Cổng làng Quỳnh Đôi. Ảnh: TL |
Làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An rất coi trọng việc học. Thời phong kiến, làng dù nghèo đói vẫn quyết học chữ thánh hiền, có tới 535 tú tài, 208 cử nhân, 4 phó bảng, 6 tiến sỹ, 2 hoàng Giáp, 1 thám hoa, 1 bảng nhãn. Có những gia đình cả 3 người (ông, cha, con) đều thi đậu. Danh nhân Hồ Sĩ Dương được coi là vị tiêu biểu, đỗ đầu thi Hương (1651) trở thành một trong hai người Việt Nam đỗ lưỡng quốc Đông Các. Thời Pháp thuộc, nơi đây là quê hương của Nguyễn Xuân Dương, Phạm Đình Tân – hai người đều đỗ thủ khoa Đại học Luật Đông Dương. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Quỳnh Đôi có 3 Viện sỹ, 13 giáo sư-phó giáo sư, 30 tiến sỹ, 48 thạc sỹ và hơn 1.000 cử nhân. Cùng với nghề dệt lụa, việc học thực sự trở thành “nghề truyền thống” của ngôi làng hơn 600 tuổi này. Trong tâm thức của người dân xứ Nghệ, nhắc đến Quỳnh Đôi là nhắc đến “làng học”. “Nhờ học hành mà người làng Quỳnh Đôi tiếp thu và truyền bá được những kiến thức cần thiết, mở mang ngành nghề, làm quan, làm thầy học, thầy thuốc... nhờ đó mà vượt qua đói nghèo trở thành một làng văn hóa nổi tiếng xưa nay, đóng góp nhân tài cho đất nước" (lời của T.S Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Làng Tam Sơn, tỉnh Bắc Ninh thời phong kiến có 22 người đậu đạt cao, gồm 2 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 1 nhất giáp tiến sĩ, 5 nhị giáp tiến sĩ, 11 tam giáp tiến sĩ, 1 phó bảng. Người tiêu biểu là trạng nguyên Nguyễn Quán Quang, thi hương đậu giải nguyên, thi hội đậu giải nguyên,, thi đại tỉ thủ sĩ (1246) đỗ đễ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh, trở thành trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt. Cụ có nhiều công lao trong cuộc kháng chiên chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, được vua Trần Thái Tông phong làm tướng quốc công và ban quốc tính. Tam Sơn là vùng quê cổ kính đẹp đẽ. Người Tam sơn vừa làm ruộng vừa chăn tằm dệt lụa để nuôi con cháu ăn học. Ngày nay, theo theo gương học hành ngày xưa, con cháu trong làng học hành tấn tới, đậu đạt nhiều, đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Nơi đây được vinh danh bằng câu ca “Tam Sơn là đất ba gò/ Của trời vô tận một kho nhân tài”.