Một góc tu viện Phanxicô. |
Nhiều du khách đến tham quan huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đều có chung nhận xét: đã đến huyện cù lao sông nước này thì nhất định phải tham quan cho bằng được tu viện cổ kính có trên 150 năm tuổi với rất nhiều câu chuyện lạ thường như những chứng nhân của cuộc đời còn sống mãi với cuộc sống hôm nay, đó là tu viện Phanxicô.
Tu viện cổ kính miền Tây Ông Lê Văn Thái, 79 tuổi ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới kể lại: “Không biết tu viện nầy có tự bao giờ nhưng khi chúng tôi lớn lên đã thấy rồi, theo lời người lớn kể lại, tu viên này có từ thời Pháp thuộc, Chợ Mới là vùng đất nằm giữa sông Hậu rất trù phú nên họ chọn làm điểm xây nhà thờ để truyền đạo”.
Theo nhiều tư liệu, đầu tiên tu viện có tên là chủng viện giáo phận Nam Vang thành lập năm 1872. Đến ngày 29/02/1957 được đổi tên là tu viện Phanxicô. Trước kia cơ sở này là chủng viện của địa phận Đàng Trong, bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Nhiều giáo sĩ miền Nam được đào tạo tại đây. Sau chiến tranh năm 1945, cơ sở bị đốt cháy, chỉ còn sót lại nhà thờ, nhà bếp và nhà các chú. Khu nhà bị bỏ hoang trong nhiều năm. Năm 1957, cha Bonaventura Trần Văn Mân và 5 anh em dòng Phanxicô đến tiếp nhận cơ sở để lập tu viện. Họ sửa sang lại nhà cửa và bắt tay vào việc tông đồ: đi rao giảng, làm tuyên úy cho tu viện dòng Chúa Quan Phòng bên cạnh, đi dâng lễ cho các họ đạo chung quanh thiếu vắng linh mục. Qua dòng thời gian, nhiều hạng mục của tu viện đã được làm mới nhưng vẫn còn giữ một số cảnh quan xưa để lớp người đi sau biết được bối cảnh hình thành tu viện trước đây. Tu viện có vòm mái hình múi sóng cuộn, cột lớn chịu lực, có nhiều cửa sổ khá to nên tạo được ánh sáng luôn tràn ngập bên trong nhà thờ. Bên trong nhà thờ có tượng thánh Phanxicô, bàn thờ lễ, dãy bàn ghế cho khoảng 300 tín hữu, một gác lửng để ca đoàn hát lễ.
Gắn liền với nhiều hoạt động xã hội từ thiện Bà Võ Thị Thu Sang, 80 tuổi ngụ xã Tấn Mỹ cho biết: “trước ngày miền Nam giải phóng 1975, tu viện này là nơi tiếp nhận và điều trị rất nhiều bệnh nhân bị bệnh phong (còn gọi là cùi) của các tỉnh miền Tây, ở đây có rất nhiều sơ đến chăm sóc bệnh nhân, người bệnh được điều trị miễn phí, người ở xa được lưu trú ăn nghỉ tại chỗ. Tuy nhiên nhiều cư dân rất ngán ngại sự lây nhiễm nên rất ít khi lai vãng xung quanh tu viện”.
Từ năm 1975, Sở Y tế An Giang tiếp nhận cơ sở và quản lý điều hành cho đến năm 1986 thì giao lại cho Trung tâm y tế huyện Chợ Mới. Đội ngũ thầy thuốc, tu sỹ của tu viện được mời làm việc trở lại từ đây. Đầu năm 1999, chương trình thanh toán bệnh phong cơ bản đã hoàn thành, tu viện Phanxicô chấm dứt hoạt động chữa bệnh phong và trở lại sinh hoạt tôn giáo bình thường. Hiện tu viện đã được nâng cấp và mở mới trường dân lập Sơn Ca, phục vụ con em bà con nghèo tại địa phương. Đây là công trình hợp tác giữa dòng Chúa Quan Phòng và dòng Phanxicô, theo ước nguyện cuối cùng của cố linh mục Bonaventura Trần Văn Mân.
Hiện nay, tu viện còn giữ lại nhà thờ, gian bếp, nhà ở cho linh mục, khu nhà tĩnh tâm, tháp chuông. Riêng khu tĩnh tâm được xây dựng riêng biệt cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo muốn tìm đến đây để thư thái tâm hồn, tận hưởng không khí trong lành của vùng đất cù lao giữa sông Hậu mênh mông. Mọi người có thể ở lại đây tùy ý thích, được cung cấp thức ăn và các vật dụng sinh hoạt cần thiết hàng ngày; được tham gia trồng trọt chăn nuôi.
Cùng với các nhà thờ, tu viện lớn, cổ kính của huyện Chợ Mới như: nhà thờ Cù Lao Giêng, nhà thờ Cù Lao Ông Chưởng, nhà thờ Rạch Sâu, tu viện Chúa Quan Phòng, tu viện Phanxicô... Đến đây, mọi người sẽ để lại phía sau những lo toan phiền muộn trong cuộc sống, tìm lại những cảm giác hoài cổ rất lạ thường cùng với bao câu chuyện đẹp mà không phải ở đâu cũng có được.