Đây là ngôi nhà thờ cổ có trên 100 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ ở số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận 1, thuộc giáo xứ Chợ Đũi.
Quang cảnh nhà thờ Huyện Sĩ (TP. Hồ Chí Minh)
Giáo xứ Chợ Đũi được thành lập năm 1859. Lúc đó linh mục Boutier đã được cử về coi sóc vùng Phong Phú, Thủ Đức từ năm 1880. Linh mục Boutier là người có khả năng về kiến trúc. Chính cha là người đã thiết kế nhà thờ Thủ Đức. Vì vậy, giáo dân đã nhờ cha Boutier thiết kế ngôi nhà thờ Chợ Đũi. Rất may, hồi đó có đại điền chủ Lê Phát Đạt, là bác của Nam Phương Hoàng hậu có tiếng là giàu có với câu ca được truyền tụng: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Dân gian gọi ông Lê Phát Đạt là Huyện Sĩ vì ông có được phong Huyện hàm ở Bình Lập, Tân An tỉnh Long An. Ông là người Công giáo giàu có và hay công đức cho Giáo hội. Chính ông đã công đức xây nhà thờ Chí Hòa và nhà thờ Chợ Đũi mà dân thường gọi là nhà thờ Huyện Sĩ (ảnh trên). Bổn mạng của nhà thờ là thánh Philipphê cũng là thánh bảo trợ của ông Huyện Sĩ.
Nhà thờ Huyện Sĩ có không gian rộng vào loại nhất nhì ở Sài Gòn. Trước tháp chuông là tượng thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm. Lối cổng vào hai bên có tượng thánh thiên thần bản mệnh và tượng thánh Giuse. Bên trái nhà thờ là Hang đá Lộ Đức khá đẹp được xây dựng năm 1960. Trong hang có ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp, lúc nào cũng có nhiều hoa tươi và người đến khấn nguyện. Trong hang và trên vách núi treo đầy những tấm bảng tạ ơn của khách hành hương. Vào dịp lễ 11/2 hàng năm là ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân, tại đây có thánh lễ rất trang trọng. Nhiều bệnh nhân được người nhà đưa đến đây để xin ơn Đức Mẹ cầu bầu.
Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1902 và khánh thành năm 1905. Nhà thờ xây dựng theo phong cách gotich. Nhà thờ dài 40m, chia làm 4 gian, mỗi gian rộng 18m. Theo thiết kế của cha Boutier lúc đầu nhà thờ có 5 gian và có chiều dài 50m. Nhưng lúc đó, nhà thờ Chí Hòa hư hỏng nặng nên cha đề nghị rút ngắn nhà thờ để có kinh phí ủng hộ sửa nhà thờ Chí Hoà. Mặt tiền và các cột trong nhà thờ đều được lát bằng đá hoa cương Biên Hòa. Gian thánh có vòm cung lớn theo kiểu gotich. Trên các cửa chính của nhà thờ đều có gắn các tượng thánh. Tòa chính giữa nhà thờ là tượng thánh quan thày Philipphê bằng đá cẩm thạch. Tay thánh nhân đang cầm Thánh giá Phục sinh. Nhà thờ cũng có nhiều cửa kính màu vẽ ảnh thánh.
Tháp chuông cao 57m kể cả chiều cao Thánh giá và con gà trống Gaulois. Trên tháp chuông có treo 4 quả chuông đúc từ Pháp mang về năm 1905. Hai quả chuông lớn có đường kính 1,05m là của con trai và con dâu ông Huyện Sĩ là GB Lê Phát Thanh và Anna Đỗ Thị Thao, dâng cúng. Hai quả chuông nhỏ có đường kính là 0,95m không ghi tên người dâng cúng nhưng người ta đoán là của ông bà Huyện Sĩ.
Khi ông Huyện Sĩ mất năm 1900 thì nhà thờ chưa xây xong, người ta chôn ông cạnh nhà thờ, đến năm 1920 khi bà vợ ông mất, người ta mới đặt cả hai ông bà ở gian cạnh đầu nhà thờ để ghi công ơn của ông bà xưa đã hiến đất và trích 1/7 tài sản của mình với 30.000 đồng Đông Dương. Đây là khu mộ cổ rất đặc biệt. Trong đó có 2 ngôi mộ của ông Huyện Sĩ và bà vợ ông Huỳnh Thị Tài. Hai ngôi mộ bằng đá nguyên khối cao 1m, dài 3m, có chạm trổ hoa văn đẹp. Phần mộ của ông bên trái, bà bên phải. Đúng với quan niệm của phương Đông: nam tả nữ hữu. Trên mỗi mộ đá có tượng người bằng đá. Tượng ông Huyện Sĩ, đầu đội khăn đóng, kê trên 2 chiếc gối, mình mặc áo dài gấm, tay nắm trước ngực, chân đi giày (ảnh dưới). Tượng bà Huỳnh Thị Tài để đầu trần, đầu cũng gối trên 2 chiếc gối, mặc áo gấm, hai tay đan vào nhau để trước ngực, chân mang vớ và đi hài. Trong gian này cũng có hai tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà Huyện Sĩ nữa.
Tượng ông Huyện Sĩ trong nhà thờ Huyện Sĩ
Bích Hải