Một góc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Xuân Hà |
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh ở số 28 đường Võ Văn Tần, quận 3, được thành lập sau ngày đất nước thống nhất, có 9 phần cố định. 1/ Phòng Thiên nhiên và Khảo cổ, giới thiệu vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động, thực vật, hệ thống sông ngòi, đời sống của cư dân cách đây 3000 - 2000 năm trước CN. 2/ Phòng Địa lý và Hành chính Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, với sưu tập bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, hiện vật trưng bày quá trình hình thành và phát triển thành phố về địa lý, hành chính. 3/ Phòng Thương cảng, Thương mại và Dịch vụ, giới thiệu vai trò trung tâm kinh tế của Sài Gòn đối với khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. 4/ Phòng Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống và đôi nét về công nghiệp cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. 5/ Phòng Văn hóa, giới thiệu phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục. 6/ Phòng Đấu tranh cách mạng 1930 - 1954. 7/ Phòng Đấu tranh cách mạng 1954 - 1975. 8/ Phòng Kỷ vật kháng chiến trưng bày hiện vật, di vật đồng hành với cuộc sống và chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và liệt sĩ trong 30 năm kháng chiến. 9/ Phòng Tiền Việt Nam giới thiệu các loại tiền qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở số 28 đường Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập ngày sau ngày thành phố được giải phóng với tên gọi "Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược". Đến ngày 4/7/1995 (một tuần trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam), được đổi tên là "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh". Tại đây trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh trong Chiến tranh Việt Nam với các chủ đề: lính Mỹ tàn sát, tra tấn, tù đày dân, rải chất độc hóa học, rải bom phá hoại miền Bắc; các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn "chuồng cọp" được xây dựng đúng kích thước như ở nhà tù Côn Đảo; chiến tranh biên giới Tây Nam; chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc; vấn đề quần đảo Trường Sa; âm mưu của các thế lực thù địch... Bảo tàng còn trưng bày nhiều đề tài xuyên suốt lịch sử đấu tranh của nhân dân ta từ thời Pháp - Nhật xâm lược đến sau ngày hòa bình. Trong đó có bộ sưu tập 250 hình ảnh "Việt Nam - Chiến tranh và Hòa bình" do nhiếp ảnh gia Nhật Bản Ishikawa Bunyo thực hiện trong thời gian ông làm việc tại Việt Nam đến khi chiến tranh kết thúc và Phòng trưng bày Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến.