Văn hóa nghệ thuật

Cầu Chùa, cầu Ngói nổi tiếng

Cập nhật lúc 10:15 18/02/2020
Cầu Chùa cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An. Ảnh: Thanh Nghị
Cầu Chùa cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An. Ảnh: Thanh Nghị

Cầu Chùa khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ XVII, nên còn được gọi là cầu Nhật Bản. Cầu dài khoảng 18 m, được làm bằng gỗ, chân là những trụ bằng gạch đá, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Cạnh cầu có chùa được xây dựng năm 1653, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu, mái được lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu, trên cửa chính có tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.  

Cầu Ngói xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bắc ngang qua sông Hoành, được xây dựng vào đời Hồng Thuận (1509-1515). Cầu Ngói cùng với cầu Thanh Toàn (Huế), Cầu Chùa (Hội An) là 3 cầu ngói đẹp nhất Việt Nam. Cầu Ngói dáng dấp thuần Việt với những đường cong và họa tiết đục trạm thật tinh xảo theo lối nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ. Cầu được dựng trên 18 cột đá vuông gánh 6 vì, đỡ 9 gian nhà cầu. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt. Hai bên lòng cầu là hành lang uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ, con song. Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ ngắm cảnh sông nước, làng quê. Mái ngói được lợp rất khéo không bi xô. Người thợ tài hoa xưa sáng tạo kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay.

HẢI VÂN
(Nguồn: Báo NCGVN)
Thông tin khác:
Vương cung thánh đường Esztergom (18/02/2020)
Muối ngon ánh đèn sáng (17/02/2020)
Đến bảo tàng có lượt khách tham quand đông nhất thế giới (14/02/2020)
Thăm nhà thờ kiểng Orange (14/02/2020)
Tám mối phúc đời sau (14/02/2020)
Tam Đảo – Ba Vì (05/02/2020)
Tu viện dòng thánh Phaolô Sài Gòn, dấu ấn kiến trúc ông Nguyễn Trường Tộ (05/02/2020)
Chính thức trao bằng xếp hạng di tích cho nhà thờ Thủ Thiêm (03/02/2020)
Ga xe lửa Hà Nội và Sài Gòn (09/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log