Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
"Người Hà Nội”– nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi được sáng tác vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới bắt đầu. Thủ đô lúc ấy đang ngút trời đạn lửa, nhạc sĩ vẫn hình dung tới một Hà Nội chiến thắng không xa.Tối 19/12/1946, Nguyễn Đình Thi rời Hà Nội, đến Ngã Tư Sở thì đèn đường phụt tắt. Cả Hà Nội bốc bùng ngùn ngụt trong ngày Toàn quốc kháng chiến - một cảnh tượng hùng vĩ khiến ông xúc động đến nghẹn ngào. Ở Hà Đông, ông được ông Trường Chinh giao cho Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ và dặn đi gấp trở lại Hà Nội trao cho Ủy ban kháng chiến. Ông tất tả ngược về Thủ đô đang phủ đầy khói lửa. Kỷ niệm ấy ám ảnh ông mãi. Hòa mình trong khí thế chiến đấu của quân dân Hà Nội, ông sáng tác ‘Người Hà Nội’ với giai điệu và lời ca làm say mê rung động lòng người “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên...”, rồi nhớ “Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao...”. “Ðây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Ðây lắng hồn núi sông ngàn năm. Ðây Thăng Long, đây Ðông Ðô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”, “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời. Hà Nội hồng ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên, Hà Nội vùng đứng lên, sông Hồng reo. Hà Nội vùng đứng lên!”.
“Nam Bộ kháng chiến” – nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn được sáng tác năm 1946, mang âm điệu và ca từ giản dị, mộc mạc nhưng chân thành, nhiệt tình, phản ảnh rõ nét tinh thần quyết chiến của quân dân Nam Bộ đứng lên chống quân xâm lược: “Mùa thu rồi ngày hăm ba. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô. Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không. Mà lòng người giàu lòng vì nước. Đốc với giáo mang ngang vai. Nhưng thân trai nào kém oai hùng. Cờ thắm tung bay ngang trời. Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền. Một lòng nguyện với tổ tiên. Thề quyết thắng quân ngoại xâm!”. Tạ Thanh Sơn, quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long, viết nhạc phẩm này tại làng Mỹ Xương, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp sau khi ông vừa dự xong một khóa huấn luyện chính trị và được cử tham gia vào đội tuyên truyền của Khu 8. Ra đời trong khí thế sôi sục của Nam Bộ và cả nước quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bài hát đã dễ dàng đi vào lòng người. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đánh giá: “Bài hát “Nam Bộ kháng chiến” rất nổi danh và có mặt trước những bài hát quen thuộc của tôi như “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng giang”. Thật đáng khâm phục...”.