Trong nhiều định nghĩa “cô đơn là gì?”, nhất là nhiều câu định nghĩa của các nhà phân tích, tìm hiểu; tôi thấm nhất định nghĩa của chính người chịu cô đơn. Điển hình chính tâm trạng Chí Phèo trong truyện ngắn”Chí phèo” của Nam Cao. Khi Chí Phèo ốm lăn quay sau một trận rượu say khướt: “cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”.
Tôi nhớ chuyện, một hôm Mẹ Têrêsa Calcutta đến thăm một cụ già sống cô đơn, ở một mình trong căn hộ tồi tàn, tăm tối; nhà cửa nhếch nhác bụi bặm, ẩm thấp. Mẹ Têrêsa xăn tay dọn dẹp gúp ông. Bất ngờ ông lên tiếng: mặc tôi, đừng đụng gì tới nhà của tôi. Tuy vậy , Mẹ Têrêsa không buồn, không tự ái, Mẹ cứ quét dọn. Sau cùng Mẹ quét ra được một cây đèn cóc cũ kỹ, xấu xí trong hóc kẹt dưới gầm giường. Mẹ vừa lau chùi cây đèn vừa hỏi cụ già: sao có đèn đây cụ không đốt lên cho sáng, lại bỏ xó đây?
Vẻ giân dữ, cụ nói:
- Có ai tới thăm đâu mà đốt !
Mẹ Têrêsa bắt được tâm trạng cụ, Mẹ quả quyết:
- Nếu ngày mai và mỗi ngày có nữ tu của tôi đến thăm cụ, cụ có đốt lên không?
- Chắc tôi đốt.
Đúng lời hứa, hôm sau có hai nữ tu đến thật. cụ đã đốt đèn cháy sáng luôn và bày tỏ niềm vui tin tưởng:
- Xin hai sơ về nói lại với Mẹ: từ nay không còn phải các sơ đốt lên mà chính tay tôi tự đốt đèn cháy sáng mỗi ngày..
Cũng chuyện Mẹ Têrêsa, một ngày khác,vừa ra khỏi cổng nhà dòng, trong đống rác hôi hám Mẹ thấy một bàn tay ngo ngoe, Mẹ dừng lại bới đống rác, Mẹ xúc động lôi ra một người đàn bà đang hoi hóp. Lập tức Mẹ đưa bà ấy về nhà dòng, tắm rửa, săn sóc, bà đã kiệt sức khó sống nổi,bà đã thốt lên lời đầu tiên và cũng là lời cuối trước khi lìa đời:
Cả đời tôi sống cô đơn như một con chó mà sao được chết đi như một thiên thần?
Thực tế, con chó còn được yêu thương và chết đi còn được luật pháp bảo vệ,có nhà cửa, chính sách đãi ngộ, có bảo hiểm, chết có nghĩa trang như ta thấy ở nhiều nước Tây phương.
Diễn giải trạng thái cô đơn theo nghĩa triết học hiện sinh, triết gia Jean Paul Sartre, trong cuốn tiểu thuyết Bức tường, đã đặt vào môi miệng của anh Pierre, con người cô đơn, bệnh hoạn, cảm thấy ngăn cách, không hiểu được thái độ sống của người tình mình là cô Agatha những lời tâm sự đầy cay đắng sau:
“Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhìn thấy và nói chuyện hằng ngày với cô, nhưng xem ra cô đang sống bên kia bức tường. Tôi thắc mắc không biết có cái gì ngăn cách giữa tình yêu chúng tôi hay không?”
Ở đây không bàn “cô đơn tự chọn” và coi như “nó đã trở thành một phần của cuộc sống”, hoặc trở thành “mốt” thời đại, trong văn chương, nghệ thuật, phim ảnh, cải lương…nói chung là văn hóa nghệ thuật, thường “thương vay”, khóc mướn” cho thân phận cô đơn: “ Cô đơn là khi tôi nằm trong góc phòng, lắng nghe tiếng mưa rơi cùng những bản nhạc cổ xưa phát ra từ radio, nước mắt không ngừng tuôn rơi , về những ký ức đã qua, kỷ niệm của người trước còn đọng lại, về những điều hiện tại tưởng chừng rất hiển nhiên nhưng lại quá chông chênh. Đôi khi giữa cái giòng đời đầy bon chen và xô bồ này,có những phút lặng như thế, có những góc tĩnh như thế, để nước mắt chảy trôi, nghe mặn chát nhưng tấm thía, rồi mình lại đứng dậy, thản nhiên mà bước tiếp qua những ngày cô đơn.
“Cô đơn là như vậy thì tôi chịu được cái sự một mình ấy, cô đơn hay là bình thản”, kể cũng thú vị” (sưu tầm).
Cô đơn trong tiểu thuyết của Jean Paul Sartre đã mô tả sự cô đơn không đối thoại được với nhau giữa người với người.
Kinh nghiệm đau thương này có thể xảy ra cho con người thời nay, cho chính chúng ta trong cuộc sống. Sự thiếu thông cảm, thiếu đối thoại giữa người với người hình như không do nguyên nhân khác biệt văn hóa, chủng tộc cho bằng sự nghi kỵ, thái độ ích kỷ của con người.
Như vậy cô đơn hay không là do lòng mình, không thể hạnh phúc nếu trái tim không mở cửa, vòng tay không giang rộng đón lấy yêu thương. Ngay cả khi không chấp nhận mình, dầu số phận nghiệt ngã, có người không cảm thấy đơn côi, người khác lại chán nản, than thân trách phận, đầy mặc cảm và chịu thua cuộc bằng con đường tự sát., treo cổ…
Chuyện ngụ ngôn sau cho chúng ta thấy quan điểm trên:
Tôi lại nhớ chuyện hòn đá cô đơn: Từ rất lâu rồi, Ngọc lục bảo(Emerald) luôn được mọi người yêu mến và nó là một trong những loại đá quí, tạo nên sự quyến dũ cho nữ giới cũng như sự sang trọng cho những ai sở hữu nó.
Nhưng bản thân Ngọc lục bảo thì không như vậy,nó mặc cảm vì không có vẻ kiêu sa của Hồng ngọc, hay vẻ thùy mị của Ngọc trai. Bên cạnh đó, nó thấy rằng ít ai đeo nó khi đến dự những buổi tiệc quan trọng vì màu sắc của mình, rất kén chọn trang phục và dáng người.
Chính vì thế mà ngày này qua ngày khác, sự tự ty càng lớn dần. Cho đến một ngày nó bị người ta lãng quên thật sự khi người ta nhận thấy nó không còn tỏa sáng và cũng giống như những thứ đá có màu sắc khác; nó dần bị đào thải và bị ném xuống suối để sống cuộc sống của đá cuội. Thế là nó lặng lẽ và cô đơn.
Rồi một ngày nọ, có một người thanh niên rất phong nhã ghé ngang qua con suối nhỏ - nơi mà Ngọc lục bảo đang sống. Bất chợt,người thanh niên dừng lại, chàng ngồi cạnh bờ suối và suy nghĩ xa xăm, chàng bỗng nhiên tâm sự một mình…
Tiếng lành đồn xa về một nàng công chúa xinh đẹp,thông minh và có một trái tim rất lương thiện. Chàng hoàng tử của nước láng giềng đã lặn lội đường xa tìm đến. Chàng yêu công chúa từ cái nhìn đầu tiên, nhưng công chúa không muốn lấy hoàng tử vì nàng đang đợi mang món quà sinh nhật đến cho nàng như lời tiên đoán của bà tiên đỡ đầu. Sinh hật lần thứ 18 sắp đến và công chúa đã chờ đợi người ấy quá lâu, nàng không thể từ bỏ sự mong đợi của mình vào phút cuối. Nhưng công chúa cũng rất yêu hoàng tử…làm sao đây? Cuối cùng công chúa lâm bệnh nặng mà không thuốc thang nào hiệu nghiệm. Nàng nằm liệt giường và bất tỉnh cả tuần lễ. Hoàng tử rất đau khổ vì ngày ngày phải nhìn thấy vẻ mặt công chúa ngày càng xanh xao.
Cuối cùng chàng quyết định ra đi tìm hòn đá ấy, vì chỉ có hòn đá ấy mới mang lại hạnh phúc cho công chúa. Không còn cách nào, thà hy sinh mình chứ không muốn nhìn thấy công chúa chết. Chàng gần như kiệt sức và số phận đã đưa chàng đến con suối nhỏ này.
Nghe câu chuyện cảm động ấy tự nhiên hòn đá chảy nước mắt. Hòn đá cũng biết khóc, vì nó có linh tính. Không biết nó khóc bao lâu nhưng nước mắt của nó đã cuốn trôi bao nhiêu rong rêu lâu nay bám trên người nó, để lộ ra những đường nét sắc sảo trên cơ thể nó, dưới làn nước trong xanh, mát lạnh, vẻ đẹp của nó tỏa sáng lấp lánh và tinh khiết hơn bao giờ hết.
Bất chợt, chàng hoàng tử nhìn thấy hòn đá và nó làm chàng rất đỗi ngạc nhiên.
Khi nhìn thấy một hòn đá với màu sắc kỳ lạ như vậy. Chàng bước xuống suối và đến gần nó, chàng lượm nó lên ngắm nghía và chàng nhận ra đó chính là hòn đá mà công chúa chờ đợi..
Ngay lập tức, hoàng tử mang nó về kinh đô đem đến tặng cho công chúa.
Rất nhẹ, công chúa mở mắt ra, nàng nhìn thấy hòn đá ngày sinh nhật của mình, nàng mỉm cười vì tấm lòng của hoàng tử, nàng khỏi bệnh.
Đoạn, bà tiên đặt tay lên viên ngọc lục bảo, bà bảo:
“Không phải thời gian làm người ta lãng quên ngươi, Ngọc lục bảo, mà ngươi bị lãng quên vì ngươi không cố gắng tự làm mình tỏa sáng. Ngươi biết không, ngươi là một tạo vật của Thương Đế.Không có một thứ gì Thượng Đế tạo ra lại vô dụng cả, ngươi quá tự ti, và chính sự tư ti khiến ngươi không nhìn thấy cái đẹp trong chính ngươi. Có thể với người này không là gì, nhưng với người khác ngươi lại có một ý nghĩa to lớn…và sự thật đã chứng minh điều dó “.
Cuộc đời đẹp nhất khi chúng ta là chính mình và biết yêu quí bản thân mình.
Điều tất yếu, cô đơn là lẻ loi, đơn là một mình,
Tuy nhiên, một mình đây không luôn luôn có nghĩa thể lý:
Vẫn có các vị ẩn sĩ, tĩnh lặng, sa mạc mà không cô đơn.
Theo quan điểm xã hội, người ta hiểu cô đơn là trạng thái của một người không có ai thân, không nơi nương tựa. Chúng ta có thể đồng quan điểm với một tác giả viết về sự cô đơn sau: “cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà không có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng xa cách bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian, mà là cách biệt của cõi lòng”.
Tình cờ,đọc nguyệt san Công giáo và Dân tộc, thấy tựa “Cảm nghĩ của tuổi 80”, chính tác giả Lm Thiện Cẩm ở tuổi 80, hiểu thêm một nỗi cô đơn khác: “Cảm tưởng thường xuyên và nặng nề nhất có lẽ là sự cô đơn”.Trước đây khi nói đến cô đơn, thường nghĩ và cũng nghe nhiều, đọc nhiều trong văn học, tiểu thuyết, thi ca, ca cổ,cải lương,rên rỉ, than thân trách phận một đời cô đơn, bẽ bàng,thù người phản bạn, hận kẻ bạc tình…trong tình yêu đôi lứa… Có lẽ bạn trẻ nào cũng thuộc câu hát”đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang”, ca sĩ Tuấn Vũ ; hoặc một câu thơ tự an ủi nỗi cô đơn, hay đã thành “mốt” thời đại yêu đương:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.
(Hồ Dzếnh)
Điển hình, qua tâm sự nhân vật tên Phương trong truyện ngắn”Ở lại với em”:
“Về đến nhà, niềm vui chưa kịp lắng đã nghe tin sét đánh: vợ cùng hai con Phương đã bỏ đi; nghe đâu theo chồng mới vượt biên ra nước ngoài. Ngôi nhà cũ nơi lưu giữ tiếng cười của vợ và các con, bây giờ khóa cửa bằng sợ xích sắt hoen dỉ, cỏ trước sân mọc dày. Phương ngồi bất động trước bậc thềm cho đến khi trời nhá nhem tối. Sau đó anh qua nhà hàng xóm hỏi mượn búa về mở cửa, cửa vỡ toang.Mở ra một nỗi cô đơn mênh mông trong lòng anh”(KTNN 1-5-2003)
Tóm lại, người ta nói nhiều về sự cô đơn, như nó đã trở thành một phần của cuộc sống, nhưng chẳng ai có thể chấp nhận được.
Thử đi tìm giải pháp? Vì phần đông nhân loại chưa nhận biết Chúa, nên chưa thể chữa trị nỗi cô đơn bằng phương pháp siêu nhiên. Nhưng giải pháp tự nhiên, như người ta nói” năm người mười ý”, chẳng ai giống ai, hay “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Có lẽ không thời nào mà ngôn từ được nhắc tới nhiều nhất bằng “Đối thoại”, từ những tranh chấp nhỏ đến xung đột chính trị quy mô toàn cầu như giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng là đối thoại, đàm phán. Thậm chí, phải nhờ đến các triết gia xây dựng hệ tư tưởng để xóa cô đơn. Vd triết gia Ferdinand Ebner: “Lời nói và tình thương là hai phương thế để đối thoại với người chung quanh.Lời nói và tình thương đi đôi với nhau…Tình thương giúp ta tìm ra lời nói đúng..Lời nói mà không có tình thương, là lạm dụng, dễ làm mất lòng”.
Cũng còn một nguyên nhân khiến người cô đơn tự giải quyết bằng giải pháp tự tử, cho rằng không ai hiểu mình, không ai chia sẻ mình được!
Tuy nhiên, giải pháp tự nhiên không bền vững, mang tính may rủi. Không thể loại trừ giải pháp siêu nhiên. Như trên đã bàn, mọi mâu thuẫn phải giải quyết bằng đối thoại, nhưng tổng hợp mọi lẽ khôn ngoan con người về đối thoại, chúng ta có thể nói: cần lắng nghe trước, nói sau, nhưng trong mọi sự việc phải có tình thương là linh hồn cho thái độ lắng nghe cũng như thái độ nói ra. Tình thương là linh hồn cho mọi hoạt động con người. Và đặc biệt, đối với Kitô hữu, tình thương đó phải là tình thương bác ái, là chính Chúa Kitô,là những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô.
Điều nghịch lý, thế giới càng văn minh, khoảng cách giữa con người cũng được rút ngăn lại. Tuy nhiên, mâu thuẫn thay, con người ngày nay càng cảm thấy cô đơn. Những phương tiện giải trí mỗi ngày một gia tăng và tối tân để lấp đi nỗi cô đơn trong lòng người. Follereau, tông đồ của những kẻ nghèo hèn, nhất là những người bị bệnh cùi, loại ra bên lề xã hội, đã nhận xét như sau:
“ Không có Thiên Chúa hiện diện giữa con người thì con người khó mà đối thoại với nhau, nhìn nhau như là anh chị em:
Ở mọi nơi, mọi thời đại và mọi nền văn hóa, con người rất cần những mối quan hệ bền vững trong phạm vi gia đình cũng như bên ngoài xã hội. Ai ai cũng hiểu được tầm quan trọng của những mối quan hệ này và sẽ rất tự hào, thậm chí trân trọng là đàng khác khi có được chúng, Một tình bạn thân thiện luôn là nguồn sức mạnh để vượt qua những thời điểm khó khăn và giúp cho niềm vui được triển nở.Có được tình bạn tốt, chúng ta sẽ đẩy lui được tâm lý cô đơn và những tư tưởng tiêu cực.Mối quan hệ tốt đẹp này chẳng khác gì một gia sản quí. Qua đó chúng ta có được những ý kiến chân thành cũng như sự đồng cảm cao độ trước những thành công hoặc ngay trước thất bại trên đường đời.
Để duy trì được những mối quan hệ nêu trên, không gì khác ngoài việc đầu tư thời gian, công sức và trọn cả bầu nhiệt huyết của chúng ta nữa. Đôi khi chúng phải được trả giá bằng những hy sinh và thua thiệt thì mới có thể có được. Tình bằng hữu là vô giá.
Báo chí thế giới đang chăm chú câu chuyện, tưởng như thần thoại thời mới :Câu chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô và ông thợ già đóng giầy.
Được biết trong suốt 40 năm qua khi còn ở Buenos Aires, Argentina, ông thợ đóng giầy đến nay đã 81 tuổi chuyên sửa đôi giầy cũ cho Đức Thánh Cha Phanxicô.Đến nay khi đã ở Vatican Đức Thánh Cha vẫn không quên ông. Ngài trực tiếp gọi điện thoại để đặt giầy, và căn dặn ông vẫn cung cấp cho mình những đôi giầy như trước đây.
Chắc hẳn, mọi bí ẩn đều xoay quanh câu hỏi tại sao?
-Tại sao ĐứcThánh Cha suốt gần một nửa thế kỷ mà vẫn là một khách hàng bình dân trung thành của ông chủ tiệm đóng giầy?
-Tại sao trong cương vị Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô lại vẫn tự mình xoay xở những việc cá nhân mà không hề nhờ vả một ai?
Phải chăng đó là bí quyết, một giải pháp thần dược để phòng ngừa, chữa trị nỗi cô đơn của con người ?
Lm Sơn Đoài