Văn hóa nghệ thuật

Tiết lộ bức tranh 4600 tuổi được mệnh danh là "Mona Lisa của Ai Cập cổ đại"

Cập nhật lúc 16:04 25/03/2021
Kim tự tháp tại Meidum. Ảnh: CTV
Kim tự tháp tại Meidum. Ảnh: CTV

Trong Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo đang lưu giữ bức tranh có niên đại 4.600 năm, có tên “Meidum Geese” (tạm dịch: Những con ngỗng Meidum). Tác phẩm này từng được dùng để trang trí trên tường của nhà nguyện thuộc Mastaba (từ chỉ mộ cổ ở Ai Cập) của Nefermaat (hoàng tử và tể tướng tại Vương triều thứ 4 trong lịch sử Ai Cập cổ đại) và vợ ông, phu nhân Itet, ở kim tự tháp Meidum, cách Cairo khoảng 100 km về phía Nam.

Chuyên gia khảo cổ Anthony Romilio của Đại học Queensland (Úc) đã tiến hành phân tích và xác định tác phẩm nghệ thuật cổ mô tả một loài ngỗng đã tuyệt chủng và chưa từng được biết đến trước đây. Ông khẳng định, loài vật họ chim này “độc nhất vô nhị”, với màu sắc và hoa văn đậm nét riêng biệt.



Loài ngỗng cổ này có các mảng màu đỏ, đen và trắng trên mặt; cánh màu xám với các vết trắng; phần ngực màu đỏ lốm đốm khác biệt với những con ngỗng ngực đỏ hiện đại.

Ngoài ra, hai loài thủy cầm khác cũng xuất hiện trong bức tranh, có thể là ngỗng ngực trắng và ngỗng đậu hoặc ngỗng xám. Những con vật được vẽ thành hai bộ ba, đại diện cho nhiều loài chim. Được biết, các mẫu số của 3 trong biểu tượng Ai Cập cổ đại đại diện cho số nhiều.

Tiến sĩ Romilio cho biết, bức “Meidum Geese” gây tiếng vang rất lớn kể từ khi được phát hiện vào những năm 1800, được mệnh danh là “Mona Lisa của Ai Cập cổ đại”.

“Rõ ràng không ai nhận ra bức tranh mô tả một loài chưa từng được biết đến. Sai lệch trong nghệ thuật có thể giải thích cho sự khác biệt với ngỗng hiện đại. Nhưng tác phẩm này mô tả cực kỳ chân thực về các loài chim và động vật có vú khác”, ông nói.

Theo Romilio, xương của ngỗng ngực đỏ hiện đại, hay Branta ruficollis, chưa từng được ghi nhận tại bất kỳ địa điểm khảo cổ Ai Cập nào. Tuy nhiên, xương của một loài chim tương tự với loài trong tranh, nhưng không giống hệt nhau, đã được tìm thấy trên đảo Crete, Hy Lạp. “Từ góc độ động vật học, tác phẩm của Ai Cập là tài liệu duy nhất về loài ngỗng có hoa văn đặc biệt này, hiện nay dường như đã tuyệt chủng trên toàn cầu”, ông nhấn mạnh.

Chuyên gia đến từ Úc cho rằng, phát hiện này giúp củng cố đáng kể giả thiết Ai Cập không phải lúc nào cũng bị sa mạc bao phủ, thay vào đó là “một lịch sử đa dạng sinh học, phong phú với các loài đã tuyệt chủng”.

Ông tin tưởng, nền văn hóa Ai Cập cổ đại xuất hiện khi Sahara xanh tươi, được bao phủ bởi đồng cỏ, hồ nước và rừng cây. Nơi đây từng đông đúc các loài động vật đa dạng, nhiều loài trong số đó được mô tả trong các ngôi mộ và đền thờ. Đáng tiếc, khoa học ngày nay chưa xác định được nhiều loài sinh vật cổ.

“Nghệ thuật cung cấp cái nhìn sâu sắc về văn hóa, đồng thời cũng là tài liệu đồ họa có giá trị về các loài động vật chưa từng biết đến ngày nay. Chúng bao gồm tiền thân của gia súc hiện đại – bò rừng châu Âu, các dạng linh dương hươu chưa biết trước đây, Oryx, linh dương và lừa. Những đại diện động vật cổ đại này giúp chúng ta nhận ra sự đa dạng sinh học hàng nghìn năm trước đã cùng tồn tại với con người. Tôi xem đó cũng là một lời nhắc nhở về ảnh hưởng của con người đối với sự tồn tại của các sinh vật sống với chúng ta ngày nay”
 
TL
Thông tin khác:
Hai thắng cảnh chùa Hương (25/03/2021)
Bình yên ở Lung Ngọc Hoàng (22/03/2021)
Trở nên đền thánh mới (19/03/2021)
Một chuyến thăm nhà thờ núi Nha Trang (10/03/2021)
Bảo tàng hấp dẫn (08/03/2021)
Thắng mọi cơn cám dỗ (05/03/2021)
Phú Quốc, Côn Đảo (01/03/2021)
Bệnh của anh biến khỏi (26/02/2021)
Ngày Tết cùng nhau đọc lại bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ (23/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log