Ông Bảng nói các nhà nghiên cứu ngoài Công giáo sưu tầm và nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật Công giáo vốn là một phần trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, trong khi Giáo hội địa phương thường lơ là văn thơ Công giáo của chính mình.
Thi sĩ 67 tuổi nói qua sưu tập văn thơ ông hy vọng giữ gìn một phần văn hóa Công giáo cho các thế hệ trẻ, để họ có thể biết được cha ông họ đã sống đức tin và đưa các giá trị Tin Mừng vào các truyền thống dân tộc như thế nào.
Giáo viên dạy văn chương tại các học viện của Giáo hội nói trước đây người Công giáo Việt Nam đón nhận đức tin qua thơ ca tôn giáo do người Công giáo địa phương biên soạn. Các bài giáo lý, kinh nguyện và Kinh Thánh được viết dưới dạng thơ để dễ học thuộc lòng, vì người dân không có sách tôn giáo và bị bách hại vì tôn giáo, ông nói.
Bố của năm người con nói người dân đọc kinh lúc sáng sớm, ban trưa, ban tối và cả nửa đêm. Kinh nguyện là một phần trong đời sống hàng ngày của họ và được truyền miệng qua bao đời, ông lưu ý.
Vị cựu chủng sinh nói ông dành 5 năm để biên soạn bộ sách sau khi đi đến nhiều nơi tìm kiếm thơ ca Công giáo và truyện kể về cuộc đời của các nhà thơ tôn giáo.
Sau năm 1975, ông kiếm sống bằng nghề đạp xích lô. “Khi có thời gian rảnh, tôi viết lại các bài thơ trên bao thuốc lá theo trí nhớ hay sau khi nghe người ta đọc”, ông nói.
Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng của Hà Nội, qua đời hồi tháng 2, là một trong hơn 100 nhà thơ được nhắc tới trong tuyển tập thơ này. Ông Bảng nói Đức Hồng y, làm giám mục Bắc Ninh từ năm 1963-1994, dùng các thể thơ phổ biến như lục bát và song thất lục bát để làm thơ về giáo lý, kinh nguyện và cuộc đời của Chúa Giêsu. Người Công giáo địa phương vẫn còn đọc thuộc lòng thơ của ngài trong các giờ phụng vụ, ông nói thêm.
Ông Bảng nói 1.000 đầu sách của bộ sưu tập đã được hai nhà xuất bản Tôn giáo và Phương Đông phát hành.
Ông Bảng, thành viên Ủy ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói tập sách của ông còn để mừng Năm Thánh 2010 của Giáo hội địa phương. Năm đặc biệt kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên ở Việt Nam và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại tổng giáo phận Hà Nội ngày 24-11 năm nay, nhằm ngày lễ các Thánh tử đạo Việt Nam.