Văn hóa nghệ thuật

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Cập nhật lúc 06:31 22/07/2021
Đông Kinh Nghĩa Thục: Cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: TL
Đông Kinh Nghĩa Thục: Cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: TL
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được các vị chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành vv… hợp sức thành lập năm 1906 giống mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa Thục ở Nhật và hoạt động mới được 1 năm (1907) thì bị thực dân Pháp đóng cửa. Trường nằm trong phong trào khai trí cho dân của các chí sĩ yêu nước. Phương tiện được hoạch định là mở những lớp dạy học không lấy tiền (đúng với cái tên “nghĩa thục”, bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ Quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục (dịch, viết sách giáo khoa), báo chí, tuyên truyền, cổ động. Chấn hưng thực nghiệp. Mở tiệm buôn, phát triển công thương. Trường có hai tờ báo “Đăng cổ tùng báo” và “Đại Việt Tân báo” tuyên truyền cho cải cách, bài trừ hủ tục, vận động nhớ đến ngày giổ Tổ 10/3 âm lịch, sử dụng chữ Quốc ngữ, thường xuyên tổ chức diễn thuyết, bình văn tại trường vào các tối mồng một và rằm hàng tháng. Người ngoài trường dự nghe rất đông, có cả quan lại, binh lính, viên chức làm việc cho thực dân Pháp. Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả thường bình luận các bài in trên báo của mình và nói chuyện về đề tài lịch sử, về Cách mạng Pháp 1789, về sự nghiệp của Washington vv...

Lương Văn Can (1854-1927), Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quê xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội, là một nhà cách mạng. Cụ cùng bạn bè cùng chí hướng chủ trương: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng; Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, bởi đó là hai phong trào “có ý nghĩa cách mạng” đã lan nhanh khiến thực dân Pháp rất lo sợ. Với Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trong phiên họp Hội đồng quân sự Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp nhận định: “Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”. Vì vậy, 11/1907 trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị giải tán. Ít lâu sau nhân vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (6/1908), thực dân Pháp cho bắt cụ Lương Văn Can để khai thác những tin tức về vụ ấy, nhưng do không có chứng cớ kết tội nên chúng phải thả cụ. Tháng 4/1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của Việt Nam Quang Phục Hội. Cho là nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục có liên quan, nên thực dân Pháp đã bắt cụ, giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội). Cụ bị kết án biệt xứ, lưu đày sang Campuchia. Hơn 8 năm sau, cụ được giảm án, trở về Hà Nội. Tháng 6/1927, cụ qua đời. Trước khi mất, cụ dặn các con cháu: “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” (Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước)
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Bánh thừa mười hai thúng (19/07/2021)
Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Cộng hòa Pháp (17/07/2021)
Người Cha thương mến (15/07/2021)
Nhà thờ Chúa biến hình, đảo Kizhi, Nga (14/07/2021)
2 cây dầu ráy khổng lồ ở Mỏ Cày Nam (14/07/2021)
Phục hồi các cung điện giá trị (13/07/2021)
Vài điểm du lịch hấp dẫn (07/07/2021)
Nhớ mãi thầy Lê Văn Thụ (07/07/2021)
Họ vẫn cứ coi thường (05/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log