Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã đến mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.” (Ga 20, 1-10)
“Vào rạng sáng Ngày của Chúa, khi lính tráng còn chia phiên canh gác cứ hai người một canh giờ, bỗng có chuyển động rất lớn trên trời, rồi họ thấy tầng trời mở ra và có hai người từ trời đi xuống, rực rỡ ánh sáng, và tiến đến gần ngôi mộ. Rồi tảng đá chắn ngoài cửa mồ tự nó lăn sang một bên. Ngôi mộ mở ra và hai người bước vào bên trong. Khi những tên lính canh thấy vậy, chúng liền đánh thức viên bách quản và các trưởng lão dậy (vì họ cũng ở đó canh gác). Trong khi bọn lính còn đang kể cho viên bách quản và các trưởng lão nghe những gì vừa xem thấy thì chúng lại thấy ba người từ trong mộ đi ra, hai người nâng người thứ ba, và có cây thập giá đi theo sau. Đầu của hai người (từ trời xuống) chạm đến trời, nhưng đầu của người thứ ba còn vượt quá cả bầu trời. Rồi họ nghe tiếng từ trời cao phán: Con đã rao giảng cho những kẻ còn đang ngủ chưa? Và có tiếng trả lời từ thập giá: Vâng, con đã làm xong.”
Giả như câu chuyện này được chọn làm bài Tin Mừng Lễ Phục Sinh thì hay biết mấy! Một câu truyện đầy tình tiết ly kỳ hấp dẫn! Rất tiếc là câu chuyện này – được rút ra từ Tin Mừng theo thánh Phêrô, soạn thảo vào thế kỷ II – lại không được Hội Thánh xếp vào quy điển Thánh Kinh, mà chỉ được coi là mạo thư. Còn bài Tin Mừng được long trọng công bố vào Chúa Nhật Phục Sinh lại rất đơn sơ: cả Maria Mácđala lẫn Phêrô và Gioan đều chỉ thấy một điều là ngôi mộ trống. Có vào bên trong thì cũng chỉ thấy những băng vải còn lại, còn khăn che đầu Chúa Giêsu thì được cuốn lại và xếp riêng ra một nơi. Mà ngôi mộ trống, ở tự nó, không thể là bằng chứng của Phục Sinh. Những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó đâu phải không biết đến sự kiện ngôi mộ trống nhưng kết luận của họ là gì? Thưa là các môn đệ của Giêsu đã đến lấy trộm xác thầy của họ rồi phao tin là thầy họ đã sống lại (x. Mt 28, 13). Người Kitô hữu hôm nay có thể nói đó là lập luận của bọn xấu. Thế nhưng ngay cả Maria Mađalêna, khi thấy ngôi mộ trống, cũng chỉ có thể nghĩ rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ.” Thế nên, ở tự nó, sự kiện ngôi mộ trống không phải là bằng chứng khoa học về sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Có chăng đó là một dấu chỉ.
Chắc chắn Phục Sinh không chỉ là kinh nghiệm nội tâm và chủ quan của các môn đệ mà thôi. Phục Sinh là một sự kiện. Tuy nhiên, sự kiện này không giống như biến cố thập giá. Mọi người có mặt trên đồi Canvê đều nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh và tắt thở trên thập giá. Còn ở đây, không ai trực tiếp chứng kiến Chúa Kitô bước ra khỏi mồ. Phục Sinh là một sự kiện theo nghĩa thực sự đã có điều gì đó xẩy ra với Chúa Giêsu, và điều gì đó đã chỉ được nhìn nhận, khám phá, và đào sâu nhờ đức tin.
Thánh Gioan ghi nhận về người môn đệ cùng với Phêrô chạy ra mộ: “Ông đã thấy và đã tin.” Ông đã thấy gì? Thấy ngôi mộ trống, thấy những băng vải, thấy khen che đầu được để riêng một nơi. Cũng chẳng thấy gì nhiều hơn Phêrô và Mađalêna. Nhưng thay vì nghĩ như Maria: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,” người môn đệ này lại TIN, tin rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết! Như thế, giữa THẤY và TIN, có một bước nhảy chứ không chỉ là kết quả của lý luận lôgích. Cái gì đã làm nên bước nhảy đó?
Có một ghi nhận rất nhỏ nhưng thật quan trọng trong trình thuật Tin Mừng: khi phát hiện ngôi mộ trống, bà Maria Mađalêna vội vã chạy về gặp Simon Phêrô và “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến.” Trong suốt Tin Mừng thứ tư, có một người môn đệ được gọi là “người môn đệ Chúa yêu.” Người môn đệ đó yêu Chúa và được Chúa yêu. Tình yêu đó khiến ông ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Tình yêu đó giữ ông lại dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria trong khi các môn đệ bỏ chạy hết. Cũng với tình yêu đó, ông THẤY và ông TIN. Chính tình yêu đã làm cho người môn đệ này thấy được điều mà những môn đệ khác không thấy. Nếu các môn đệ khác cần phải gặp Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra – có khi nhiều lần – mới thực sự tin rằng Chúa đã sống lại, thì người môn đệ này chỉ cần thấy ngôi mộ trống là đã tin rồi. Niềm tin của ông được xây dựng trên tình yêu chứ không dựa vào những lần Chúa hiện ra.
Quả thật, tình yêu ban tặng cho con người cái mà William Johnson gọi là cặp mắt nội tâm, con mắt thứ ba, con mắt tâm hồn. Với cặp mắt đó, người đang yêu nhìn và nghe thấy điều mà người ngoài cuộc không nghe cũng chẳng thấy được. Kinh nghiệm đời thường dường như cũng mách bảo ta như thế. Một người mẹ đang say ngủ sau một ngày vất vả vẫn nghe thấy tiếng ho khẽ khàng của đứa con thơ. Một người vợ chỉ nhìn thấy nét mặt và cách ứng xử của chồng đã đọc được điều gì bất ổn sắp diễn ra. Sách Tin Mừng cũng tràn ngập hình ảnh một Chúa Giêsu nhìn mọi người và biến cố bằng cặp mắt của trái tim. Ngài đã không chỉ nhìn thấy tội lỗi của người nữ ngoại tình như mọi người thấy nhưng còn nhìn thấy khát vọng hoàn lương của chị. Ngài cũng không chỉ nhìn thấy người nữ Samari đang kín nước vì khát, mà còn nhìn thấy nỗi khát khao cháy bỏng trong lòng chị.
Khi đó, sẽ thấm thía hơn tâm tình của thánh Phaolô: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Cứ tưởng phải tin rồi mới yêu và hi vọng chứ! Hoá ra chính tình yêu làm nên niềm tin và hi vọng. Hay đúng hơn, tình yêu làm kiên vững niềm tin, để dám tin vào những gì không thể chấp nhận nổi trên bình diện tự nhiên, kể cả vượt qua biên cương sự chết. Hiểu như thế, có thể cùng với Gabriel Marcel để nói rằng: “Tuyên xưng mình yêu ai là nói với người ấy rằng: Tôi muốn bạn sống mãi, không bao giờ chết.” Đúng thế, có ai có thể nói với người bạn đời mình rằng: “Anh yêu em vô cùng và anh chỉ mong em chết sớm chừng nào tốt chừng đó để anh được tự do!” Thế mà là tình yêu sao? Tình yêu đích thực hàm chứa ước vọng người mình yêu sẽ sống mãi với mình. Chính vì thế, khi những người thân yêu đã qua đời, ta vẫn cảm thấy như họ đang sống.
Như thế, Phục Sinh không chỉ là lời tuyên xưng của đức tin, nhưng trong kinh nghiệm của thánh sử Gioan, Phục Sinh trước hết là lời tuyên xưng của tình yêu. Hãy mang lấy cặp mắt của tình yêu để dù sống trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, một thế giới giống như ngôi mộ trống, vẫn có thể nhìn thấy sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Hãy mang lấy cặp mắt của tình yêu để có thể nhìn thấy những giá trị tích cực ẩn giấu trong những thử thách của cuộc đời. Hãy mang lấy cặp mắt của tình yêu để nhìn thấy Đấng Phục Sinh vẫn đang sánh bước với mình trên mọi nẻo đường. Lại chẳng phải là sứ điệp tuyệt vời mà Tin Mừng Phục Sinh gieo vào lòng người môn đệ Chúa Kitô sao?