Ba quyển sách này là tập hợp các tản văn, hầu hết đã được tác giả gởi đăng trên các báo. Tập “Sài Gòn thương và nhớ” in lần này như một phiên bản mới của “Sài Gòn đi và nhớ” đã được xuất bản từ năm 2010, 2013, với sự chọn lọc lại và bổ sung thêm các bài mới. Nếu như quyển này gồm những bài viết về từng ngóc ngách Sài Gòn thời tác giả còn rất trẻ thì hai tập tản văn còn lại, xen lẫn đâu đó hình ảnh người cầm bút đã qua tuổi tri thiên mệnh, như bà tâm sự ở Lời nói đầu: “...giờ như người đứng bên đường nhìn con tàu thời gian lướt qua mình và chứng kiến Sài Gòn thay đổi từng ngày mà lòng rưng rưng ngậm ngùi cho những gì quen thuộc dần trôi mất”.
Nói về phong cách viết trong tập “Sài Gòn thương và nhớ”, cũng là văn phong chung của Nguyễn Ngọc Hà trong các quyển về Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận định: “Cuốn sách nặng về tản mạn cảm xúc cá nhân, hơn là sưu tầm tư liệu - có lẽ cũng không phải là thế mạnh của tác giả. Không có nhiều chú thích, dẫn giải về nguồn gốc, về lịch sử như nhiều sách cùng dòng. Đọc như được nghe một người bạn ngồi thủ thỉ kể, để cùng nhớ, cùng cảm động, cùng thấy yêu hơn một vùng đất đặc biệt của quê hương, nơi gắn liền với bao biến động lịch sử suốt mấy trăm năm hình thành. Và gắn liền với riêng bao số phận con người ở nơi đất lành chim đậu”.
Đọc để tìm về một Sài Gòn xưa cũ, để thấy hình bóng mình của ngày đã qua; đó cũng là tâm tư tác giả muốn gởi gắm đến độc giả, không những với cư dân Sài Gòn thế hệ 5X, 6X, mà cả người không phải dân gốc nơi đây nhưng được thành phố này cưu mang, cũng như những ai từng một lần ghé qua hay đã từ Sài Gòn ra đi.
PHAN NHI
Nguồn Báo Công giáo và Dân tộc