Văn hóa nghệ thuật

Làng nghệ sĩ kèn đồng

Cập nhật lúc 13:48 05/03/2010

 

Đến Báo Đáp vào buổi tối, bước qua cổng làng cổ kính rêu phong sẽ nghe văng vẳng tiếng kèn đồng hay tiếng đàn organ vọng ra từ những mái nhà lợp ngói cũ kỹ, hay trong những ngôi giáo đường bạc màu năm tháng. Tiếng kèn có thể làm những khách thập phương đi qua ngạc nhiên nhưng với người dân làng Báo Đáp thì đây là chuyện “thường ngày ở huyện”. Được một chú bé dẫn đi, chúng tôi vào nhà ông Điềm, một “nhạc sĩ” làng khi ông đang ngồi sửa lại cây kèn. Sửa xong, ông đưa lên miệng thổi thử rồi phân bua, tụi trẻ tập thổi nhiều nên hư, tôi phải sửa lại để chúng tiếp tục tập.
“Nhạc sĩ” làng
Ông Bùi Đắc Điềm cho biết cái máu nghệ sĩ đã ăn sâu vào cái làng này từ rất lâu rồi. Cách đây 40 năm, khi ấy ông còn là một cậu bé nhưng đã rất ham mê cây kèn đồng mà mỗi dịp lễ trong giáo xứ vẫn mang ra thổi. Rồi ông được cha xứ dạy thổi kèn tam–môn, một loại kèn đòi hỏi nhiều hơi và rất tốn sức nhưng ông vẫn kiên trì tập. Rồi ông rủ thêm mấy người bạn đi bộ lên Nam Định cách đấy hơn chục cây số để học nhạc. Võ vẽ được chút ít, ông bỏ lớp, mua sách về nhà tự mày mò học. Chẳng bao lâu, ông đã chinh phục được tất cả các loại kèn từ trumpet rồi cor… trong bộ sưu tập kèn đồng của làng. Những người cùng thời với ông giờ có người đã trở thành nhạc sĩ trong Sài Gòn. Còn ông tuy rất đam mê nhưng không theo đuổi sự nghiệp âm nhạc mà trở về ruộng đồng làm “nhạc sĩ” làng. Chính ông là người đã sáng tác và diễn tấu nhiều khúc nhạc cho riêng kèn tây để đội kèn của làng chơi. Và không chỉ thế, ông còn là người gây dựng phong trào âm nhạc khi đứng lớp dạy nhiều con em trong làng thổi kèn. Nghe ông nói về lớp học nhạc, bà vợ ông đang ngồi gắn những bông hoa giả cũng góp chuyện, hồi đó, nhà lúc nào cũng đông vui. Tôi không biết tí gì về âm nhạc nhưng nghe ông ấy dạy và nghe thổi nhiều thành quen đến nỗi tụi nhỏ thổi sai chỗ nào là biết liền.
Khi lứa học trò đầu của ông đã trở thành những nghệ sĩ thì ông để họ hướng dẫn các lớp sau còn ông lên đường đi xứ người dạy nhạc. Có rất nhiều vùng từ Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ninh Bình đến rước ông về xứ đạo của họ để dạy kèn cho đội nhạc của giáo xứ. Ông kể từ đầu năm đến giờ ông đi suốt, tận chiều 30 tết mới về để kịp đón giao thừa với gia đình. Ông tâm sự, đi cả năm như thế nhưng chẳng có tiền vì các xứ ông đến dạy đều nghèo, và có khi trả công bằng gạo, bắp khoai sắn nên ông chẳng nỡ. Vì thế, có giáo xứ chỉ nuôi cơm và cho ông chỗ ăn ở, ông cũng sẵn sàng khăn gói đến đó dạy đến khi đội kèn của họ có thể thổi được thì lại lên đường đến một địa phương khác. Các con ông tuy không ai theo nghiệp âm nhạc của bố nhưng ai cũng biết thổi kèn, con gái út biết chơi đàn mandolin rất giỏi. Trong nhà, trừ mẹ ra thì ai cũng biết chút ít về âm nhạc đủ để có thể chơi như một “ban nhạc” gia đình.
Cả làng say mê âm nhạc
Tới 70% đàn ông trong làng Báo Đáp biết sử dụng một loại kèn tây nào đó, những người chơi giỏi thì được đưa vào đội nhạc của giáo xứ. Có lẽ trong các xứ đạo ở Việt Nam, không xứ nào lại có một đội nhạc hoành tráng như của làng Báo Đáp. Ông Nguyễn Tri Phương, đội trưởng một đội nhạc của xóm 7 cho biết hiện nay đội có khoảng gần 60 thành viên, trong đó người nhỏ nhất mới 17 tuổi và người lớn nhất hơn 50 tuổi. Những người này bình thường chân lấm tay bùn ngoài ruộng hay gò lưng ngồi dán đèn ông sao, làm hoa giả nhưng khi giáo xứ có ngày lễ lớn hay trên huyện, trên tỉnh có hội nghị gì cần thì họ lại lột xác thành những nghệ sĩ với cây kèn của mình. Chỉ cho chúng tôi xem bộ sưu tầm kèn đồng của xóm 7, ông Phương giải thích đây là bộ kèn trong đó nhiều cây có tuổi thọ trên 70 năm. Đây là những cây kèn mà các cha xứ mang từ Pháp sang và trở thành tài sản chung của làng. Nó được ông cố của ông Phương lưu giữ rồi truyền lại cho thế hệ sau tiếp tục giữ gìn.
Ở làng Báo Đáp, trẻ con mười tuổi là bắt đầu đi học nhạc, thậm chí nhiều em mới 6 – 7 tuổi cũng bắt đầu tập tành “học lóm” thổi kèn từ các anh chị lớn. Mỗi năm làng mở một lớp và thu hút gần như toàn bộ trẻ em trong làng theo học. Và thầy giáo chỉ là những nông dân chân đất từ ruộng đồng lên lớp học. Ngoài được học thổi kèn thì các em còn được học nhiều loại nhạc cụ khác như đàn organ, tam thập lục, guitar, mandolin, violon…
Ở làng Báo Đáp, các bậc cha mẹ không bao giờ tiếc tiền mua đàn cho con học. Trong làng, rất nhiều gia đình bỏ ra vài triệu để mua một cây organ hay một cây kèn cho con. Máu ham mê âm nhạc đã ăn sâu vào tâm hồn của từng người dân xứ này nên họ không tiếc tiền đầu tư cho con cái dù nhiều khi chỉ để chơi. Nhưng cũng chính từ cái nôi âm nhạc làng ấy mà rất nhiều người đã trưởng thành. Có người hiện đang là giảng viên âm nhạc đang giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM, có người được mời vào đoàn nghệ thuật quân đội chơi đàn organ, có người trở thành thầy giáo dạy nhạc của trường cấp ba. Điều mà người dân làng Báo Đáp rất tự hào là không qua một trường lớp âm nhạc nào, rất nhiều con em đã thi đỗ vào nhạc viện chỉ từ cái vốn âm nhạc được học từ những “nghệ sĩ chân đất”.
bài và ảnh Hà Dịu
sgtt.com.vn
Thông tin khác:
Mẹ Tuyệt Vời (28/02/2010)
Nhà thờ... nhím (24/02/2010)
TÌNH YÊU SAN SẺ (09/12/2009)
GIÁO DỤC KITÔ GIÁO LỜI NÓI LUNG LAY,GƯƠNG BÀY LÔI KÉO (30/11/2009)
Hình ảnh những nhà thờ đẹp nhất (19/11/2009)
Hình ảnh về nhà thờ đá độc đáo (17/11/2009)
Giáo phận Bùi Chu (13/11/2009)
Ra mắt tuyển tập thơ Công giáo Việt Nam được sáng tác trong ba thế kỷ (23/10/2009)
Gothic ngoài đồng (19/10/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log