Rồi chuyện mà mọi người nóng lòng chờ đọi đã đến. Chiếc màn lớn che khoang giữa lan can đền thờ Thánh Phêrô từ từ mở ra, và người ta bắt đầu thấy xuất hiện Thánh giá nến cao đi đầu, và bước đi sau Thánh giá ấy, một bóng áo trắng, bên cạnh vài bóng áo đỏ. Đức hồng y Tauran tiền ra phía trước, dõng dạc và long trọng hô lớn lời bao tin truyền thống: HABEMUS PAPAM!
“Chúng ta có giáo hoáng: Đức Phan sinh Đệ nhất; FRANCIS I”
Đó là Đức hồng Jorge Mario Bargoglio, Tổng giám mục Buenos-Aires, nước Argentina, Nam Mỹ. Một cai tên có lẽ bất ngờ và lạ lẫm đối với phần đông dân chúng đang chờ đợi bàn tán. Thật vậy, trước và sau khi mật nghị hồng y khai mạc người ta cũng nói tới khả năng một vị hồng y người Nam Mỹ sẽ đựoc bầu lên kế vị Đức Bênêđitô XVI, nhưng đó là hồng y Brazil, tổng giám mục Sao Paolo. Người ta cũng nói đến khả năng một vị hồng y châu Phi, hồng y Tukson, người Ghana. Tại Phi-luật-tân, dân chúng cũng nhảy múa reo hò, khi nghe tin có thể Đức hồng y Tổng Giám mục Manila sẽ lên ngôi. Còn dân Âu châu, đặc biệt là dân thành Milan, nơi từ đó đã xuất thân giáo hoàng Phaolô VI, người ta đồn rằng hồng y Scola sẽ trúng cử lần này. Nhưng khi nghe xướng tên vị hồng y đắc cử, mọi người đều bỡ ngỡ, vì ngoài dự đoán,đây không phải là một người  châu, mà lại là người đầu tiên đến từ châu Mỹ La-tinh, hay nói như chính đức Tân giáo hoàng: một người đến từ “tận cùng thế giới”! Ngài nói: “Chào anh chị em thân mến, anh chị em biết là nghĩa vụ của mật nghị Hồng y là cung cấp một Giám mục cho Roma. Dường như các anh em Hồng y của tôi đi đến hầu như tận cùng thế giới để tìm vị đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón cộng đồng giáo phận Roma dành cho Giám mục của mình. Cám ơn anh chị em. Cám ơn anh chị em. Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên Giám mục Roma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài, và xin Đức Mẹ Maria gìn giữ ngài.”
Đúng như câu tục ngữ xưa nay người ta thường nhắc lại, mỗi khi bầu cử giáo hoàng mới: “Ai vào Tuyển mật viện như là giáo hoàng, thì sẽ đi ra chỉ là một hồng y”!
Tuy nhiên sự bất ngờ này không phải là tuyệt đối, vì theo sự rò rỉ tin tức, người ta biết rằng, 8 năm về trước, năm 2005, trong mật tuyển viện bầu Đức Bênêđitô XVI, Đức hồng y Jorgé Mario Bergoglio đả phải hoảng sợ khi thấy số phiếu bầu cho ngài bám đưổi số phiếu bầu cho hồng y Ratzinger, đến nỗi ngài đã, quỳ xuống tại chỗ van xin các hồng y đừng bầu cho ngài nữa, mà dồn phiếu cho hồng y Ratzinger! Tin tức còn tiết lộ thêm: số phiếu bầu cho ngài lúc ấy đã đạt tới con số 40!
Một sự tinh cờ thật hy hữu xảy trong cùng ngày của 3 con số 3 này, 13-03-2013: Bên Trung Quốc cũng vừa bầu ra một tân Chủ tịch nước, tại Népal cũng có một chính phủ lâm thời, còn ở Slovenia, người ta cũng cử ra một nữ thù tướng mới. Điều này khiến tôi tự nhiên nảy ra ý nghĩ so sánh cuộc bầu cử giáo hoàng lần này với cuộc bầu cử diễn ra tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Cả hai bên đều hoành tráng, vĩ đại. Một bên là mầu đỏ của phẩm phục hồng y, còn bên kia là màu đỏ của cả một đại lễ đường Đại hội đảng Cộng sản. Một bên bầu ra người để lãnh đạo một cường quốc mới nổi lên, và cai trị một nướv đông dân nhất thế giới, gồm một tỷ 300 triệu người. Còn bên kia, thì chỉ có 114 “thầy tu” bầu ra người để không phải để chỉ phục vụ một đất nước nhỏ nhất thế giới, là Vatican, nhưng là lãnh đạo tinh thần của 1 tỷ 200 triệu người. Một bên người ta chỉ bàn luận về những vấn đề chính trị, kinh tế, cỏn ở Vaatican này thì vị Giáo hoàng mới lại chọn châm ngôn, hay “khẩu hiệu” là Misericordia atque elecio. Một bên là quyền lực và sức mạnh, còn bên chỉ nói tới tình thương và sự phục vụ, vì Đức Kitô đã nói với các môn đệ của Người trong bữa Tiệc ly, trước lúc ra đi chịu khổ nạn để cứu độ nhân loại: "Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22,24-27).
Điều đáng chú ý là người được bầu ở Vatican cởi bỏ phẩm phục đỏ tươi của mình, khoác vào một phẩm phục mầu trắng, tượng trưng cho sự đơn sơ thanh bạch, một màu sắc không còn sặc sỡ, nhưng thanh thoát nhẹ nhàng như làn khói trắng vừa toả lan ra từ ống khói của nhà nguyện Sixtìne! Và nữa, bên này Đức Giáo hoàng chăn dắt một tỷ 200 triệu người Công giáo trên toàn thế giới, được mệnh danh là “Đoàn chiên của Chúa Kitô”, còn bên kia là một vị lãnh tụ đầy quyền lực, đứng đầu một quôc gia hùng mạnh đứng hàng nhì thế giới, có vũ khí hạt nhân và một sức mạnh quân sự có lẽ chỉ thua Hoa Kỳ, hiện đang là một cường quốc xuất khẩu vũ khí đứng nhất nhì thế giới, và đang tìm cách bành trướng để trở thành bá chủ toàn cầu! Còn tại Vatican, nằm gọn trong thủ đô Rôma, Giáo hoàng chỉ có một đội quân thị vệ người Thụy sĩ, trang phục theo mô hình thời Trung cổ, theo mẫu thiết kế của đại danh hoạ Michel Ange, mang những vũ khi tượng trưng là giáo mác làm kiểng mà thôi!
Chúng ta đều biết, vua chúa Trung hoa ngày xưa tự coi mình là “thiên tử”, con Trời, thì ở Rôma này, trung tâm của Giáo hội Công giáo, Đức Giáo hoàng được coi là Đại diện Chúa Kitô ở ttrấn gian, tuy có sứ vụ “chăn dắt” 1 tỷ 200 triệu tín hữu hiện diện ở khắp năm châu trên thế giới, nhưng thực ra chỉ là những “con chiên” của Chúa mà thôi. Phải chăng vì thế mà Trung hoa không thèm nhìn nhận Vatican, và bắt Giáo hội Trung hoa ly khai khỏi Giáo hội Rôma, và bắt người tín hữu Trung quốc chỉ được vâng phục quyền bính của Nhà nước!
Nhưng thực ra sự so sánh này chỉ là một sự so sánh hình thức, hời hợt bên ngoài, còn theo sự thật mà nói, Giáo hội chẳng được Chúa Kitô lập ra để đối đầu hay cạnh tranh với ai, như nhiều người, kể cả người Công giáo, trong suốt gấn một thế kỷ nay, vẫn quan niệm Giáo hội là như một “Đạo binh Xanh”, có Đức Mẹ làm Nữ Vương cầm đầu, đang chiến đấu chống lại Con Rồng Đỏ, tức là Con Rắn xưa, và Người Nữ, là Đức Mẹ sẽ đạp nát đầu Con Rắn!
Nhưng nay thì người Kitô hữu không còn được phép nghĩ như vậy, mà phải xác tin rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ muôn dân, và Giáo hội phải thực sự là một “Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo", như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với các nhà báo, và giải thích tại sao người chọn thánh Phnxicô làm “Tông hiệu”.
Giáo hội là cộng đồng những người yêu thương, đồng tâm nhất trì với nhau để phục vụ lẫn nhau và phục vụ mọi người, chứ không phải là một cộng đồng chính trị, kinh tế, quân sự, hay chỉ là một tổ chức văn hoá, từ thiện. Vì thế mà trong bài giảng đầu tiên, trong thánh lễ đồng tế giữa cộng đồng hồng y vửa bầu ngài lên làm Tông đồ trưởng, Đức Giáo hoàng nói: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.. Con theo Chúa… với những khả năng khác, nhưng không có Thập giá. Khi chúng con bước đi mà không mang theo Thập giá, khi chúng con xây dựng mà không có Thập giá, khi chúng con tuyên xưng một Đức Kitô mà không có Chúa Kitô, chúng con không phải là môn đệ của Người. Chúng con là những người thế gian, là Giám mục, Linh mục, hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.”
Thập giá không phải là một vũ khí, mà là biểu tượng của tình yêu thương, dâng hiến. Kẻ mang Thập giá là kẻ trước hết luôn luôn sống với tình yêu thương. Khi Chúa Kitô phục sinh khẳng định lại vai trò phục vụ của Phêrô, Người chỉ đòi hỏi nơi ông tình yêu thương gắn bó với Người. Tin mừng theo thánh Gioan thuật lại rằng:
“Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. "Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không ?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy”(Ga 15-17).
Điều đáng nói ở đây, là bên Trung hoa, cũng như nhiều nước trên thế giới, ngày này đâu đâu cũng tự nhận là “cộng hoà” với “dân chù”, nhưng đó chỉ là những từ ngữ nhiều khi rỗng tuyếch, chỉ còn là những ngôn ngữ chinh trị giả dối, những khẩu hiệu hô lên cho kêu. Nhưng thực ra dân chủ gì đâu, vì nhiều khi chưa bầu mà cà thế giới, cả thiên hạ đều biết trước có khi từ một năm trước hay hơn nữa, ai sẽ làm tống thống, chủ tịch hay thủ tướng vv, Cuộc “bầu cử” vừa rồi ở Trung quốc cũng vậy, thế nên chỉ một vòng phiếu đả đủ để cho kết quà, mà người trúng cử được tới hơn 99% sô` phiếu. Trong khi đó, tại Vatican, tuy không có Hiến pháp, cũng chẳng có quốc hội, và “chế độ” ở đây thường được coi như thuộc “thần quyền”, vá “quốc gia” nhỏ nhất thế giới lại được coi là tượng trưng cho “Nước Thiên Chúa,”, nhưng quyến bính tại đây lại là một quyến bính “lạ đời”: Quân chủ chuyên chế cũng không, lập hiến cũng không, mà dân chủ cũng không. Một vị giáo hoàng được bầu lên, được nắm trọn vẹn tam quyến: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngài cũng có thể cai trị cho đến chết, nhưng ngài cũng có thể thoái vị, như trường hợp Đức giáo hoàng Bênêđitô XVI vừa làm. Và có lẽ không một cuộc bầu cửa nào trong các quốc gia ahy tổ chức nào lại thực sự dân chủ như cuộc bầu cử giáo hoàng: không tự ứng cử, cũng chẳng có đề cử. Không tranh cử bằng bất cứ hình thức nào. Chẳng quảng cáo, phỏng vấn hay cho phép tung rá bất cứ một tin tức nào liên quan đến các cừ tri, là các hồng y có quyền bầu cử. Các ngài phải tuyết đối giở bí mật, trước cuộc bầu cử, trong khi bầu cử và cả sau khi bầu cử. Chẳng quay phim chụp hình lúc diễn ra bầu cử, mà chỉ có sự im lặng trang nghiêm.
Trong bầu không khí có vẻ thiêng liêng huyền bí có vẻ tuyệt đối như vậy, nhưng hơn ai hết, Giáo hội lại ý thức rõ rệt sự mong manh yếu đuối của con người. Thật vậy, theo truyền thống trước kia, trong ngày cử hành lễ đăng quang của một vị Giáo hoàng, có một nghi thức, và có thế nói bỏ cả nghi lễ đăng quang, mà chỉ đơn sơ những rất có ý nghĩa: một thầy dòng cầm một chiếc đĩa, trên đó có một nắm bông trắng, ông đốt nắm bông đó, đi ngang qua mặt giáo hoàng mà hô lên: Sic transit gloria mundi! Vinh quang trần thế qua đi như vậy đó.
Ngày nay người ta đã bỏ nghi thức này, và có thể nói, cũng bỏ cả lễ đăng quang, mà chỉ còn gọi đơn giản là “Ngày nhậm chức”. Người đầu tiên bỏ lễ đăng quang, là Đức Phaolô VI, người mà Tổng giám mục người Áu nhĩ lan ngày xưa, được gọi là Malachy, đã tiên tri rằng ngài sẽ được mệnh danh là Flos florum, “Hoa của muôn hoa”, đã ngồi trên ghế của Phêrô trước đấy 3 đời giáo hoàng.
Habemus Papam. Chúng ta đã có Giáo hoàng.
Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô Đệ nhất là ai vậy?
- Ngài là tu sĩ dòng Tên, năm nay 76 tuổi, hiện đang làm Tỗng giám mục Thủ đô Buonnos Airesnước Argentina, mãi tận cùng Nam Mỹ. Ngài là một con người rất đơn sơ, giản dị: không thích ở trong Toà Tổng giám mục, mà ra ở trong một căn nhà nhỏ như một dân thường, tự nấu ăn lấy, và đi lại bằng phương tiện chuyên chở công cộng. Ngài có lòng ưu ái dân nghèo và đau ốm bệnh tật, nên vì thế mà đã chọn tước hiệu giáo hoàng Phan Sinh Đệ nhất, vì ai cũng biết thánh Phan Sinh thành Át-si-di được mệnh danh là Phan Sinh khó nghéo.
Hẳn khi các hồng y trên toàn thế giới bầu chọn ngài, đã có một ý hướng rõ rệt: các ngài muốn Giáo hội hôm nay thực sự là một “Giáo hội của người nghèo”. Vì thế các ngài đã chọn một người của một phần đất đông dân và nghèo khổ, là lục địa Nam Mỹ, nằm ngay bên dưới những nước là biểu tượng cho sự giàu có nhất thế giới, là Mỹ và Canada. Đây là phần đất đã từmg bị những nước thuộc cái gọi là “Thế giới Kitô giáo” đặt ách nô lệ, bóc lột và cướp mất không những của cải vật chất, mà cả nền văn hoá, hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội chứng kiến một người anh em của mình được bầu vào vị trí Mục Tử tối cao của một Cộng đồng tôn giáo lớn nhất hoàn cầu. Nhưng cộng này không phải là một cộng đồng chính trị, kinh tế, quân sự hay chỉ là văn hoá, mà trước hết, là một cộng đồng được mệnh danh là “Cộng đồng Dân Thiên Chúa“, cũng gọi là “Dân tư tế, ngôn sứ và vương đế”, theo nghĩa là dân chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, loan truyền Lời Chúa và phục vụ nhân loại.
Khi vừa được bầu làm Giáo hoàng, thay vì ngồi xuống cho các hồng y đến tỏ lòng tôn kính, vâng phục, thì ngài lại đến tận nơi đức hồng y Dias đang ngồi, vì chân đau không đi đứng được, Ngài bắt tay chào hỏi vị hồng y đau yếu, rồi trở về chỗ mình, đứng tại chỗ chứ không ngồi để tiếp đón các hồng y. Khi giảng bài giảng đầu tiên trong lễ bế mạc Tuyển mật viện, ngài đứng tại bục giảng, chứ không ngồi trên ghế dành sẵn cho ngài, và ngài đã nói về ba việc phải làm, là “bước đi (theo Chúa) vai mang Thập giá, xây dựng với Thập giá và tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá”, như chúng ta vừa trích dẫn trên đây. Bởi vì cuộc đời chúng ta là một “chuyển động”, một “con đường”.
Như trên đã nói, trong Mật nghị bầu giáo hoàng Bênêđitô XVI, theo đức hồng y Jorgé Mario Bergoglio đã từng quỳ xuống tại chỗ, xin các vị hồng y khác đừng bỏ phiếu cho mình nữa, khi thấy số phiếu bầu cho ngài bám theo sau số phiếu bầu cho hồng y Ratzinger, người sẽ lên ngôi lấy tên là Bênêđitô XVI. Lần này thì ngài trả lời khi vị hồng y Camerlingue đến hỏi ngài có chấp nhận cuộc bầu chọn này không, thì ngài trả lời: “Tôi ý thức mình là kẻ tội lỗi. Nhưng anh em đã đặt lên vai tôi gánh nặng này, thì tôi xin lãnh nhận”. Nhưng trong tiệc mừng trưa gày 13-03-2013, ngài đã hóm hỉnh nói với các hồng y: “Xin Chúa tha thứ cho quý vị việc làm này”, ám chỉ việc các hồng y đã bầu chọn ngài.
Có nhà báo nói rằng Giáo hoàng Phqnxicô là “người không thay đổi, nhưng thay đổi rất nhiều”, ý nói là bản thân ngài trước sau như vậy ngài vẫn giữ huy hiệu (blason) giám mục đã chọn cũng như châm ngôn hay “khầu hiệu”( devise) cũ, đó là hình ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và Thánh Cả Giuse, với dòng chữ Misericordie atque electio, Lòng Thương xót và ơn Tuyển chọn.
Cử chỉ đầu tiên của ngài, như chúng ta đã nói, là rời chỗ của mình để đến chào thăm hồng y Dias bị đau chân không thể đi đứng được. Sau đó ngài mới về chỗ, nhưng chỉ đứng chứ không ngồi xuống để các hồng y tới tỏ lòng tôn kính, vâng phục. Khi thay phẩm phục, bỏ áo hồng y, mặc áo giáo hoàng, ngài đã giữ lại cây thánh giá đeo ngực ngài vẫn mang, không thay bằng thánh giá khác mà người ta đưa cho ngài như các giáo hoàng tiền nhiệm vẫn làm. Sau thánh lễ đồng tế cùng dâng với các hồng y, và giảng bài giảng đầu tiên mà chúng ta đã trích dẫn nội dung chính, Đức Phanxicô đã cùng một vài hồng y và nhân viên tháp tùng, ngài đến nhà thờ Đức Bà Cả, dâng một bó hoa rất đơn sơ nhỏ bé, mà ai cũng có thể mua được, đặt trên bàn thờ, quỳ cầu nguyện, rối đi thăm mộ thánh Piô V giáo hoàng, một giáo hoàng dòng Đa Minh. Ngài cũng đi thăm nơi ở của thánh Inhaxiô, tổ phụ dòng Tên của ngài, rồi lên xe trở về , trên đường ghé qua khách sạn Piô XI, ngài lấy đồ đạc để lại đó từ khi đến Rôma, ngài tự mình trả tiền phòng. Như mọi hồng y khác, mặc dầu người ta từ chối, nhưng ngài vẫn cứ bắt phải lấy. Một chi tiết khác cũng khá thú vị, đó là lúc từ nhà nguyện Sixtine trở về nhà nghỉ Sainte-Marthe, đức Phanxicô không dùng xe limousine dành riêng cho ngài, mà leo lên một xe minibus ngồi chung với các hồng y khác.
Đối với những người khác, thì đó là những thay đổi rất ấn tượng và có ý nghĩa, nhưng đối với ngài, thì đó lại là sự tự nhiên, bình thường, bởi vì có lẽ tự trong thâm tâm, ngài vẫn cảm thấy chẳng có sự thay đổi gì, vì ngài vẫn là Jorgé Mario Bergoglio, một con người như mọi con người bình thường khác. Cũng như Đức Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô, nhưng vẫn tự coi mình là người, và xưng mình là Con Người mà thôi.