Văn hóa nghệ thuật

Lăng mộ cổ

Cập nhật lúc 11:49 12/08/2020
Lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898). Ảnh: Hùng Sơn
Lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898). Ảnh: Hùng Sơn
Lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) tự thiết kế mang nét kiến trúc độc đáo trong khuôn viên 2.000m2 ở góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Cổng chính vào khu lăng mộ nằm trên đường Trần Hưng Đạo theo kiến trúc kiểu tam quan của các ngôi chùa Phật giáo, gồm một cửa chính lớn và 2 cửa phụ nhỏ ở 2 bên, bên trên có 3 tầng mái, lợp ngói ống. Phía sau cổng là căn nhà rộng 50 m2, hình bát giác kiểu Pháp, trang trí các họa tiết Đông Tây kết hợp,. Trên cửa nhà mồ hướng ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Trên cửa nhà mồ hướng ra đường Trần Bình Trọng là dòng chữ “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó). Trong nhà mồ là 3 mộ phần được lát bằng phẳng trên nền nhà, với 3 tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài 2m. Mộ chính giữa là của cụ Trương Vĩnh Ký, còn 2 ngôi mộ nằm bên cạnh là của vợ con ông. Bia mộ của ông được trang trí khá giản dị với hình cành lá bao quanh, bên trên khắc tên J.B.Petrus Trương Vĩnh Ký cùng năm mất và vài dòng thân thế. Trong khuôn viên nhà mồ còn có một ngôi nhà cổ do ông Trương Vĩnh Ký xây dựng năm 1886.
Lăng mộ vua Khải Định (1885-1925) còn được gọi là Ứng Lăng do chính ông cho xây dựng, tại triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế. Ông chọn nơi này sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý, lấy quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; lấy khe Châu Ê có nước chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”. Tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật 117 m × 48,5 m, cao 127 bậc. Những trụ cổng hình tháp kiểu Ấn Độ; Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; Hàng rào như những cây Thánh giá; Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Công trình này gồm 5 phần liền nhau: Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua; Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới; Trong cùng là khám thờ bài vị của vua. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của vua. Thi hài vua ở dưới pho tượng bằng một toại đạo dài 30m. Toàn bộ nội thất là những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Phía sau ngôi mộ, có bức tranh vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua               
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Có năm bánh hai cá (11/08/2020)
Vịnh Hạ Long trên vùng Bảy Núi (04/08/2020)
Cảnh đẹp núi Bài Thơ và Non Nước (04/08/2020)
Kho báu hạt ngọc lưới (30/07/2020)
Đan viện Biển Dức Thiên Bình (28/07/2020)
Tượng Chúa cứu thế dưới biển sâu (28/07/2020)
Nét văn hóa mới trên khu phố đi bộ quanh bờ hồ (28/07/2020)
Cỏ lùng hạt cải men (27/07/2020)
"CỒN" Mỹ Phước gọi mời (24/07/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log