Lược sử Nhà thờ Chánh toà Bà Rịa
Dấu ấn thời gian
Với vị thế địa lý vừa là cửa ngõ hướng ra biển Đông, lại vừa nằm trên trục vương lộ giữa kinh đô và vùng đất mới phương Nam, Bà Rịa là nơi thuận lợi để các vị thừa sai lập cứ điểm truyền giáo, đồng thời cũng là nơi dừng chân của một số tín hữu miền Bắc miền Trung trên đường Nam tiến. Lịch sử truyền giáo Bồ Đào Nha cho biết năm 1550, cha Gaspar da Cruz dòng Đaminh đã đến tận vùng Bà Rịa. Vào năm 1747, giáo điểm Bà Rịa có 140 tín hữu, do các cha Dòng Tên phụ trách.
Năm 1837, triều đình lập phủ Phước Tuy, Bà Rịa trở thành trung tâm hành chính, từ đó, cộng đoàn tín hữu Bà Rịa đổi tên thành Họ Phước Dinh, hoặc gọi tắt là Họ Dinh, cùng tên với ngọn núi và dòng sông chảy ngang qua khu vực đặt dinh quan tri phủ. Lúc đó, họ Đất Đỏ có khoảng 1.100 giáo dân, trong khi Phước Dinh chỉ có hơn 400 tín hữu. Tuy nhiên, vào cuối thời bách hại dưới triều vua Minh Mạng, các tín hữu lại tập trung về Bà Rịa, một địa bàn dân cư đang trên đà phát triển, và năm 1862 có thể được xem là thời điểm phục hưng cộng đoàn Bà Rịa, như vừa hồi sinh với sức sống vươn mạnh từ chính cái chết hy tế toàn thiêu của 288 vị tử đạo trong vụ đốt ngục Phước Lễ đêm 07-01-1862.
Phước Dinh từ đây trở thành Họ Đạo chính trong địa hạt Phước Tuy, luôn có các linh mục thường xuyên coi sóc.
Ngôi nhà thờ đầu tiên của Họ Đạo được dựng lên bên cạnh bờ sông Dinh, gần chợ cũ, trong khu vực các công sở hành chánh quận lỵ Phước Tuy. Vào năm 1865, Cha Errard đến nhậm sở Bà Rịa. Cha xây huyệt mộ chôn cất các vị tử đạo ngay trên chính nền ngục thất trước đây và dựng một ngôi nhà nguyện cho đến nay vẫn được gọi là “Nhà Thờ Mồ”. Cha cũng dời nhà cha sở về địa điểm hiện nay và dựng một nhà nguyện nhỏ dâng kính Đức Mẹ. Ngày thường, các giáo hữu đọc kinh dâng lễ tại đây, còn Chúa nhật thì cộng đoàn lại qui tụ về nhà thờ cũ.
Năm 1874, khi trở lại Bà Rịa lần thứ hai sau sáu năm làm cha sở Biên Hoà, cha Errard cùng với cha phụ tá Boutier tiến hành việc xây nhà thờ mới. Sau một thời gian chuẩn bị, lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức vào ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh 21-11-1877. Giáo dân rất nhiệt thành dâng công góp của, hằng ngày mỗi gia đình đều có người luân phiên đến góp sức vào việc chung. Đến tháng 10 năm 1878, cộng đoàn đã có thể dâng lễ tạm trong nhà thờ mới.
Ngày 14-05-1879, Đức Cha Colombert cùng với Đức Cha Pontvianne cử hành lễ làm phép trọng thể thánh đường Bà Rịa dâng kính hai thánh Tông đồ Giacôbê và Philipphê, lưu giữ kỷ niệm địa danh truyền giáo “Cap Saint-Jacques” trực thuộc địa hạt Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhà thờ Bà Rịa được xây dựng theo kiểu dáng roman, với vật liệu đơn sơ, trang trí tao nhã nhưng được thiết kế vững chắc và tiện lợi, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng ven biển. Ba quả chuông được đưa về Nhà thờ trong thời gian cha Cagnon làm chánh sở (1887-1890).
Ngôi thánh đường suốt hơn thế kỷ đã nên như mái gia đình ấm cúng thân thương đón nhận bao thế hệ tín hữu Bà Rịa, được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và của cả cộng đoàn. Ngôi thánh đường đã nhiều lần được tu sửa, nới rộng, nhưng vào thời điểm năm 2005, khi Giáo phận mới Bà Rịa được thiết lập, ngôi nhà thờ hơn trăm năm tuổi thực sự đã trở thành quá nhỏ bé trước vóc dáng cứ ngày thêm tăng trưởng của Họ đạo, nay đã thành Giáo xứ Chánh toà trong trang sử mới vừa được mở ra.
Trên trang sử mới
Từng bước phát triển hướng về tương lai, nhưng giáo phận trẻ Bà Rịa vẫn ý thức mình đang kế thừa cả một gia sản quí giá của tiền nhân. Ngày 15-08-2007, Đức Giám mục tiên khởi Tôma Nguyễn Văn Trâm đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Chánh toà mới.
Kiến trúc thánh đường hiện đại hơn nhưng vẫn muốn giữ lại nét dáng thân thương của ngôi nhà thờ cũ đầy ắp kỷ niệm. Núi đá Đức Mẹ Lộ Đức xây từ năm 1952 cũng được giữ lại nguyên vẹn như dấu tích của một thời đã qua.
Trong tầm nhìn toàn cảnh Thị xã Bà Rịa, Nhà thờ Chánh toà giáo phận nổi bật hẳn với hai ngọn tháp cao 45 mét trong màu đá hoa cương trang trọng, mang hình ảnh không thể nhầm lẫn của ngôi thánh đường công giáo giữa bối cảnh kiến trúc đa dạng của một vùng dân cư đông đúc. Toạ lạc trên địa bàn trung tâm của địa hạt Bà Rịa-Vũng Tàu, ngôi đền thờ vươn cao vừa để chứng tỏ tấm lòng của các tín hữu muốn dành cho Thiên Chúa những gì tốt đẹp nhất, vừa nên như dấu chỉ hiệp nhất của cả cộng đoàn giáo phận. Từ trên ngọn tháp, sáu quả chuông với đường kính từ 60 cm đến 114 cm từ nay sẽ ngân vang tiếng gọi qui tụ đoàn dân Chúa.
Vừa khi bước qua cổng sân tiền đình, đến trước tượng đài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận và là Tước hiệu của Nhà Thờ Chánh Tòa, người tín hữu như đã cảm nhận được ngay lời mời gọi nâng tâm hồn lên cao hướng về Thiên Chúa tình yêu, qua Mẹ để đến với Chúa và nhờ Mẹ để đón nhận tràn đầy ân phúc.
Toàn bộ sân nền và tường nhà thờ đều được ốp đá hoa cương, tạo nên ấn tượng vững bền của Giáo Hội, dấu chỉ hữu hình cho công trình ngàn đời mà Chúa Kitô muốn xây dựng trên nền đá Phêrô. Ấn tượng đó như thêm rõ nét hơn với hình ảnh hai Thánh Tông Đồ trụ cột của Giáo Hội đặt ngay trước cửa chính diện thánh đường, nhắc nhở mỗi người vào ra luôn ý thức mình phải nhiệt thành xây dựng và làm tăng trưởng Giáo Hội Chúa Kitô.
Bên trong ngôi nhà cầu nguyện, khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp, tạo nên ý nghĩa của tình hiệp thông trọn vẹn giữa đoàn Dân Thiên Chúa được qui tụ để làm nên ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và cùng nhau cử hành hy tế Con Chiên Thiên Chúa. Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng với kích thước 4 mét dài và 1 mét 20 rộng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh bữa tiệc thiết lập Bí tích tình yêu, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước: miền Nam với thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11-05-1847 tại Chợ Đũi, giáo phận Sài Gòn; miền Trung với thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh, giáo phận Vinh; miền Bắc với thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12-07-1841 tại Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Di cốt của ba vị thánh tử đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 hiển thánh tử đạo, kết thành hy lễ tình yêu của toàn thể Giáo Hội Việt Nam tiến dâng lên Thiên Chúa.
Bệ đài Thánh Kinh và Nhà Tạm Thánh Thể được đặt hai bên tượng Chúa chịu nạn, trở thành biểu tượng của hai nguồn mạch Sự Thật và Sự Sống trên con Đường cứu rỗi là chính Chúa Giêsu Kitô.
Đặc biệt, trong Nhà thờ Chánh toà, nhà thờ Mẹ của các thánh đường trong giáo phận, nơi đặt ngai toà của Đức Giám mục, ý nghĩa sâu xa của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được làm nổi bật qua hình ảnh mười hai Thánh Tông Đồ rực sáng trong các khung kính màu bao quanh Cung thánh như đang ân cần đón nhận ngai toà và huy hiệu của người kế vị các Ngài được đặt sau bàn thờ, ngay dưới chân Thánh Giá của Chúa Kitô, là Thủ lãnh tối cao của toàn thể Giáo Hội và là Mục Tử nhân lành luôn yêu thương hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.
Riêng những giáo dân Bà Rịa chắc chắn sẽ gặp lại bao kỷ niệm mỗi khi nhìn thấy tượng hai thánh bổn mạng Giacôbê và Philipphê vẫn đứng tại vị trí quen thuộc hai bên cửa chính nhà thờ, và đặc biệt hơn nữa là hai toà giải tội đã có từ rất lâu, nay được phục chế theo đúng hình dáng cũ.
Từ các khung cửa sổ kính màu đặt dọc suốt hai bên tường nhà thờ, ánh sáng mặt trời soi rõ hai mươi mầu nhiệm Mân côi, hoà với những đường nét nghệ thuật của mười bốn chặng đàng Thánh Giá, vừa nâng cao tâm hồn các tín hữu trong giờ cầu nguyện, vừa tô đậm nét thẩm mỹ cho khung cảnh thánh thiêng đang bao trùm toàn thể cộng đoàn phụng vụ.
Dù là một ngôi nhà đơn sơ bé nhỏ hay là một công trình đồ sộ nguy nga, dù là nơi tập họp một cộng đoàn địa phương hay là nơi Chánh toà của giáo phận, dù trong âm thầm thường nhật hay khi toả sáng trong lễ khánh thành như hôm nay, ý nghĩa ngàn đời của từng ngôi thánh đường vẫn mãi là dấu chỉ của Mầu Nhiệm, tụ điểm của Hiệp Thông và khởi điểm của Sứ Vụ Giáo Hội. Riêng Nhà Thờ Chánh Toà sẽ mãi mãi là biểu tượng của tình hiệp nhất nơi mọi thành phần Dân Chúa. Quả thật, đây là công trình chung của toàn Giáo phận, là thành quả chung từ bao công sức, và đây cũng sẽ là lời gọi trường kỳ về trách nhiệm chung để xây dựng Giáo phận trên cả hai bình diện đạo đức tâm linh và cơ sở vật chất.
Ngôi nhà thờ hữu hình chỉ thật sự có ý nghĩa khi cùng lúc Giáo phận xây dựng được những đền thờ thiêng liêng trong từng tâm hồn tín hữu. Chiếc bàn thờ cố định chỉ trọn vẹn có giá trị khi mỗi người trở thành chi thể sống động của Đức Kitô. Mỗi chiếc ghế sẽ thật sự hữu dụng khi cộng đoàn phụng vụ biết cầu nguyện và cử hành bí tích trong sâu lắng nội tâm. Tiếng chuông ngân sẽ thêm tác dụng khi mỗi giáo dân có thể nói với Chúa và nói về Chúa cho mọi người. Các khung kính màu sẽ thêm rực rỡ khi ánh sáng Tin Mừng chiếu xuyên qua từng chi tiết của đời sống nơi mỗi gia đình công giáo. Ngọn tháp nhà thờ sẽ vút cao hơn khi mỗi người con của Giáo phận trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa trước mặt muôn người.
Giữa lòng Giáo Hội tại Việt Nam, Giáo phận Bà Rịa đã được khai sinh và tăng trưởng để Nước Trời ngày thêm toả sáng. Giữa lòng Giáo phận, Nhà thờ Chánh toà đã được dựng xây để nên tâm điểm yêu thương cho Dân Chúa ngày thêm hợp nhất, làm cứ điểm mục vụ để đoàn chiên luôn mãi được sống và sống dồi dào, thành cao điểm tâm linh để đoàn con Chúa ngày thêm thánh đức giữa cung lòng Giáo Hội và Giáo phận thân yêu.