Hiện nay, hơn 90% hộ gia đình tại giáo xứ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và nhiều gia đình thuộc các xã lân cận làm thêm nghề đan giỏ nilông. Giáo dân trong xứ ban ngày đi làm vườn, trồng trọt, chiều về đan giỏ kiếm thêm tiền. Bất kỳ ai lúc rảnh cũng có thể đảm nhận công việc này. Bà Phạm Thị Tuyết Oanh, vợ ông Nhân cho biết một người thợ lành nghề trung bình có thể đan từ 10-12 cái/ngày, thu nhập tầm 100.000đ. “Nghề này dễ học, chỉ khoảng một tuần là thành thạo. Sản phẩm là những chiếc giỏ với các kích cỡ khác nhau dùng để đựng trái cây hay vật dụng nặng”, dẫn chúng tôi vào kho hàng tại nhà - bà Oanh nói. Tại giáo xứ, cơ sở của vợ chồng bà được xem là thành công và là đại lý tiêu thụ cho bà con suốt mấy chục năm nay, và năm 2016, hàng của cơ sở còn được UBND tỉnh An Giang đánh giá là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trước đó, năm 2014 nghề đan giỏ do ông gầy dựng tại địa phương cũng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Hằng ngày, ông Nhân chở nguyên liệu thô đến các gia đình trong xóm và thu gom sản phẩm. Khi số lượng đủ theo yêu cầu, ông chuyển hàng cho các chợ đầu mối trên thành phố hoặc các tỉnh. Nhân công gồm đủ thành phần, từ những bà nội trợ đến các cụ cao niên, nghỉ hưu.“Nhìn chung, nghề này không mấy vất vả, ai rảnh thì làm, không quy định giờ giấc. Vậy nên phụ nữ trong xóm lãnh nguyên liệu về nhiều lắm, vừa trông con vừa đan giỏ”, ông Nhân giới thiệu. Từ khi có thêm nghề đan giỏ, những giờ rảnh của bà con trở nên ý nghĩa hơn khi có thể giúp tăng thu nhập. Tùy vào số lượng sản phẩm làm ra mà thù lao theo đó nhân lên, nhiều hoặc ít. “Bây giờ nhìn nhiều người trong xóm theo nghề đan giỏ, có thêm tiền, tôi thấy vui. Năm 1995, tôi gởi 2 người con gái lên Sài Gòn học nghề này, ước mong chúng có việc ổn định, tự chăm lo cho cuộc sống mình bởi nhà tôi lúc đó nghèo lắm. Tôi làm thợ mộc, bà nhà may quần áo, làm sao có thể lo cho con cái học đại học, đỗ đạt cao? Sau khi các con học xong về thì mở ra làm. Dần dần do nhu cầu tăng nên tôi giới thiệu cho xóm đạo”, ông Nhân kể về cơ duyên đến với nghề. Ông cũng cho biết, thời gian đầu, gia đình cũng tốn nhiều công sức để hướng dẫn cách đan cho nhân công. Rồi chính ông phải lận đận để tìm đầu ra từ khắp các tỉnh thành đồng bằng, Sài Gòn, miền Ðông: “Gian truân nhất là buổi đầu, trăm mối lo, lại không đủ kinh phí. Vậy mà nhờ ơn Chúa, rồi cũng đâu vào đó”.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi, các chị em nhận đan giỏ tại nhà kiếm thêm thu nhập - ảnh: A.N |
Nhà ở cách nhà thờ Cù Lao Giêng chừng nửa cây số, dù bận rộn nhưng hễ khi họ đạo có việc cần thì ông sẵn sàng có mặt. Ông khẳng định việc Nhà Chúa được đặt lên trên hết:“Làm ăn lo cho gia đình thì ai cũng phải lo rồi. Chuyện chung thì mình phải gắng sức hơn bởi chính mình nhận ra có những lúc gian nan đã được nhiều ơn Chúa. Xứ đạo lâu đời, ai cũng có tinh thần nên mình càng không được lơ là”. Cha sở Inhaxiô Mai Tấn Kiệt thì tấm tắc về sự nhiệt tình của người phó nội vụ của mình, một người am hiểu nhiều, rành rỏi nếp sinh hoạt của xứ đạo, lại cư xử hòa hợp với anh em lối xóm.
Anh Nguyên
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc