Văn hóa nghệ thuật

Thánh nữ Cecilia

Cập nhật lúc 09:28 06/03/2017
Thánh nữ Cecilia
Thánh nữ Cecilia

     Thánh nữ Cecilia người Italia, sinh khoảng năm 177 trong một gia đình quý tộc. Từ nhỏ, bà đã có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và tự sáng tác rất nhiều bài thánh ca, ca ngợi Chúa, Đức Mẹ. Bà đã khai triển một ngành nghệ thuật mới đó là thánh nhạc. Đến tuổi trưởng thành, bà đã được giới thiệu để đính hôn với một người ngoại giáo quý tộc, giàu có tên là Valerian. Bà cầu nguyện và thuyết phục bằng được Valerian trở lại đạo. Thậm chí cả em trai chồng là Tibertius cũng đồng ý cải sang đạo Công giáo.

     Ngày tổ chức lễ cưới, người ta ngạc nhiên thấy trên trời réo rắt tiếng đàn ca. Trong âm thanh ngọt ngào đó bà chắp tay cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ trái tim và thân thể con được trong sạch để con không phải hổ thẹn. Chúa đã nhận lời bà. Bà thuyết phục được chồng cam kết để bà giữ đồng trinh.

     Thời gian đó, nhà cầm quyền La Mã cấm đạo gắt gao. Vợ chồng bà vừa phải giúp các tín hữu trốn tránh lùng bắt của quân quan. Bà cũng giúp đỡ những người nghèo khổ đến xin giúp đỡ. Nhà của bà được hiến cho Giáo hội có nơi cầu nguyện bí mật. Bà cũng đi xin xác những tín hữu bị giết đem chôn cất chu đáo. Quan Tổng trấn Anmatio phát hiện vợ chồng bà giúp đỡ các tín hữu trốn tránh liền bắt cả hai và tiến hành xử tử. Bà bị bắt vào nhà tắm, thả nước ngập để bà chết ngạt. Một ngày, chúng mở ra thấy bà chẳng hề hấn gì liền dùng dao chém đứt đầu nhưng chém ba nhát bà chỉ bị thương ở cổ. Quan liền cho dùng chiếc búa vàng rất sắc để chém nhưng cũng chỉ làm cổ bà đứt một phần gây đau đớn cho bà cả ngày. Do mất nhiều máu, bà đã tử đạo vào khoảng năm 210. Quan, lính hoảng sợ quẳng cả búa vàng để chạy vì nghĩ bà là người được thần linh che chở.

     Giáo dân liền đưa xác bà đi chôn cất ở Catocomb gần Calistus. Bảy thế kỷ sau, Đức Giáo hoàng Pascal I (817-824) muốn di chuyển thi hài thánh nhân về quảng trường Trastevere ở Rôma. Ngài cho tìm mộ thánh nhân nhưng không tìm được. Phải mất nhiều công khám phá, người ta mới tìm thấy mộ được làm bằng đá cẩm thạch. Mở quan tài đá ra, thấy thi hài thánh nhân được bọc trong một chiếc lưới vàng và vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí vết máu ở cổ vẫn còn đỏ và như vừa mới chảy ra chưa kịp khô. Thi hài thánh nhân được mau chóng chuyển về cùng với thi hài Đức Giáo hoàng Urbaanas, Culcius và cả ông Valerian chồng bà. Tất cả được đặt dưới bàn thờ thánh Cecilia ở Trastener.

     Đến năm 1599, khi sửa chữa nhà thờ, người ta lại phải đào quan tài thánh nhân một lần nữa. Người ta vẫn thấy thi hài bà còn nguyên vẹn và chiếc búa bằng vàng đặt bên cạnh. Bà nằm nghiêng, mặt sấp xuống đất. Người ta kéo nhau tới chiêm ngưỡng thi hài bà đông tới mức tắc nghẽn không thể đi lại được. Đức Giáo hoàng Clemente đã phải huy động cả cấm vệ binh Thụy Sĩ tới giữ trật tự và làm chiếc quan tài bằng bạc, mạ vàng để cất giữ thi hài thánh nhân. Ngài cũng nghiêm cấm không được khảo cứu, khai quật mộ thánh nhân nữa. Đồng thời tổ chức trọng thể lễ vinh nhân thánh nữ Cecilia đồng trinh tử đạo vào ngày 22/11/1599. Ngày này được cả Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Chính Thống giáo dùng để tôn kính thánh nhân.

     Nhà điêu khắc thời danh Stefano Maderno (1566-1636), người đã điêu khắc chiếc đài phun nước ở quảng trường thánh Pherô đã tạc bức tượng thánh nhân bằng đá hoa cương (ảnh dưới) theo đúng như ông nhìn thấy trong mộ. Ông khắc trên bệ tượng dòng chữ: Hãy nhìn ngắm di hài của một thánh nữ vĩ đại, Cecilia. Tôi đã làm tác phẩm này để nói về hình ảnh mà tôi đã nhìn thấy tương tự.

 
Tượng cẩm thạch Thánh nữ Cecillia
Tượng cẩm thạch Thánh nữ Cecillia

     Ngày nay, người ta đã xây một Vương cung thánh đường Cecilia ở quê hương bà. Bà được tôn vinh là quan thày của tất cả giới nhạc sĩ Công giáo và giới ca sĩ cũng như nhiều ca đoàn Công giáo. Hình ảnh của bà thường thấy gắn liền với các nhạc cụ như cây dương cầm hay cây violon như ảnh trên của họa sĩ Gegorge Romney.
 
BÍCH HẢI
Thông tin khác:
Chiếc đĩa cổ giá gần 27 triệu USD (01/03/2017)
Đất với người (27/02/2017)
Cảm xúc miền đất thánh (23/02/2017)
Thánh nữ Cartarina thành Siena (22/02/2017)
Cảm xúc miền Đất thánh (20/02/2017)
Thánh Vinhsơn (13/02/2017)
Nhà thờ Thất Tinh với những dấu ấn Chúa làm (10/02/2017)
Dòng sứ trứ danh một thời (18/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NGHI THỨC RẢY (06/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log