Mới đây, thật đau lòng, nghe tin thời sự Đài Tuyền hình VN đưa tin lúc 19 giờ, một bênh viện xét nghiệm máu tất cả chỉ là một loại máu. Xin hãy thương dân, giúp dân cứu mạng sống mình và người khác. Hãy sống với lương tâm ngay chính; hãy hoán cải, sám hối, để người dân được sống yên lành.
Bất kỳ tiến bộ nào đều bắt nguồn từ “hoán cải”. Con bướm xinh đẹp, duyên dáng bay lượn trên những nụ hoa, đã phải trải qua quá trình biến hóa từ trong ổ kén chật hẹp mới chui ra. Mọi nền văn minh nhân loại, hay mọi tiến hóa của vũ trụ cũng bắt đầu từ thô sơ tiến tới hoàn thiện. Tuy rằng, loại nào tiến hóa theo loại đó, con người nguyên thủy có thể xấu xí, thô kệch giống loài khỉ, loài vượn, linh trường nào đó, nhưng không thể con người từ loài khỉ tiến hóa !
Tuy nhiên, mọi vật đều có thể thay đổi rất nhanh, nhưng sao tự thân con người lại rất khó thay đổi và thay đổi rất chậm ! Đang khi việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước; muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước.
Câu chuyện sau đây, minh họa chân lý trên:
“Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rởi bỏ khu rừng thanh vắng để đi đến thành Roma.Roma là kinh đô của nền văn minh nhân loại, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã giết hại biết bao mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ: “khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi, Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đẩy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Roma bãi bỏ tục giác đấu.
Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Roma hoán cải. Telemachus cảm nhận chân lý đó, đã tự mình hoán cải trước bằng liều mất mạng sống mình vì Chúa, vì con người, quyết tâm đánh đổi một cuộc hoán cải lớn để cứu nhiều người và làm thay đổi xã hội.
Dù vậy, nhiều người rất tích cực hô hào, hiệu triệu toàn dân phải hoán cải, đổi mới, nhanh, mạnh, vững chắc; như câu ta thường nghe “đổi mới tư duy”, nhưng cũng có câu nhái lại: “đổi mới TiVi”. Chuyện kể rằng: có ông nọ khi còn nhỏ, ông cầu nguyện xin Chúa cho ông nghị lực để biến đổi thế giới. Đến khi đã năm mươi tuổi, nhìn lại thấy chẳng thay đổi được ai.Ông phải thay đổi lời cầu nguyện: xin Chúa cho ông biến đổi những người gần gũi chung quanh ông. Tới gần mãn đời quá tám mươi tuổi,nhìn gần lại cũng chẳng thấy ai thay đổi. Ông thất vọng và hối hận, nhưng khiêm tốn, xin Chúa cho ông đổi hẳn lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin biến đổi con”. Ông tự trách mình, phải chi mình chỉ cần cầu nguyện, xin Chúa biến đổi con trước thì đâu đến nỗi lãng phí cả một đời không không như vậy!”.
Ngày nay,nhiều người cảm thấy ngại ngùng khi nói về hoán cải, hoặc khi nghe kêu mời hoán cải. Ngại đôi khi cho mình không có lỗi, nên không thấy cần hoán cải. Ngại là vì những đòi hỏi của nó dường như bắt người ta phải cố gắng nhiều, từ bỏ nhiều, làm cho cuộc sống không còn thoải mái như người ta nghĩ.
Thế nhưng, hoán cải vẫn là một trong những điểm trọng tâm của đời sống Kitô giáo. Nó liên kết trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông đồ: “Hãy sám hối”, “Hãy hoán cải”. Đó là những lời đầu tiên Đức Giêsu nói với người Do Thái; trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi coi là Hiến chương của Nước Trời. Và không chỉ nói một lần mà lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Chúa, cho tới Thập Giá; thậm chí cho đến lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là “phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”(Lc. 24,47).
Do sự hoán cải được nhấn mạnh như thế, do nó có tầm quan trọng lớn trong đời sống của ta, ta không thể không dừng lại để suy nghĩ đôi điều.
Hoán cải được sử dụng theo nhiều nghĩa rất khác nhau. Nói chung, nó nói lên một sự thay đổi đời sống. Bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn.Bỏ việc phục vụ mình một cách ích kỷ để phục vụ cộng đồng hay phục vụ Chúa. Cuối cùng là bất cứ quyết định hay đổi mới nào, dù làm theo cách nào, đưa ta tới gần Chúa hoặc kết hợp hơn với sự sống của Thiên Chúa. Ý nghĩa cuối cùng hoàn toàn thuộc phạm vi tôn giáo.
Điểm đáng sợ nhất trong thế giới ngày nay, với chiều hướng chung của nhân loại là ngày càng mất cảm thức về tội; chẳng lẽ tôi cũng có ít nhiều ảo tưởng về đời sống đạo của chính mình?
Khi đọc được kinh nghiệm của cô nha sĩ Gloria dưới đây làm tôi chựng lại:
Cô Gloria Polo, một nha sĩ người Colombia, chết vì ngưng tim do bị sét đánh và được sống lại cách lạ lùng. Gloria kể rằng, sau khi bị sét đánh, cô phải ra trước tòa Chúa, để rồi kinh hãi khi Chúa vén mở cho cô thấy tất cả các điều răn cô đã vi phạm trong khi luôn tuyên bố mình “một người Công giáo ngoan đạo”.
Thêm vào chứng từ của người “chết đi sống lại” của cô Gloria, chính tôi cũng đã trải qua con đường hầm “trở về từ cõi chết” khi đó tôi bị bệnh thương hàn, năm 1970. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ rằng như một giấc chiêm bao. Nhưng sau tôi đọc được nhiều chứng từ, gọi là “cận tử” hay “con đường hầm” và tình cờ đọc chứng từ của cô Gloria, tôi nhận thấy một điểm lớn nhất trong tôi, khi thì quá sợ hãi nằm bên bờ hỏa ngục, khi thì quá sung sướng đứng trước cửa Thiên Đàng. Và một tội nhỏ cho là nhẹ thì Chúa chứng minh cho mình từng chi tiết bằng minh họa rất cụ thể, cả về những điều mình nghi ngờ trong đức tin cũng được biện giải thật rõ.Không hiểu thế nào, sau khi “sống lại”, tôi thấy các Sơ Chúa Quan Phòng Sa Đéc có - cộng đoàn trong bệnh viện- đã thay đồ mới(chắc sau khi đã tắm xác), đã bắt chéo hai tay tôi trên ngực và được quấn Xâu Chuỗi lần hạt, trên đầu nằm, tượng ảnh Chuộc Tội và hai cây đèn cầy leo lét, và rất đông các Bác sĩ và các Sơ đứng bên giường. Và sau đó tôi đã quyết định con đường theo Chúa làm Linh mục.
Thú thật, sau ba năm , tôi vừa học ba năm Triết tại Đại học Văn khoa Sàigòn, vừa học ba năm khoa Triết Đại Chủng viên Xuân Bích Vĩnh Long, có một số vấn đề nhân sinh tôi chưa thỏa mãn, kể cả quyết định ơn gọi của mình. Không hiểu sao trong lúc “thập tử nhất sinh” như vậy, ai là thầy đã giải đáp cho tôi giống thầy đang dạy trên bảng và như có cả thí nghiệm nữa ! Về tội, gần giống cô Gloria trên, không có điều gì nhẹ trước mặt Chúa như mình nghĩ !
Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng nếu không có lòng thương xót Chúa, không ai có thể được cứu rỗi !
Và cũng đúng như người ta nói, ai đã có chết thử rồi thì không sợ chết nữa mà chỉ lo chết thế nào trong thánh thiện khôn ngoan hay khờ dại?
Trở lại một số chi tiết để hiểu biết về chuyện cô Gloria trên:
-Trong khi cô cho rằng cô không bao giờ giết ai, cô nhớ ra mình đã tài trợ cho việc phá thai và biết rằng cô ấy đã vi phạm gới răn của Thiên Chúa. Cô cũng nhìn thấy những hậu quả phá thai của việc đặt vòng ngừa thai trong cơ thể mình.Thực tế, cô nhìn thấy vài đứa con của cô bị phá bỏ vì vòng tránh thai của cô. Cô cũng làm cho một cô gái trẻ tự tử khi mỉa mai cô ta bằng một giọng khinh miệt “chào bà béo”.
-Cô tin rằng cô luôn chung thủy với chồng, nhưng Chúa cho cô thấy cách ăn mặc khiêu khích của cô rất quyến rũ đàn ông, làm những người này mắc tội ngoại tình trong tư tưởng với cô.Cô khuyến khích phụ nữ bị chồng lừa dối sống không chung thủy, và cô thuyết phục các phụ nữ này không tha thứ, nhưng ly dị. Cô cũng chấp nhận việc sống thử trước khi kết hôn.
-Cô tự hào rằng cô không bao giờ ăn cắp, nhưng cô chỉ trích người khác và Chúa cho cô thấy rằng chỉ trích người khác là ăn cắp danh dự của họ.
-Cô đã quyết định không bao giờ xưng tội, vì chỉ trích các Linh mục.
-Cô thường xuyên nói dối và khi nói dối cô hay thêm:”tôi mà nói dối, cho trời(sét) đánh chết tôi liền tại chỗ.
Khi nhìn ra những suy nghĩ thầm kín đáng xấu hổ của mình trong ánh sáng Thiên Chúa, cô thấy mình rơi xuống hỏa ngục.
Nhớ lại cô bắt đầu cầu xin Chúa, xin Chúa cho mình một cơ hội khác. Và Chúa Giêsu, vì lòng thương xót của Ngài, đã đồng ý. Khi cô sống lại Chúa Giêsu cho cô biết rằng đó là nhờ một người nông dân rất nghèo mà cô đã được cứu khỏi cõi chết đời đời. Ông đã xem báo bài tường thuật cái chết do sét đánh và thấy thương cảm cho linh hồn qua đời đột ngột. Lời cầu nguyện của ông đã cứu Gloria. Không có ông, cô nói, cô đã ở dưới hỏa ngục ! Chúa nói với cô: “Đó là yêu thương anh em mình”.
Giờ đây,Gloria là một tông đồ tuyệt vời, cô làm chứng về việc chữa lành và cuộc hoán cải của cô bất cứ nơi nào các nhóm cầu nguyện mời cô đến.
Ngày nay, mặc dù người ta có thể “dị ứng” từ hoán cải theo nhà đạo, chẳng qua cũng một ý nghĩa. Ví dụ: cải tổ hành chính; cải cách giáo dục, thậm chí “cải thiện bữa ăn” (bộ đội Cụ Hồ), hay từ đổi mới, hoặc sửa đổi (sửa đổi Hiến pháp 1992), hay từ văn hóa mới bình luận trên các phương tiện truyền thông, “thay da đổi thịt”. Nhưng gì gì cũng phải là thay cũ đổi mới.
Mới đây, thật đau lòng, nghe tin thời sự Đài Tuyền hình VN đưa tin lúc 19 giờ, một bênh viện xét nghiệm máu tất cả chỉ là một loại máu. Sau đó, được đọc tiểu phẩm trên TTCN 18-8-2013, có tựa”Hội XÉT NGHIỆM NHÂN BẢN” với cả hí họa châm biếm của NOP 13, gồm cây kim tiêm đỏ lòm máu, trên là dấu Thập đỏ, giữa hai cánh chữ thập đỏ là cặp kính đeo mắt đen mù mịt, liền dưới là ba dấu chỉ đồng tiền, dưới nữa là bốn ống nghiệm bên trong bốn cái đầu bốn người khác nhau,nhưng máu xét nhiệm bốn ống thì giống nhau ! Nghe lời,bình luận châm biếm:
- Phần lớn trong số này là những người từng khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa H.
- “Tôi nghi ngờ bà nhà tôi hơn chục năm nay, mới đây bố con đi khám thầy kết quả xét nghiệm của thằng cu giống hệt mình từng chữ một, tôi mừng lắm, chả cần biết chữ nào có nghĩa gì, cứ giống là tôi mừng”.
- Em lâu rồi cũng ngại không dám đi khám bệnh, sợ ra con hắt(virus HIV) nay được biết đi khám kiểu gì cũng có kết quả xét nghiệm tốt, em cảm thấy rất vui”.
Những lương y mà bất lương trên không biết hoán cải, đã giết chết lương tâm họ và giết hại nhiều người đi xét nghiệm tốt xấu như nhau.
Mong rằng những cơ quan chức năng,những vị có chức có quyền
Xin hãy thương dân, giúp dân cứu mạng sống mình và người khác. Hãy sống với lương tâm ngay chính; hãy hoán cải, sám hối, để người dân được sống yên lành.
Bất giác, câu nói nổi tiếng của một triết gia ngày xưa: “ xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển bởi khoa học” như khơi lên chút chạnh lòng!
Lm Sơn Đoài