Lễ giỗ Tổ nghề may tại làng Trạch Xá |
Tỉ mỉ từng mũi chỉ Làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá với tuổi đời hơn 1000 năm. Áo dài Trạch Xá xuất thân mang một nét thanh cao nhưng vẫn giữ nét bình dị đến lạ thường. Tổ nghề của làng áo dài truyền thống Trạch Xá là tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Sen. Những ngày còn ở trong cung, bà là người khởi xướng việc dạy cung nữ cách thêu thùa, may vá. Sau này khi rời cung về làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bà đã cảm mến sự khéo léo và cần cù của người dân nơi đây mà truyền lại nghề may áo dài. Cứ thế, từng đường kim, mũi chỉ được hoàn thiện, tạo nên chiếc áo dài và làng nghề Trạch Xá lâu đời.
Áo dài Trạch Xá đặc biệt nhờ những tà áo mềm mại, thướt tha. Để có được một chiếc áo dài thực sự đòi hỏi những sự tỉ mỉ, chăm chút trong từng công đoạn. Ông Nghiêm Văn Đạt với hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng chưa từng bỏ qua từng chi tiết nào trong mỗi một công đoạn để làm nên một chiếc áo dài.
Để cắt may được một bộ áo dài đẹp, người nghệ nhân phải lấy so đo một cách chi tiết, cụ thể nhất. “Đầu tiên phải lấy số đo ở cổ, vai, ngực, eo, rồi đo chiều dài tà áo cho phù hợp. Công đoạn chọn chất liệu vải và họa tiết trang trí cũng rất quan trọng. Vải phải vừa có độ thoáng mát, mỏng nhẹ mà vẫn thướt tha.
Bà Dung- chủ cửa hàng áo dài An Trạch đã 30 năm gắn bó với nghề có con mắt nhìn chính xác đến mức nhiều khi chỉ cần nhìn người là biết số đo ra sao, phải tăng hay giảm số đo ở phần eo, cổ, bắp tay để có được chiếc áo dài đẹp nhất. Theo bà Dung, trước đây, một ngày có khi chỉ làm được 2-3 chiếc áo dài, do mất nhiều thời gian cho việc may và khâu tà áo. Hiện tại, công nghệ may phát triển hơn đã rút ngắn thời gian làm áo dài. Tuy nhiên, công đoạn khâu tà áo vẫn phải bắt buộc làm bằng tay, “nhìn chiếc áo dài phải ngang canh, thẳng sợi”.
Người Trạch Xá sử dụng kỹ thuật khâu tay thẳng (hay còn gọi là khâu luồn). Kỹ thuật đặc biệt này sẽ giúp dáng áo mềm mại, người mặc áo khi di chuyển cũng thướt tha hơn theo từng bước đi. Kỹ thuật khâu này phải học đến vài tháng mới có thể thành thạo. Chỉ có khâu tay thẳng thì từng mũi chỉ mới đều, không bị lộ và tạo được độ mềm mại cho tà áo. Người học phải khâu tà áo đạt đến trình độ khâu tà áo sao cho “trong trứng hồ, ngoài phô trứng nhện”. Nghĩa là phải khâu tà áo thật khéo, để khi lật bên trong như giấy được dán hồ, nhìn từ bên ngoài, từng mũi chỉ nhỏ như trứng con nhện. Thậm chí dùng chỉ trắng mà khâu trên vải đen cũng không sợ bị lộ đường khâu.
Làm áo dài là làm nghệ thuật Áo dài Trạch Xá không chỉ đơn giản là một sản phẩm may mặc. Người làm ra nó không chỉ đặt vào chiếc áo dài thời gian, công sức, mà còn là tình cảm, đam mê. Áo dài cũng được trân quý như một tác phẩm nghệ thuật mà không phải cứ lao lực tay chân là có thể làm một sản phẩm đẹp. Người nghệ nhân đã và đang dùng tình yêu, sự nhiệt huyết của họ để thổi hồn vào mỗi sản phẩm áo dài Trạch Xá. Những mũi kim thoăn thoắt cứ lên xuống từng lớp vải lụa giống như ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.Cho đến nay, làng nghề áo dài Trạch Xá chưa từng bị mai một, vẫn còn đó những nét truyền thống giữ vô vàn các trào lưu hiện đại. Với tinh thần đó, mỗi khi nhắc tới áo dài, địa danh Trạch Xá lại được gọi tên như một tiềm thức.