Chúng ta đã bắt đầu bước vào mùa Chay, mùa ăn năn thống hối tội lỗi, cải thiện đời sống, cùng chết với Chúa Kitô để được sống lại vinh hiển với Ngài. Khởi đầu với nghi thức xức Tro trong ngày thứ Tư Lễ Tro, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội Công giáo đã bước vào mùa Chay Thánh – một trong năm Mùa của chu kỳ năm Phụng Vụ.Việc lãnh nhận một chút tro trên đầu nhắc lại một thực hành thời xa xưa khi những tội nhân tỏ lòng ăn năn thống hối bằng cách mặc áo nhặm và bỏ tro trên đầu.
Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh hai đặc tính quan trọng của mùa Chay là Hồi tưởng lại bí tích rửa tội hoặc là chuẩn bị cho bí tích này và Nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Do đó, mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẳn sàng cử hành mầu nhiệm vượt qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 540, viết: “…Hằng năm qua bốn mươi ngày của Mùa Chay, Giáo Hội hiệp thông với mầu nhiệm của Chúa Giêsu trên hoang địa”. Trong suốt mùa Chay thánh, Giáo Hội Công Giáo không ngừng kêu gọi các tín hữu hảy hăng hái hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái, cầu nguyện và làm việc Tông đồ.
Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng trong đời sống của người tín hữu. Từ thế kỷ thứ 10, việc xức tro trên đầu đã được phổ biến trong Giáo Hội. Đây là một nghi thức nói lên thân phận mỏng dòn của con người là tro bụi và sẽ trở về bụi tro, đồng thời, nêu bật sự khiêm nhường và quyết tâm trở về đường ngay nẻo chính.
Trong nghi thức xức tro, vị chủ sự đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”. Như vậy, mùa Chay là mùa phục hồi và bồi dưỡng tâm linh, là sự chuẩn bị tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giúp cho tín hữu thực hiện sự phục sinh tâm linh của chính mình.
Trong việc sửa đổi đời sống cho tốt, Giáo Hội mời gọi chúng ta thực hành ba việc lành, đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Nhưng khi làm các việc đạo đức đó chúng ta phải làm đúng theo cách thức Chúa dạy, nghĩa là làm vì lòng ăn năn sám hối, vì lòng mến Chúa yêu người, chứ không làm vì thói khoe khoang, giả hình.
Đức Thánh Cha Biển Đức đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc cử hành mùa Phụng vụ này: “Một lần nữa Mùa Chay cho chúng ta cơ hội suy tư về điều cốt yếu của đời sống Kitô hữu là đức bác ái. Đây là thời gian thuận tiện để, nhờ Lời Chúa và các bí tích trợ giúp, chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Hành trình này được ghi dấu bằng kinh nguyện và chia sẻ, bằng thinh lặng và chay tịnh, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh”.
Đức Thánh Cha cũng tha thiết kêu mời cộng đồng dân Chúa khắp nơi, từ giáo dân đến nam nữ tu sỹ, chủng sinh cũng như hàng giáo sĩ, hãy biết cởi bỏ con người cũ với những ích kỷ, nhỏ nhen của mình để dấn thân cộng tác với nhau trong việc thực thi tinh thần bác ái. Mỗi người cần tích cực “xây dựng những tương quan ân cần đối với nhau, quan tâm đến hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn của tha nhân”.
Vì lẽ đó, Giáo Hội, nhất là trong Mùa Chay, kêu gọi các tín hữu làm việc bác ái, nghĩa là biết chia sẻ. Mùa Chay phải là lúc xét mình và từ bỏ mọi dấu vết của lòng ích kỷ, vị lợi, chia rẽ, hận thù là gốc rễ của bạo lực để xây dựng một trật tự thế giới chan hòa yêu thương, sự quảng đại và tình liên đới. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong một thế giới đòi hỏi các Kitô hữu đổi mới chứng tá về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, mong sao mọi người chúng ta cảm thấy nhu cầu cấp bách phải cùng nhau thi đua thực hành bác ái, phục vụ và các việc lành (x. Dt 6,10)”.
Trọng tâm của cử hành mùa Chay đối với toàn thể dân Chúa chính là: ăn chay, bố thí và cầu nguyện. Qua những việc làm rất ý nghĩa và đáng cổ võ này, mùa Chay đem đến cho chúng ta kinh nghiệm về cách sống tình yêu Chúa Kitô một cách ngày càng tích cực hơn, nhờ việc hãm dẹp ý riêng, từ bỏ con người ích kỷ của mình, đến với tha nhân và gặp gỡ chính Thiên Chúa. Thật vậy, qua việc ăn chay sẽ giúp con người vượt thắng sự vị kỷ và chỉ biết đến riêng mình; sự bố thí với trọn tấm lòng quảng đại và chân thành chia sẻ sẽ là cơ hội rất tốt để nhắc nhớ con người về sự chia sẻ cần đánh dấu cho mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu; và khoảnh khắc dành cho việc cầu nguyện nhắc nhớ rằng thời gian thuộc về Thiên Chúa, qua đó từng giây từng phút, từng công việc phải dành quy hướng về sự thiện, về xây dựng tình liên đới với tha nhân, và kết hiệp với Thiên Chúa trong tương quan thân mật, gần gũi và tín thác.
Cầu nguyện thường đi đôi với hy sinh. Những hy sinh nho nhỏ hằng ngày giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng hơn. Những hy sinh ấy là của lễ thiêng liêng đầy cao quý để mỗi người thông phần vào Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô dâng lên cho Thiên Chúa Cha làm thành của lễ đẹp lòng Chúa Cha. Ðỉnh cao của cầu nguyện là hy tế thánh lễ phải được đưa vào đời sống, thì bấy giờ chúng ta mới được Thiên Chúa nâng lên, cho thông phần Sự Sống và Hạnh Phúc của Người.
Ba việc làm: ăn chay, bố thí và cầu nguyện trở nên như trụ cột căn bản của mùa Chay, giúp chúng ta trở về với Chúa và anh chị em mình, đó là hòa giải với Chúa và anh chị em mình và cũng là trở về với chính giá trị đích thực của mình, giá trị của những người con cái Chúa, đã được cứu chuộc bằng chính máu châu báu của Người.
Người ta có một cách so sánh thật diễn tả như sau: Nếu mùa xuân là mùa đổi mới của thời gian làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng có những cây cần phải cắt tỉa, để trổ nụ đơm bông khoe sắc cho đời, thì mùa Chay cũng là mùa đổi mới tâm hồn, cũng cần cắt tỉa những đam mê… thói quen không tốt, những tham sân si để đời sống thiêng liêng được trổ bông nhân đức. Mùa Chay thánh, là cơ hội tốt cho mỗi người chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại những công việc chúng ta làm từ trước tới nay. Chúng ta đã làm những công việc đó với thái độ nào? Chúng ta hãy xét xem những công việc chúng ta làm đáng mang đi hay đáng để lại? đây là câu hỏi dễ trả lời, vì nó nằm trong tầm tay mỗi người chúng ta. Mỗi ngày trôi đi, người tín hữu càng phải theo Chúa sâu sát hơn trên con đường Người đã đi, đó là con đường thập giá, từ bỏ, hy sinh, quên mình, để tiến đến sự phục sinh. Phải dám khước từ những con đường dễ dãi, hưởng thụ, lạc thú, phú quí, danh lợi… là những con đường đưa ta vào ảo mộng, nửa tỉnh nửa mê, dở sống dở chết. Bởi thế, thánh Phaolô đã phải đánh thức các tín hữu của ngài: “Hãy chỗi dậy những ai ngủ mê, hãy chỗi dậy từ cõi chết. Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.
Trong mùa Chay, chính sự ăn chay hãm mình và cầu nguyện giúp tâm hồn an bình thư thái, loại bỏ được cái tôi ích kỷ của mình và tiến tới cái tôi rộng mở, bằng việc làm bác ái qua đôi tay chia sẻ cùng với trái tim ban phát yêu thương để xoa dịu nỗi cô đơn, bất hạnh của đồng loại. Ăn chay bên ngoài nhắc nhở việc ăn chay trong lòng. Ăn chay trong lòng giúp ta tập làm chủ đời sống mình để luôn biết qui hướng về Chúa và mở lòng ra với tha nhân. Điều quan trọng hơn nữa là sống ý nghĩa mùa Chay như Giáo Hội mong muốn, đó là sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong cuộc đời mình.
Mỗi người chúng ta hãy phác họa cho mình một chương trình và cách thức cụ thể để sống mùa Chay: sống yếu tố Mầu Nhiệm của đời mình trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, để Chúa là tất cả trong tất cả cuộc đời chúng ta. Hoàn cảnh và biến chuyển thật phức tạp của xã hội hôm nay, càng mời gọi người Kitô hữu sống tâm tình mùa Chay thiết thực hơn, để có thể biến đổi nội tâm cá nhân và mang lại chứng tá cho cộng đồng và xã hội. Bởi vì, khi sống trọn vẹn tâm tình mùa Chay, mỗi người sẽ được biến đổi và trở nên tác nhân cho lời loan báo Tin mừng. Cuộc sống mới, thái độ mới và với những tương quan mới được thể hiện trong mùa Chay, sẽ trở nên dấu chỉ rằng Tin mừng vẫn đang hoạt động trong cuộc sống nhân loại.
Lạy Chúa, xin cho thời gian 40 ngày của mùa Chay Thánh đem lại cho chúng con lợi ích thiêng liêng và giúp chúng con mở lòng ra chia sẻ với mọi người anh em xung quanh, sống kết hợp với Chúa và ngày một gần Chúa hơn.
Thiên Ân