồi đó muốn tới đây chỉ bằng tàu ghe đi từ bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xuống. Cách thứ 2 là đi xe đến huyện Kế Sách rồi xuống đò về đây. Hiện nay đã có tuyến đường Nam Sông Hậu nối liền Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu nên du khách chỉ mất khoãng 90 phút là có thể đặt chân đến cồn Mỹ Phước.
Bà Nguyễn Thị Tấm, 87 tuổi kể thêm: nghe ông bà xưa kể lại, cồn nầy có hơn 150 năm tuổi do phù sa bồi lắng. Ban đầu cồn có tên là cồn Công Điền (do người Pháp đặt tên vào đầu thế kỷ XIX). Năm 1946 ông Nguyễn Văn Nghiêm (ngụ Sóc Trăng) là người đầu tiên đến đây khai phá đất hoang lập nghiệp. Năm 1950, xuất hiện thêm một cồn nhỏ hơn dính liền với cồn cũ, ông Nghiêm đặt tên là cồn Bùn (do có rất nhiều bùn). Lúc nầy đã có khoảng 20 hộ dân đến đây sinh sống, trồng trọt nhiều loại cây ăn trái.
Cồn “Quốc gia” Có rất nhiều giai thoại về tên gọi của cồn Mỹ Phước nhưng câu chuyện rất quen thuộc được nhiều người biết đến là tên gọi cồn “Quốc gia”. Theo nhiều cư dân tại đây cho biết: do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại trái cây nơi đây phát triển rất tốt, có hương vị đậm đà, thơm ngon giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác vào thời điểm đó. Hàng năm bà con tại cồn Mỹ Phước dùng ghe lớn chở trái cây lên chợ Cầu Ông Lãnh (Sài Gòn) để bán với giá cao. Một hôm, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu sau khi ăn cơm xong, được thuộc hạ dâng trái cây lên (măng cụt, sa pô) ăn tráng miệng. Ông nầy thấy rất ngon miệng nên bảo thuộc cấp đưa ông đến cồn Mỹ Phước bằng máy bay trực thăng để được tham quan và thưởng thức các loại cây trái nơi đây. Sau sự kiện đó, cồn nầy đã bị đổi tên thành cồn “Quốc gia” đến ngày miền Nam giải phóng 1975.
Trả lại tên cho cồn Mỹ Phước Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cồn “Quốc gia” được gọi trở lại là cồn Mỹ Phước (ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Tiếp tục tận dụng và phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, người dân nơi đây đã phát triển mạnh mẽ nghề làm vườn. Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó, họ đã tìm hiểu nghiên cứu kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, nên những mảnh vườn nơi đây đều xanh tốt quanh năm, năng suất cây trồng và lợi nhuận ngày càng tăng, từng hộ gia đình đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, ấm no và sung túc. Toàn ấp không có hộ nghèo, 80% có nhà kiên cố, thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người/năm (trong khi thu nhập bình quân người dân tỉnh Sóc Trăng xấp xỉ 45 triệu). Dù là “ cồn” biệt lập giữa sông Hậu nhưng Mỹ Phước có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, bưu chính, viễn thông. Đặc biệt nhất, cứ vào Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm), nơi đây tổ chức lễ hội trái cây cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong 3 ngày thu hút hàng chục ngàn du khách từ các nơi đến tham quan, dự hội. Ngày 01/02/2007, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận cồn Mỹ Phước là di tích Danh lam Thắng cảnh cấp tỉnh.
Ông Trần Văn Lắm, 70 tuổi phấn khởi kể: vào dịp tết Đoan Ngọ, cồn nầy không ngủ bởi lượng khách đến rất đông, nhiều người chọn mô hình “ hom tay” để tìm hiểu về cuộc sống, đất và người Mỹ Phước; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội thi trái cây ngon, hội thi ẩm thực, đua thuyền rồng, các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ hàng đêm, đi xe điện tham quan cồn…Du khách còn được tự tay hái trái cây; thả lưới, đặt lờ bắt cá, hái rau; bơi xuồng hái lượm bần, thụt cá bống sao, lịch, mò bắt chem chép; dỡ chà bắt cá, tắm sông; tự làm các loại bánh dân gian (bánh tét, bánh xèo, bánh dừa, bánh chuối, bánh lá, bánh ít, nấu chè…) Thêm vào đó, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản Mỹ Phước như: cá ngát, cá bông lau nấu canh chua bần, kho tộ, cá bống sao chiên giòn, cá phèn nướng muối ớt, gỏi gà ta trộn với lõi chuối non…