Văn hóa nghệ thuật

Ngôn ngữ nhà đạo trong thi ca và thánh ca

Cập nhật lúc 08:56 10/01/2018
Các nhà nghiên cứu về Việt Nam học, về văn hóa Việt Nam đã có một tiếng nói chung khi đưa ra nhận định khá lý thú này : “Việt Nam là đất nước của thi ca”. Có nghĩa bẩm sinh, người Việt mình đã là thi sĩ (Natus poetà).
Ngôn ngữ nhà đạo trong thi ca và thánh ca
Ngôn ngữ nhà đạo trong thi ca và thánh ca

Một nhận định khác có vẻ căn cơ hơn: “Văn hóa gốc nông nghiệp trọng âm, trọng tình cảm, tất yếu có khuynh hướng thiên về thơ. Văn hóa gốc du mục trọng dương, trọng lý trí, tất yếu dẫn đến khuynh hướng thiên về văn xuôi”[1]. Thống kê trên hai tập Từ Ðiển Văn Học[2] cho thấy, trong 198 mục từ tác phẩm văn học phương Tây thì có 43 thơ và 115 văn xuôi (tỷ lệ văn xuôi 78,3%). Còn trong 95 mục từ tác phẩm văn học Việt Nam thì đã có 69 thơ và 26 văn xuôi (tỷ lệ thơ 72,6%). Nói một cách khác, thi ca đã bao trùm, phủ bóng lên dòng văn học Việt Nam, từ thể loại dân gian truyền khẩu cho đến lịch triều bác học thành văn: Trê Cóc, Trinh Thử, Nhị Ðộ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ, Ngọa Long Cương Vãn, Tư Dung Vãn, Tự Tình Khúc, Ai Tư Vãn, Hoa Tiên, Mai Ðình, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm, Kim Thạch Kỳ Duyên, Sơ Kính Tân Trang, Ðoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên. Thi ca cũng đã chiếm phần chủ lực trong sự nghiệp sáng tác sau này của các bậc danh gia như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Tản Ðà, kể cả một thế hệ thi nhân của phong trào thơ mới (1932-1945), cho đến tận ngày nay.

Ðây cũng là lý do thu hút sự chú ý của các nhà truyền giáo. Thi ca có sức chuyển tải và được tiếp nhận ra sao ? Không thể rao giảng Tin Mừng bằng chính luận khô khan, tràng giang đại hải đối với một dân tộc thiên về cảm tính, lại sính thi ca như dân tộc Việt Nam. Việc biên soạn kinh sách, việc diễn tả đức tin lòng đạo phải dựa trên cơ sở ngôn ngữ, hình tượng, về luật bằng trắc, đối đáp của khoa tu từ học. Tắt một lời, là thả lời Chúa trôi trên dòng chảy thi ca và âm nhạc, đến với mọi người.

Có cường điệu và cực đoan chăng, khi nói rằng con đường gần nhất, tuyệt vời nhất để đến với Chúa là con đường thi ca ? Thơ là đạo, đạo là đường, là đời Chúa, đời người, đời ta. Ðạo là lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm ở giữa chúng ta. Từ ngàn xưa, lời Chúa - bằng con đường thi ca - đã được các bậc thánh nhân, tiên hiền đồng cảm đồng điệu. Từ David với hàng trăm ca khúc bất tận là Thánh Vịnh, hiểu theo nghĩa Thánh Vịnh là thi ca tôn giáo, nhằm diễn tả tâm tình của người cầu nguyện. Từ hình tượng bồ câu bé nhỏ - người bạn tình trong Diễm Tình Ca Cựu Ước -, thư của Phaolô, kinh nguyện của Phanxicô Assisi cho đến Những Ca Khúc Tâm Linh rực lửa tình yêu của Gioan Thánh Giá, Truyện Một Tâm Hồn ngây ngất của Têrêsa Hài Ðồng…, tất cả là một chuỗi dài, một chùm sao băng thi ca giăng mắc đất trời. Rất thánh mà cũng rất người. Rất trọng vọng, cao sang mà cũng rất lãng mạn, huê tình. Cũng vậy, đạo Chúa vào Việt Nam bằng con đường thi ca. Hẳn chúng ta còn nhớ, ngày mùng 2.7.1627, cách đây vừa vặn 390 năm, giáo sĩ Ðắc Lộ vào phủ chúa Trịnh Tráng. Khuôn mặt, cung cách để lại ấn tượng sâu xa nhất, đối với ông, là một trang quốc sắc thiên hương: Bà Catarina, em gái của chúa (đã chịu phép rửa tội) được mô tả là rất thông thạo chữ Hán, giỏi thi phú. Con gái bà cũng là Catarina đã diễn ca (8000 câu thơ lục bát) toàn bộ Cựu Ước, Tân Ước[3]. Theo Ðắc Lộ, tập thơ này rất hay, rất có ích, vì không những giáo dân ngâm nga trong nhà, nơi phố chợ cũng như thôn quê, mà cả lương dân khi ca hát những lời thơ dịu dàng ấy thì cũng học biết được ít nhiều về mầu nhiệm chân lý đức tin. Ðúng là đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Ngay buổi hừng đông đến với Tin Mừng đã được diễn ra trong khung cảnh của một thi đàn. Từ ấy, đi suốt dặm dài đạo Chúa, ở từng vùng miền, ở từng vụ việc, đã xuất hiện khá nhiều tác phẩm thi ca hữu danh, khuyết danh hoặc vô danh, bằng đủ các thể loại (tam tự, tứ tự, lục bát, thất ngôn, song thất, phức hợp…). Từ thầy giảng Phanxicô (Cảm Tạ Niệm Từ), thầy cả Lữ-Y Ðoan (Sấm Truyền Ca với 5230 câu lục bát), Inê Tử Ðạo Vãn với 563 câu lục bát, Truyện Alêxù, Giuse Ðặng Ðức Tuấn (Việt Nam Giáo sử Diễn Ca với 670 câu song thất; Lâm Nạn Phụng Quốc Hành với 566 câu phức hợp) cho đến Philipphê Phan Văn Minh (Phi Năng Thi Tập), danh sĩ Phạm Trạch Thiện (Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương với 112 câu lục bát - song thất; Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca với 252 câu thất ngôn phức hợp; Vãn Kinh Cầu Ðức Bà với 126 câu lục bát), Trần Lục, Nguyễn Hữu Bài, Hồ Ngọc Cẩn, Giuse Nguyễn Văn Thích (Sảng Ðinh Thi Tập), Mai Lâm, Tống Viết Toại, Phạm Ðình Tân, Võ Long Tê, Long Giang Tử, Cao Vĩnh Phan, An Sơn Vị, Vũ Ðức Trinh, Nguyễn Duy Diễn, Xuân Ly Băng, Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Trăng Thập Tự, Nguyễn Tầm Thường, Ðơn Phương… Ðặc biệt là trường hợp nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử (1912-1940), với quan niệm “thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế, mà cũng để nối người ta với Thượng đế”. Nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân đã có một kết luận thỏa đáng về dòng thi ca Công giáo của Hàn như sau: “Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ, không thể quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp, vì cái vẻ huy hoàng trang trọng, lung linh huyền ảo của lâu đài kia ? Với Hàn Mạc Tử, Chúa gần lắm. Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ, mới thật là những tình cảm đã thấm tận đáy tâm hồn đoàn thể”[4].

Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cần đã có một trang mục dài hơi bàn về "Văn Chương Thi Phú Annam"

Riêng mảng ca vãn - một thể loại văn học rất đặc thù của nhà đạo - có đến trên dưới 40 tập, đã được nhà in Tân Ðịnh thu thập - phát hành (1879-1899), dưới nhan đề “Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký”. Có thể hiểu vì sao, nhiều lần chúng ta đã nghe Ðắc Lộ bày tỏ mối đồng cảm của ông về những ngâm vịnh, vãn nguyện bằng tiếng bản địa. Càng lạ lùng hơn, khi ta đọc được những trang Dẫn Nhập bộ Từ Ðiển Annam-Latinh của Taberd (1838) chỉ dạy rất cặn kẽ về cách làm các loại thi phú: Lục bát, song thất, thất ngôn, ngũ ngôn, phú, đối, văn tế, văn sách, kinh nghĩa. Cả đến vị Giám mục hay chữ sau này là Ðức cha Dom. Hồ Ngọc Cần (1876-1948) - chủ biên tờ Ða Minh Bán Nguyệt San - đã có một trang mục dài hơi bàn về “Văn Chương Thi Phú Annam” được nhà in Hồng Kông phát hành (1919) và sau này đăng trên tờ Nam Kỳ Ðịa Phận (1908-1945).

Rõ ràng là Tin Mừng đã được thi ca hóa, vần điệu hóa. Có lúc đến cao trào, nó trở thành một kịch bản sân khấu có chương hồi, xen cảnh, có diễn xuất ca ngâm theo các cung điệu nhạc Việt cổ truyền (hát ru, sa mạc, bồng mạc, xuân nữ, quan họ, ca trù, lâm khốc…). Ðúng như nhận định của tác giả “Ðặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam” rằng: “Trước khi âm nhạc phổ thông loại mới (âm nhạc cải cách, tân nhạc) ra đời, ở nước ta đã sẵn có một thứ dân nhạc, dân ca. Ðó là sự dung hóa giữa giọng nói địa phương với các thể thơ văn. Ðó là thành tựu bởi khối óc và con tim của giới bác học và bình dân… Dù là một bài ru con, một bài hò, một bài ca trên sân khấu thì dân ca Việt Nam vẫn là những bài thơ được hát lên. Rồi tùy theo nhu cầu mà thêm nhịp điệu cần thiết cho sự sống còn của giai điệu và lời ca”[5]. Mặc dù chỉ là truyền khẩu và bình dân, nhưng nó là thứ văn chương sống động, thường trực. Nó diễn tả tình ý một cách đại đồng, vô ngã. Quần chúng tuy không sáng tác trực tiếp, nhưng biết nghe, biết cảm nhận, tức là biết thưởng thức và chuyển hóa. Người Việt mình dễ xúc động trước cảnh thiên nhiên và số phận con người, nên dễ phát ra những lời cảm thán, tự nuôi lấy một hồn thơ dung dị cho mình. Người mình lại sẵn có năng khiếu tự nhiên về cung bậc, nhịp điệu; lỗ tai rất bén nhạy với âm hưởng nên dễ dàng ứng khẩu gieo vần, chắp vần, bắt nhịp. Thuộc ca dao, cổ tích, truyện Kiều và cũng thuộc kinh sách, ca vãn đạo. Tức là thuộc thơ. Ngôn ngữ Việt Nam, tâm hồn Việt Nam đẫm chất thơ. Hễ là thơ thì dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ ngâm ngợi để ru mình, ru người, ru tình, ru đời. Nhưng để hát hò cho điệu đàng nghệ thuật, phải là thơ lục bát. Như thế mới toát ra cái hơi ngọt lẳng hội hè đình đám dân ca Bắc bộ, mới thấm sâu cái hơi hò u uẩn hệ lụy của Nam bình, Nam ai của Huế, của Trung bộ và mới tỏa lan cái ầu ơ ví dầu của cải lương, của lý hò, của đời thương hồ sông nước và đờn ca tài tử Nam bộ. Lục bát là một hiện tượng đặc thù trong thi ca Việt Nam. Nó có một chỗ ngồi rất riêng biệt. Dường như với lục bát, các nhà thơ ta xem ra có vẻ dài hơi hơn, tròn vành rõ chữ hơn, thấu lý đạt tình hơn, bát ngát thăng hoa hơn. Cứ nhìn ngược về thượng nguồn văn học cổ điển, cận, trung đại. Cứ nhìn xuôi về văn học hiện đại. Sẽ thấy tất tần tật chói lòa những chùm sao thi ca lục bát. Từ ca dao, đồng dao - một thứ Kinh Thi Sở Từ của Việt Nam - cho đến những truyện thơ Nôm, lên đỉnh cao Truyện Kiều và những cây đa cây đề về lục bát như Tản Ðà, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân… Còn nhớ có một lần đã lâu lắm, nhà thơ Trần Dạ Từ (khôi nguyên về thơ - Giải thưởng Văn Học Nghệt Thuật, Sài Gòn 1970) kể rằng, trong một buổi mạn đàm về thơ, nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh (chủ soái sáng lập nhóm nhà văn Hàn Thuyên 1932-1945 cùng với Ðồ Phồn, Trương Tửu, Ðặng Thai Mai), giữa lúc hứng chí, đã quên tuổi già để đứng phắt dậy, bắt chước nhịp đi của một người Việt Nam thời trước. Ông vừa đi vừa cong vai, vừa phe phẩy đôi tay theo bộ tịch của một người đang gồng gánh. Ông nói, đây này, ông cha mình ngày xưa đi đứng thế này. Người mình là con nhà nông, luôn luôn có gồng có gánh. Gồng gánh ở hai đầu đòn trì xuống, tạo thế quân mình đặc biệt cho bước chân đi theo nhịp chẵn, đều đặn, kĩu kịt, tang bồng nhẹ tếch. Cái thơ lục bát của mình nó có là do cái thế đi đặc biệt ấy[6].

Tại sao chúng tôi không triển khai rộng hơn các thể loại thơ khác nhau cho đa dạng, đỡ nhàm tẻ, mà cứ phải nhắc lại cái điệp ngữ “lục bát” ? Thưa, bởi nó đã thành huyết mạch chảy dạt dào và sôi tràn trong lục phủ ngũ tạng, trong tứ chi bá hài của người mình. Chẳng cần sự bảo vệ và biện hộ nào. Như tiếng hát của hàng vạn câu ca dao, như bầy thiên nga ríu rít trong 3254 câu thơ truyện Kiều. Như Tản Ðà, Nguyễn Bính. Và như 9764 câu thơ lục bát trong “Sứ Ðiệp Tình Thương” của linh mục - nhà thơ Nguyễn Xuân Văn ở Phú Yên. Nó vẫn phơi phới và lung linh trên bầu trời thi ca Việt Nam. Còn dân tộc thì đâu cứ phải lục bát mới là dân tộc, mới là Việt Nam. Khối người Việt mình đã từng động não, chấp bút để viết, viết thật nhiều lục bát, một thể thơ dân tộc tinh ròng, thuần khiết nhất, mà vẫn cứ lạc điệu, xa vần, lai căng, chắp nối, vá víu hoặc máy móc theo kiểu phòng thí nghiệm Clonaid vô cảm vô hồn. Một khi không có hồn vía thì cái xác đất vật hèn kia chẳng báu gì. Lục bát là hơi thở, là máu thịt, là tần số trái tim của người Việt mình. Cứ ung dung, nhẩn nha. Cứ đủng đỉnh, tà tà. Cứ lăng ba vi bộ một cách vô chiêu. Nói như nhà thơ Nguyễn Ðình Thi, thơ lục bát đi bằng đôi chân nhịp chẵn, hít sâu vào thì ngắn và thở ra thì dài. Hít sâu vào huyệt đan điền. Thở ra mấy cõi vô biên đời người. Nói thật, thể loại này thông dụng, rất dễ viết, ai cũng viết được, mở miệng ra là nói được, kể cả những người nửa vời, ít học. Thậm chí, một bà mẹ quê, một cô thôn nữ, với cái lưng vốn một chữ cắn làm đôi, cũng thuộc rất nhiều thơ lục bát, hơn cả những bậc tài cao học rộng. Nhưng để viết lục bát cho hay, cho đẹp, cho bay bướm, cho thành thi ca thì khó vô cùng. Cái dễ nằm ngay trong cái khó là vậy. Nói một cách thông thái như nhà văn Nguyễn Tuân thì anh bảo anh là nhà thơ Việt Nam ư ? Vậy anh hãy cho tôi xem thử vài câu thơ lục bát của anh, tôi sẽ nói anh là hạng bậc thi sĩ thế nào.

Từ thi ca đến âm nhạc không có biên giới. Trong thơ có nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ. Ðắc Lộ là người đã sớm cảm nhận tính nhạc trong tiếng Việt khi ông phân tích: “Tiếng Tàu chỉ có 5 giọng, còn tiếng Annam có 6 giọng, rất phù hợp với những dấu nhạc Do, Re, Mi, Fa, Sol, La…”[7]. Không những có âm vần của thơ, mà còn nhờ những dấu thanh bằng trắc, từ bản thân, tiếng Việt đã là một giai điệu của âm nhạc hoặc gợi mở nguồn cảm hứng dệt cung bậc, tiết tấu, biến nó thành khúc hát, bài ca. Cùng một suy nghĩ ấy, linh mục - nhạc sư Tiến Dũng (1924-2005) nhận định: “Ðối với tiếng Việt là ngôn ngữ mà mọi chữ có vần cộc lốc, lại có thêm 5 dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Các dấu này biểu lộ ít nhất là 3 độ cao thấp khác nhau của âm thanh. Ðặc điểm trên của tiếng Việt đã ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành cung điệu cho một ca khúc và đã làm cho ca khúc có tính Việt Nam. Ngôn ngữ chẳng những có ảnh hưởng đến dòng ca, mà chính nó còn làm nên dòng ca. Như vậy, nó đưa dòng ca (cùng với nhịp điệu và hòa âm, 3 yếu tố cơ bản của âm nhạc) đi sát với ngôn ngữ của dân tộc, làm cho ca nhạc có nhiều dân tộc tính nhất”[8]. Chúng tôi muốn dừng lại ở mảng ca vãn về Ðức Mẹ, vì nó phong phú vô cùng. Mảng thơ nhạc này đã được nhiều thế hệ đồng cảm, đồng điệu trong quá trình nghiên cứu, phân cảnh, giảng dạy, sáng tác và phổ biến. Ðã có hàng chục kịch bản (bản văn, cung điệu, dàn dựng). Từ Ðức Giám mục Dom.Hồ Ngọc Cẩn, Hùng Lân, Hải Linh, Chương Thi, Hoài Ðức, Duy Tân cho đến các nhạc sĩ sáng tác thánh nhạc thánh ca trên suốt những chặng đường lịch sử buổi đầu (Phaolồ Qui, Phaolồ Ðạt, JM Thích, cha già Vượng); từ các nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Sao Mai, Ca Thánh, Tiếng Chuông Nam… cho đến các tài hoa sau này như Vinh Hạnh, Hoàng Kim, Kim Long, Anh Kha, Xuân Thảo, Phanxicô, Hải Triều, Trầm Hương...

LÊ ĐÌNH BẢNG

______________________________________________

1. Trần Ngọc Thêm. Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. TPHCM 1996.

2.Từ Ðiển Văn Học. NXB Khoa Học Xã Hội. Hà Nội 1983.

3. Ðã thất truyền.

4. Thi Nhân Việt Nam. NXB Văn Học Hà Nội, 1988, tr. 187.

5. Phạm Duy. Ðặc khảo về Dân Nhạc ở Việt Nam. NXB Hiện Ðại, Sài Gòn 1972.

6. Bước Chân Người Giao Chỉ của Lê Ðình Bảng. Sài Gòn 1967.

7. Tiến Dũng. Tôi Viết Ca Khúc Tiếng Việt. NXB Trẻ 2001.

8. Lịch Sử Vương Quốc Ðàng Ngoài. Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ. Tủ sách Ðại Kết 1994.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Thông tin khác:
Thánh Địa: sắp hoàn thành việc trùng tu Vương cung thánh đường Chúa Giáng sinh tại Bêlem (09/01/2018)
Đào Nhật Tân và Đà Lạt (08/01/2018)
Ngôi sao còn dẫn lối (05/01/2018)
Vương cung thánh đường Têrêsa Hài đồng Giêsu (28/12/2017)
Tranh Giáng sinh của họa sĩ Nguyễn Gia trí (28/12/2017)
Nhớ mùa Giáng sinh xưa (27/12/2017)
Mừng Chúa Giáng sinh (26/12/2017)
Đêm Noel (26/12/2017)
Mạch suối ân sủng (22/12/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log