• Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt: Điểm hẹn của tình yêu Là nhà thờ nổi tiếng của phố núi, không thể nghi ngờ nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là điểm đến của rất nhiều người..., Nhà thờ Chính tòa đã chứng kiến nhiều dâu bể của thành phố mù sương.
Được xây dựng từ năm 1931 và hoàn thành vào năm 1942, nhà thờ Chính tòa Đà Lạt còn được gọi là nhà thờ Saint Nicolas và thân thuộc hơn nữa với cái tên nhà thờ con gà. Nguyên do bởi trên nóc tháp chuông của nhà thờ có cái chong chóng gió hình con gà trống cao 66 cm bằng đồng. Nhà thờ Chính tòa là kiến trúc mang phong cách Roman, Pháp duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Một điều khá đặc biệt, tham gia xây dựng nhà thờ Chính tòa Đà Lạt có một nhóm thợ người Công giáo gốc Huế chuyên thi công giàn gỗ trong nhà thờ. Những người thợ Huế khéo tay này sau đó đã ở lại Đà Lạt, thành lập một ấp nhỏ tên là ấp Saint Jean, sau này được biết với cái tên xóm An Bình, nay nằm phía sau khu nhà thờ Chính tòa Đà Lạt và vào năm 1947, họ cũng xây dựng một nhà thờ nhỏ, giản dị nằm trên ngọn đồi An Bình lộng gió.
• Nhà thờ Du Sinh Đà Lạt: Gợi nhớ mái đình làng Việt Ở phố núi Đà Lạt, nằm trên đường Huyền Trân công chúa là ngôi nhà thờ “độc nhất vô nhị” với kiến trúc đậm nét Á Đông. Được xây dựng từ năm 1955, do linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng xây dựng cho giáo dân di cư có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nhà thờ hoàn thành năm 1957 và sau nhiều lần sửa chữa, đến nay vẫn mang dáng dấp Á Đông truyền thống.
Là một người sinh ra trong Hoàng tộc Huế, cha Bửu Dưỡng xuất thân từ một gia đình sùng đạo Phật, bản thân ngài cũng từng tu học tại chùa Phật giáo, là một người thông thạo Hán Nôm và chuyên sâu về triết học Đông phương trước khi trở thành một tu sĩ Công giáo, cha Thiên Phong Bửu Dưỡng khi xây dựng nhà thờ đã mang những nét truyền thống Việt vào công trình. Mái cong, đầu đao, những hoa văn chạm hình rồng, họa tiết cây tre… gợi nhớ những mái đình làng Việt. Đến tận bây giờ, nhà thờ Du Sinh vẫn là nhà thờ đẹp của Lâm Đồng với kiến trúc Á Đông truyền thống, rất được khách đến đây tham quan vãn cảnh.
• Nhà thờ Cam Ly: Hơi thở lặng trầm của núi Nằm gần ngay ngọn thác Cam Ly, nhà thờ Cam Ly được nhắc tới cùng tên thác hay còn được gọi là nhà thờ Sơn Cước, nhà thờ Gỗ Đà Lạt. Nhà thờ được xây từ năm 1959 đến năm 1967 mới hoàn thành, ngoài là nơi thờ phượng Thiên Chúa, mà còn là nơi để phục vụ cho giáo dân người sắc tộc bản địa quanh vùng.
Mang dáng dấp ngôi nhà rông truyền thống của người dân bản địa, nhà thờ nằm giữa rừng thông xanh rì rào, mang âm hưởng lặng trầm của núi rừng. Nhiều vật trang trí mang đậm chất Tây Nguyên được dựng trong nhà thờ, từ bức tượng các thánh, tượng hổ, tượng chim, đầu bò tót… Kết hợp giữa tường đá xanh, mái ngói dốc và hàng trăm khung kính màu, Nhà thờ Cam Ly mang chỉnh thể của một kiến trúc vừa đậm nét Tây Nguyên, vừa linh thiêng của một công trình tôn giáo. Linh mục Boutary, Giám đốc Trung tâm Sơn cước Cam Ly đã vô cùng sáng tạo khi xây một ngôi nhà chung cho Chúa với Yàng (nhân vật thiêng liêng của đồng bào) để anh chị em thờ cúng trước khi người dân biết đến Chúa.
Sát ngay cạnh nhà thờ Cam Ly có ngôi nhà chung của các sơ dòng Mến Thánh giá. Đây là nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhất là các trẻ người dân tộc thiểu số.
• Nhà thờ Ka Đơn: Đại ngàn giản dị Năm 2016, nhà thờ Ka Đơn giành giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế được công bố tại thành phố Pavia, Italy. Trước đó, thiết kế của nhà thờ Ka Đơn cũng được vinh danh giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu vào năm 2011. Đây là tâm huyết của linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc, quản xứ Ka Đơn do vợ chồng kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương- Nguyễn Tuấn Dũng thiết kế. Nằm tại thôn Grăng Gọ 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, nhà thờ và là nơi sinh hoạt tinh thần của anh chị em người Chu Ru, K’ Ho cư trú tại địa phương.
Mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Chu Ru bản địa, nhà thờ Ka Đơn được dựng từ gỗ thông địa phương giữ màu nguyên bản, hòa chung với sắc đỏ của mái ngói. Mái nhà thờ được thiết kế đơn giản, cách điệu từ mái nhà rông Tây Nguyên. Khác với các công trình nhà thờ, không gian lễ đường thường đồ sộ, nhà thờ Ka Đơn giản dị, nép mình dưới tán thông xanh ngắt. Nhà thờ Ka Đơn mang dáng dấp của ngôi nhà dài Chu Ru truyền thống, giản dị, phóng khoáng.
Nhà thờ Ka Đơn đem lại cái nhìn mới về kiến trúc thánh đường. Đó là sự tôn trọng văn hóa bản địa, hòa trộn với thiên nhiên, ấm áp, giản dị và đậm bản sắc từng miền đất.
• Nhà nguyện dòng Franciscaines: Sự yên lặng huyền bí Nhà nguyện dòng Franciscaines trên đường Hùng Vương, phường 10, Đà Lạt đã bị bỏ hoang vài thập kỷ. Lớp bụi thời gian bao phủ trên những ô cửa kính vỡ vụn, hành lang u tối đầy cỏ dại. Nằm trên một quả đồi nhỏ, được bao bọc bởi những hàng thông xanh mướt, Nhà nguyện với lối kiến trúc xưa cũ khiến những người đến đây ngỡ như đang lạc vào thời Trung cổ.
Mang đặc trưng phong cách gothic châu Âu với những ô cửa uốn, mái vòm, ngôi nhà nguyện bị hơi thở thời gian phủ mờ, với hàng ngàn dây leo quấn thành bức tường xanh. Ngôi nhà nguyện mang chung số phận chìm nổi với thời cuộc, chuyển từ người sở hữu này sang người sở hữu khác và nay nằm trong khuôn viên một trường đại học.
Giống như nhiều địa điểm trên thành phố cao nguyên, nhà nguyện dòng Franciscaines cũng được nhiều người tò mò chia sẻ các tin tức huyền bí, những câu chuyện dễ làm lòng người xao động. Ngôi nhà nguyện bỏ hoang, cô đơn, lặng lẽ, u tối cũng mang lại nhiều cảm hứng cho những nhiếp ảnh gia, những thi sỹ, văn sỹ.