Văn hóa nghệ thuật

Những hầm mộ cổ xưa ở Malta

Cập nhật lúc 06:21 03/08/2021
Ngoài Rome, Malta sở hữu hệ thống những hầm mộ độc nhất vô nhị trong lòng đất, minh chứng rằng sự tồn tại của đức tin Kitô giáo tại Malta đã có từ lâu đời.

Quần đảo Malta nằm ở vị trí chiến lược trên Ðịa Trung Hải, và lâu nay nổi tiếng với những khu di tích cổ xưa. Trong số này, nổi tiếng nhất chính là các cấu trúc hầm mộ của Kitô giáo, mang đến minh chứng về cuộc sống của các cộng đồng Thiên Chúa giáo đời đầu, đặc biệt là biến cố đắm tàu của thánh Phaolô tông đồ khi xưa.

 

Cả quốc gia là một nhà thờ

Một số người hình dung Malta là một nhà thờ lớn. Theo một số khía cạnh nhất định, họ hoàn toàn đúng. Quần đảo Malta có tổng cộng hơn 365 nhà thờ. Dân bản xứ nói đùa với nhau rằng nếu muốn, họ có thể lui tới dự thánh lễ ở những nhà thờ khác nhau trong cả năm mà không bị trùng. Nghe qua có vẻ phóng đại, và nhiều người chất vấn rằng làm sao có nhiều nhà thờ đến thế trên diện tích lãnh thổ chỉ 316km2, tức nhỏ hơn Việt Nam 1.000 lần? Ít người biết Malta không những có mật độ dân số cao nhất châu Âu (xấp xỉ 1.300 người trên mỗi cây số vuông), mà còn là nước có tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo cao nhất châu lục. Gần 98% số dân ở Malta là người Công giáo.

Cảnh quan ở Matla cũng vô cùng tuyệt vời, mà theo thánh Augustine và những triết gia khác của Công giáo gọi là “sự hoàn hảo mà Chúa ban tặng”. Và trong lòng đất, hệ thống hầm mộ tồn tại lâu đời như chính đức tin Kitô giáo ở quốc gia này. Trên thực tế, cộng đồng Kitô hữu ở Malta phải cổ xưa như Ephesus, Jerusalem, Corinth và Rome. Tất cả là do vụ đắm tàu xảy ra cho thánh Phaolô, theo Sách Công vụ Tông đồ ghi lại.

 

Năm 60 Sau Công nguyên, thánh Phaolô có mặt trên con tàu của quân đội La Mã vượt Ðịa Trung Hải với đích đến là thành Rome, nơi ngài sẽ bị xét xử vì tội rao giảng lời Chúa ở Jerusalem. Tàu bị đắm do bão, và sự kiện tưởng chừng như bi kịch đã tạo điều kiện khai sinh cộng đồng Kitô giáo kéo dài suốt 2.000 năm mà không hề đứt đoạn. Sách Công vụ Tông đồ đã ghi nhận những chi tiết xung quanh vụ đắm tàu: “Một khi đặt chân an toàn lên đất liền, chúng tôi phát hiện hòn đảo gọi là Malta. Dân đảo đón chào chúng tôi hết sức tử tế. Họ đốt lửa và đón chúng tôi, vì lúc đó mưa bão và thời tiết rất lạnh”. Trong lúc gom thân cọ thành đống và chuẩn bị châm lửa, thánh Phaolô đánh động một con rắn, quấn vào tay ngài. Thế nhưng thánh Phaolô quẳng con rắn vào đống lửa và không bị tổn thương gì. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người cảm thấy phải có điểm gì đó đặc biệt ở ngài. Họ bắt đầu lắng nghe lời giảng của thánh Phaolô, trong đó có cả Publius, thống đốc La Mã chịu trách nhiệm quản lý đảo Malta. Sau đó, cộng đồng Kitô giáo đầu tiên ở Malta ra đời.

Những hầm mộ đời đầu

Trong gần 3 thế kỷ sau đó, Kitô giáo vẫn bị các đời hoàng đế La Mã bách hại. Cũng như những nơi khác, các tín hữu đời đầu ở Malta phải giấu diếm thân phận và âm thầm sinh hoạt. Do các nghĩa trang trong thành phố chỉ dành cho các tôn giáo “hợp pháp”, các Kitô hữu được chôn cất trong các hầm mộ tự đào bới, bên ngoài tường thành của Melite (ngày nay là Mdina).

Hiện nay, hệ thống hầm mộ Malta cung cấp chứng cứ khảo cổ mạnh mẽ nhất cho sự tồn tại của Kitô giáo từ thế kỷ thứ nhất. Quy mô của những công trình này chỉ thua Rome. Trong số đó, hầm mộ thánh tông đồ Phaolô được xây dựng từ thế kỷ thứ ba đến thứ 8, bao phủ diện tích 2.044 m2. Theo truyền thống, từng có thời điểm hầm mộ thông đến hang động của thánh Phaolô, nơi thánh tông đồ từng trú bão sau khi đặt chân lên đất liền.

Các hầm mộ đáng chú ý khác của Malta còn có hầm mộ thánh Agatha (chôn cất hơn 500 nấm mồ), hầm mộ Ta’ Bistra... Cơ quan Di sản Malta chịu trách nhiệm quản lý và bảo tồn các hầm mộ trên quần đảo. Sau nỗ lực phục hồi vô cùng quy mô do cơ quan này thực hiện từ năm 2015, với ngân sách khoảng 4 triệu euro, các hầm mộ nổi tiếng đã được mở cửa trở lại cho đến mới đây, thời điểm đại dịch bùng phát.

 

LING LANG

Thông tin khác:
Nhà thờ thánh Margaret vương quốc Anh (01/08/2021)
Bánh từ trời ban xuống (27/07/2021)
Nhà thờ La Mã St Peter Cộng hòa Ireland (24/07/2021)
Nhà thờ chính tòa Baltimore, Hoa Kỳ (23/07/2021)
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (22/07/2021)
Bánh thừa mười hai thúng (19/07/2021)
Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Cộng hòa Pháp (17/07/2021)
Người Cha thương mến (15/07/2021)
Nhà thờ Chúa biến hình, đảo Kizhi, Nga (14/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log