Có thể nói, với những biểu hiện vô cùng phong phú của con Nghê trong nghệ thuật tạo hình của người Việt thì việc phân loại biểu tượng Nghê là một công việc không hề dễ dàng. Do con Nghê không có các huyền thoại đi kèm như rồng hay Kỳ lân nên việc phân loại Nghê theo nguồn gốc (tên gọi, huyền thoại) là bất khả thi. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể phân loại linh vật biểu tượng này dựa trên các tiêu chí phân loại sau:
- Phân loại theo hình thức biểu hiện
- Phân loại theo vị trí đặt
- Phân loại theo chức năng sử dụng
- Phân loại theo giai đoạn lịch sử
- Phân loại theo khu vực địa lý.
Phân loại theo hình thức biểu hiện
Đây là biện pháp phân loại đơn giản nhất vì chúng ta có thể dựa vào trực quan của mình để quan sát và xếp loại các biểu tượng Nghê cho phù hợp với hình thức biểu hiện của chúng. Chẳng hạn, Nghê có sừng hay không có sừng; Nghê có bờm và không có bờm; Nghê có vảy với Nghê có lông xoắn; Nghê có móng guốc và Nghê có vuốt;... Thậm chí, chúng ta có thể phân loại Nghê theo hình dáng tổng thể như Nghê dáng chó hay Nghê dáng sư tử. Mặc dù cách phân loại đơn giản và tiện lợi này có thể áp dụng được cho nhiều người (cho dù họ có ít hiểu biết về Nghê) nhưng với hình thức biểu hiện đa dạng như con Nghê, chúng ta không thể phân làm quá nhiều loại khác nhau dựa vào những biểu hiện bên ngoài của chúng. Chính vì vậy mà một phương pháp phân loại theo vị trí sẽ giúp chúng ta dể xác định được đâu là Nghê còn đâu là những linh vật khác.