Ông Vũ Thành Nam- Chánh Văn phòng Ủy ban ĐKCGVN, Tổng Biên tập báo Người Công giáo Việt Nam tìm hiểu mô hình sản xuất dâu tây sạch kết hợp du lịch tại Đà Lạt. Ảnh: Bùi An |
Trong chuyến công tác của báo Người Công giáo Việt Nam tại Lâm Đồng, nhân dịp Hội nghị toàn quốc Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam năm 2020, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về mô hình phát triển kinh tế - xã hội nơi đồng bào Công giáo, trong đó có đồng bào Công giáo tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Đặc biệt mô hình du lịch canh nông tại Đà Lạt - một trong những nhân tố góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - du lịch tại địa phương này.
Nếu như du khách đã quen thuộc với các điểm du lịch thác Prenn, thác Datanla, hồ Than thở, đỉnh Langbiang, Thung lũng tình yêu, Đồi mộng mơ, Vườn hoa thành phố… thì trải nghiệm thực tế tại những nông trại chính là cảm giác rất độc đáo, vui thích cả về thị giác, vị giác và tinh thần. Với những nông trại dâu tây, cà chua, rau củ, vườn hoa đủ sắc màu trồng theo kỹ thuật và tiêu chuẩn nông nghiệp sạch VietGap, du khách vừa tham quan vừa nghe và chứng kiến các công đoạn chăm sóc của người nông dân giàu kinh nghiệm. Trải nghiệm này như một kích thích để du khách nếm những nông sản tại vườn, tận tay hái trái cây sạch về làm quà cho người thân và vui cười rủ nhau chụp ảnh, check in kỷ niệm…
Tham gia tìm hiểu tại vườn dâu tây, ông Vũ Thành Nam - Chánh Văn phòng, Tổng biên tập báo Người Công giáo Việt Nam cho biết, qua các thông tin tại Hội nghị, kết hợp với khảo sát thực tế cho thấy, đồng bào Công giáo tại Đà Lạt đã có những sáng tạo trong thực hiện chương trình bảo vệ môi trường theo thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha, đồng thời năng động phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, mà điển hình là sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Nông nghiệp sạch chính là một hình thái sản xuất thân thiện môi trường, phát triển du lịch, nâng cao chất lượng đời sống người dân nói chung, đồng bào Công giáo tại Đà Lạt nói riêng.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các điểm du lịch canh nông luôn tấp nập khách tham quan đến trải nghiệm, điển hình như: Làng hoa Vạn Thành, nông trại Cún - Puppy farm (Măng Lin, phường 7), đồi hoa cẩm tú cầu (Trại Mát, phường 11), trang trại rau thủy canh Đức Tiến (Đa Thiện, phường 8), khu vườn bí ngô khổng lồ (đường Hồ Xuân Hương, phường 12).
Đà Lạt được biết đến là thành phố ngàn hoa, và mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở này nền thời tiết rất đặc trưng, phù hợp cho phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Nhưng theo lãnh đạo thành phố, để nâng cao chất lượng, “chuẩn hóa” du lịch canh nông, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”, đến năm 2019 có 32 cơ sở đạt tiêu chí này và toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.500ha diện tích nhà kính ứng dụng công nghệ cao, trong đó riêng TP. Đà Lạt khoảng hơn 2.800ha (chiếm 60% diện tích nhà kính toàn tỉnh), đây là một tiền đề để ngành du lịch địa phương phát triển. Thực tế cho thấy, loại hình du lịch canh nông đi vào phục vụ du khách đã đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt phát triển mạnh mẽ hơn.