Văn hóa nghệ thuật

Suy nghĩ về đạo công giáo

Cập nhật lúc 15:58 03/07/2009

Đầu tiên, công giáo chú trọng việc tương thân tương ái, biết hợp quần đoàn thể, có cái tình cảm không ước hẹn mà đồng tâm. Điều này rất dễ thấy khi nhìn vào những buổi lễ của người công giáo, lúc linh mục giảng mọi người ai cũng đều chăm chú lắng nghe với một tâm hồn rộng mở. Gương mặt người công giáo nào cũng rạng rỡ, vui tươi đón nhận những lời giảng của linh mục. Để rồi khi ra về họ đem những gì nghe được ra áp dụng và thực hành bằng chính cuộc sống. Tôi thấy tinh thần tương thân tương ái của giáo dân trong giáo xứ tôi sống được thể hiện rất rỏ. Những khi ở đâu trên đất nước Việt Nam xảy ra thiên tai, lũ lụt thì ngay lập tức cha xứ kêu gọi giáo dân đóng góp để giúp đỡ đồng bào. Đáp lại lời mời gọi một cách mau chóng, mọi gia đình trong giáo xứ đều có phần đóng góp nhỏ. Gia đình này góp gạo, gia đình kia góp quần áo cũ, gia đình khác thì góp tiền, thậm chí có những thiếu nhi góp luôn cả con heo đất mà mình dành dụm bấy lâu để giúp đỡ những nạn nhân của thiên tai. Từ những cái góp được đó, hội đồng mục vụ giáo xứ mới phân ra và chuyển cho đoàn cứu tế của giáo hạt (gồm nhiều giáo xứ) để đoàn cứu tế có thể cứu tế một cách kịp thời. Đó là những tình cảm dành cho những đồng bào trong nước, những gia đình khó khăn neo đơn trong giáo xứ còn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nửa. Trong giáo xứ của tôi, những gia đình khó khăn được mượn vốn của Hội các bà mẹ công giáo giáo xứ để làm ăn, những cụ già neo đơn thì thường xuyên được thăm nom giúp đỡ. Lúc tôi còn ở quê, tôi thường hay cùng các chị ở dòng Nữ tử bác ái (dòng thánh Vinh Sơn) đến gia đình các cụ già neo đơn để dựng lại nhà cửa, thu dọn đồ đạc và đặc biệt là trò chuyện tâm tình cùng các cụ. Khi vào tp Hồ Chí Minh, tôi có lần được may mắn cùng các bạn trong lớp đến dòng Vinh Sơn (trên đường Nơ Trang Long) để giúp đỡ và trò chuyện cùng các cụ già ở viện dưỡng lão của dòng.

Sức mạnh trong giáo xứ tôi còn thể hiện ở sự lớn mạnh và đông đảo các hội đoàn công giáo. Các hội đoàn lớn: hội con cái Đức Mẹ, hội Lerio, hội các bà mẹ công giáo, hội thiếu nhi Junio. Các hội đoàn cùng góp lời cầu nguyện cho giáo hội và cho đời sống của người Kitô hữu, ngoài ra các hội đoàn còn thi đua làm các việc bác ái cho mọi người không phân biệt kẻ giáo người lương (những người không tôn giáo hay khác tôn giáo). Những thành viên trong những hội đoàn có tuổi tác khác nhau và cách sống khác nhau nhưng có chung một Thiên Chúa là Cha trên trời.


Công giáo chú trọng về linh hồn mà coi khinh thể xác cho nên khi dồn ra làm việc nghĩa thì có được cái phong thái coi nhẹ cuộc sống và dám chết…Quan niệm của người công giáo là trọng về linh hồn, cuộc sống này chẳng qua chỉ là cuộc sống tạm. Niềm tin Kitô giáo là sự sống lại và cuộc sống đời sau. Linh hồn bất tử và rất thiên liêng. Linh hồn những người tốt luôn theo sát bên người ấy, còn những kẻ độc ác và kẻ dữ thì gọi là những kẻ đã đánh mất linh hồn hay những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ. Tôi rất tâm đắc một câu nói của thánh Augustino : “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được lợi ích gì”. Người công giáo tin rằng khi con người chết đi thì linh hồn sẽ về tòa của Chúa và được phán xét, kẻ nào có cuộc sống tốt lành ở trần gian thì được vào nước thiên đàng, được hưởng phúc cùng thiên Chúa, kẻ nào có cuộc sống tội lỗi và ác độc ở trần gian thì phải vào hỏa ngục để chịu phạt muôn đời. Những linh hồn ở trần gian mang các tội nhẹ thì phải xuống luyện ngục chịu hình phạt chờ ngày được cứu lên thiên đàng. Những Kitô hữu còn sống ở thế gian góp lời cầu nguyện, sự hi sinh và việc bác ái để “kéo” những linh hồn dưới luyện ngục về thiên đàng cùng Chúa. Người công giáo có sự liên hệ mật thiết với linh hồn những người thân đã mất. Hàng năm đến tháng 11 dương lịch, vào dịp lễ các đẳng linh hồn, theo lời kêu gọi của giáo hội mỗi người Kitô hữu đến các nghĩa trang để cầu nguyện cho các linh hồn và cầu nguyện theo Đức Giáo Hoàng. Người công giáo ở giáo xứ tôi chuẩn bị cho dịp lễ các đẳng rất kỹ. từ trước lễ các đẳng mọi người tụ tập về nghĩa trang của giáo xứ để làm cỏ, vệ sinh và tu sữa phần mộ của người thân, kể cả những phần mộ không người thân cũng được giúp đỡ. Đến dịp lễ, theo lệnh ân xá của Đức Giáo Hoàng, mỗi người công giáo bỏ ra mỗi ngày 30 phút để đến nghĩa trang cầu nguyện cho các linh hồn. Mỗi một lần hi sinh như vậy thì một linh hồn ở luyện ngục được lãnh một ơn đại xá và được về thiên đàng. Bằng chính những hi sinh và lời cầu nguyện, hàng năm có rất nhiều linh hồn được về cùng Chúa.
Sự chết đối với người công giáo là sự bắt đầu cho một cuộc sống mới, những đau thương mất mác mau chóng tan đi. Trong đám tan người công giáo, người thân không cần phải khóc lóc, xỉu lên xỉu xuống, cũng không cần phải thuê khóc mướn. Nỗi nhớ về người thân chỉ cần để trong lòng là được. Thậm chí khi gia đình có người qua đời, người đến viếng còn động viên hãy vui lên vì từ nay linh hồn người thân đã được về sống hạnh phúc trên thiên đàng cùng Chúa.


Mọi người công giáo đều biết : trước hãy lo công lợi đã, sau mới đến tư ích, trước lo việc nước, sau mới đến việc nhà. Khi nào làm việc lợi ích công cộng cho toàn xã hội thì toàn thể mọi người tin yêu nhau, nên dễ bề tập hợp… Trong giáo xứ tôi ở, khi những con đường trong xã hư cần được sữa chữa cho bằng, linh mục quản xứ chỉ cần huy động trước nhà thờ thì ngay lập tức toàn thể thanh niên trong giáo xứ đến để sữa chữa. Nhà nào cũng có sự đóng góp, không đóng góp công sức thì đóng góp vật tư, kinh phí. Khi đến giáo xứ tôi thì chắc rằng không ai có thể chê được những con đường bằng phẳng và đẹp. Trong giáo xứ mỗi khi có công trình phục vụ lợi ích cho taòn dân thì mọi người đều có sự đóng góp không cần phải ép buộc. Khi chính quyền muốn tập hợp dân lại để phổ biến các chính sách nhà nước thì chỉ cần nhờ linh mục nhắc nhở trong thánh lễ là mọi người ai cũng có mặt đông đủ, không cần phải dùng đến loa phóng thanh hay đến từng nhà phát giấy mời. Khi nhà nước có một điều luật hay một chính sách mới, linh mục luôn nhắc nhở người dân chấp hành theo trong các bài giảng, mọi người trong giáo xứ đều chấp hành đúng và coi đó như sụ vâng lời Thiên Chúa.


Công giáo chuyên chú trọng về việc thờ phụng một Thiên Chúa duy nhất, không thờ thần nào khác cho nên bớt được tất cả mọi sự tốn kém vô ích về tế tự… Người công giáo chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, các thần, thánh, tổ tiên chỉ được tôn kính chứ không thờ các vị ấy. Nhiều người không hiểu nên thường tưởng lầm là đạo công giáo thờ Thiên Chúa và các thánh, thần. Chỉ có duy nhất Thiên Chúa mới đáng tôn thờ, cho nên trên bàn thờ thường chỉ có duy nhất tranh hay ảnh tượng của Chúa, còn tranh ảnh các thánh hay của ông bà tổ tiên người công giáo thường đặt thấp hơn bàn thờ.
Trong Thánh Vịnh có đoạn : “Thiên Chúa không cần lễ vật hiến tế, ngài chỉ nhận tâm hồn thanh khiết..” . Qua đoạn Thánh Vịnh ta biết được rằng Thiên Chúa không cần đến lễ vật cầu kì, ngài chỉ nhận một tâm hồn trong trắng, một tấm lòng nhân hậu, một trái tim hòa bình. Ngài không ưa những lễ vật: vàng bạc, trâu, bò, heo, gà, hoa trái…Sống đúng tinh thần đó, những người công giáo không đơm cúng thức ăn hay trái cây trên bàn thờ, bàn thờ lúc nào cũng gọn và sáng. Gia đình tôi không dâng thức ăn hay hoa quả mà chỉ cắm những bình hoa tươi để dâng cho Chúa. Trên bàn trưng ảnh của người đã khuất cũng chỉ thắp hương và cắm hoa chứ cũng không đơm trái cây. Gia đình tôi quan niệm rằng thương nhớ người thân bằng cách thiết thực nhất là cầu nguyện và luôn nhớ đến những công ơn người thân trong cuộc sống.
Người công giáo quan niệm cuộc sống ngày nay là cuộc sống hiệp nhất và cầu nguyện. Mỗi người Kitô giáo là một chứng nhân rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa cho mọi người. Rao giảng tin mừng không phải bằng cách ra đi chổ này chổ khác, tập họp mọi người lại để giảng dạy như Chúa Giêsu ngày xưa, rao giảng tin mừng là làm gương bằng chính đời sống của mình. Truyền giáo bằng chính đời sống bác ái, phục vụ tha nhân, bằng chính lòng khiêm nhường, lòng khoan dung và yêu mến hết thảy mọi người. Từ chính cuộc sống của mình mà người khác nhận ra có Chúa đang hiện diện, và đạo công giáo là đạo của đời sống.

Tôi có chơi thân với nhiều người bạn khác tôn giáo, tôi có mong muốn là được mang tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho mọi người, cho các bạn của tôi. Tôi không cần phải giảng giải, năn nỉ hay gây áp lực tranh cãi, ép buộc các bạn của tôi tin Chúa. Tôi chỉ cần sống sao cho thật tốt, thật đáng yêu với mọi người để từ đó qua bản thân tôi các bạn của tôi nhận ra rằng : Người công giáo là người có đời sống tốt và đạo đức và hãy sống như người công giáo. Như thế là tôi đã mang niềm tin và mang Chúa đến cho những người bạn. Hằng ngày lời Chúa luôn thôi thúc tôi : “ Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì trước tiên hãy làm điều đó cho người ta” ( Luca, chương 9 câu 31). Tôi muốn những người bạn của tôi sống chân thành và yêu mến tôi, thì trước tên tôi phải sống chân thành và yêu mến mọi người.

Chúa Giêsu nói : “ thiên đàng ở chính trong lòng ta, địa ngục cũng chính do lòng ta mà có”.

Trong cuộc sống ngày nay nếu đem lời Chúa ra thực hành thì ta thấy có nhiều điều rất hợp và rất hay. Chúa dạy : “ Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người đầy tớ phục vụ mọi người”( Macco, 9. 35). Ngẫm ra lời Chúa cũng như lời Bác Hồ nói : “ cán bộ nhà nước phải là người đầy tớ của dân”. Tấm gương mà tôi thấy rỏ nhất chính là những người trong Hội đồng mục vụ giáo xứ của tôi. Họ sống hết mình vì giáo dân, sẵn sàng bỏ công việc nhà để làm “đầy tớ” lo lợi ích cho giáo dân. Họ đã sống đúng như lời Chúa dạy.

Qua Kinh Thánh ta thấy được tình thương bao la vô bờ bến của Thiên Chúa, ngài thương hết thảy mọi người không hề phân biệt đó là dân ngoại hay dân của ngài. Tình thương của ngài dành cho dân ngoại giáo đôi khi còn nhiều hơn cả dân Do Thái. Ta có thể thấy được điều đó qua các dụ ngôn : người con hoang đàng, con chiên lạc, bà góa đánh mất đồng tiền… Thiên Chúa đã sinh ra loài người giống hình ảnh ngài, do đó không có lí do gì để người công giáo phân biệt với người ngoại giáo. Hết thảy người công giáo đều sống tốt và sống hòa hợp với mọi người khác tôn giáo. Người công giáo quan niệm rằng những người không tôn giáo hay ngoại giáo chẳng qua vì họ chưa nhận ra được tình thương bao la của Chúa chứ không phải người ta sai lầm trong cuộc sống. Có nhiều người không phải là người công giáo nhưng người ta có một đời sống rất tốt và đó cũng là hình ảnh của Thiên Chúa và những người đó vẫn được vào nước thiên đàng.

Đạo công giáo là chổ dựa vững chắc về tinh thần cho mọi người, vì đạo công giáo có hứa đến một cuộc sống ở đời sau trên nước thiên đàng. Đạo công giáo cũng là chổ dựa vững chắc cho những ai đang gặp bước gian truân và thử thách trong cuộc sống, là niềm ủi an cho những ai đang xui tay thất vọng. Thiên Chúa là tình yêu, ngài bao dung tất cả những ai chạy đến cùng ngài. Ngài yêu thương những lỗi lầm mà con người đã phạm và mong muốn giải thoát con người khỏi tội lỗi.

Ban biên tập
Thông tin khác:
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với đồng bào theo đạo Thiên Chúa (25/06/2009)
VĂN HÓA & NIỀM TIN: TRANG NHẬT KÝ RẤT RIÊNG TƯ TRONG NGÀY THƯƠNG BỐ (23/06/2009)
'ÊM, CHẬM, SÂU, ĐỀU' (23/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log