Sông Đà, dòng sông hiểm trở và lớn nhất vùng Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Hải |
Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, dài 983 km, bắt nguồn từ núi Vô Lượng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Đoạn thượng nguồn sông Đà ở Trung Quốc, được gọi là Lý Tiên Giang, dài khoảng 400 km. Đoạn ở Việt Nam dài 540 km. Điểm đầu là biên giới Việt Nam-Trung Quốc tại huyện Mường Tè, Lai Châu. Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Điểm cuối là ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Sông Đà có tiềm năng thủy điện lớn do chảy qua vùng núi cao. Hiện trên dòng chính sông Đà thuộc địa phận Việt Nam có ba nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu thuộc loại lớn nhất trong số các nhà máy thủy điện nước ta, gồm Hòa Bình 1.920 MW, Sơn La 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện, đạt giá trị sản lượng điện 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trên các phụ lưu sông Đà có các nhà máy thủy điện nhỏ, như Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Mưu, Nậm Thu.
Sông Thao cũng là phụ lưu chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam ở tỉnh Lao Cai, chảy đến ngã ba Hạc ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì hợp lưu với sông Đà và sông Lô. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Thao chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. Khi qua tỉnh Yên Bái, sông có bốn phụ lưu lớn là Ngòi Thia, Ngòi Hút, Ngòi Lâu, Ngoài Lao. Núi Phan Xi Păng đóng vai trò đường phân nước giữa sông Đà với sông Thao, còn dãy Con Voi chạy song song với sông Thao, là đường phân nước giữa sông Thao với sông Lô. Lưu lượng nước của sông thay đổi thất thường; vào mùa khô lưu lượng giảm so với mức trung bình, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và cho sinh hoạt của người dân. Phù sa sông Thao có màu đỏ. Sông Thao được nhắc đến trong một số tác phẩm văn học - nghệ thuật, đậm đà như câu hát ru: “Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên phố Ẻn thì quên đường về”, hùng tráng như bài hát “Du kích sông Thao” (1949) của Đỗ Nhuận, bát ngát như bài thơ “Sông Thao” của Nguyễn Duy (tập thơ Mẹ và em, 1980)