Gương điển hình

Lớp học Kinh Thánh giữa lòng đô thị

Cập nhật lúc 22:42 21/01/2019
Hơn 3 năm qua, đều đặn vào mỗi tối thứ 5 hằng tuần, lớp học Kinh Thánh tại nhà nguyện Đắc Lộ, dòng Tên (Q.3), do cha Antôn Nguyễn Cao Siêu phụ trách đã thu hút nhiều giáo hữu nhiệt thành đến học hỏi Lời Chúa.
Lớp học thu hút đông đảo học viên đến học hỏi Kinh Thánh

Chia sẻ về ý tưởng mở lớp học này, cha Antôn cho biết mọi việc làm đều được Chúa mời gọi qua những người khác: “Năm 2014, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm có ngỏ lời mời tôi tiếp tục chương trình dạy Kinh Thánh cho giáo dân, và tôi theo cho đến bây giờ. Bên cạnh đó, là người được đào tạo về thần học Thánh Kinh, tôi cũng muốn trả ơn Chúa. Nhận thấy nhiều người Kitô hữu còn quá thờ ơ với việc đọc và đào sâu bản văn Tin Mừng, nên hy vọng lớp học này sẽ giúp các học viên đọc và hiểu sứ điệp của Phúc Âm một cách chắc chắn, từ đó đem áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống”.

Học viên đến với lớp học bao gồm nhiều thành phần, không chỉ có giáo dân mà có cả những tu sĩ cũng đến để hiểu sâu hơn về Lời Chúa. Tuy không hề quảng bá nhưng lớp học vẫn thu hút một số lượng khá đông người học bền bỉ theo lớp hơn ba năm qua. Cô Phạm Thị Mai Hương (Gx Thánh Gia), người thường phụ giúp những công việc trong lớp học cho biết:“Những ngày đầu lớp học có khoảng 150 người, đến bây giờ duy trì đều đặn xấp xỉ 100 học viên”. Có những học viên ở xa, như tại Thủ Đức, tối thứ năm nào cũng bắt xe buýt đi học vì tuy đường sá cách trở nhưng càng học, càng hiểu được Lời Chúa qua bản văn Kinh Thánh thì say mê lúc nào không hay.

Học viên chăm chú ghi chép

Dễ dàng nhận thấy, hầu như nhà nào cũng có ít nhất là một cuốn Tân Ước, nhưng hiếm khi mở ra đọc, lâu ngày để bụi bặm bám vào. Vấn đề là làm sao để cho giáo dân cảm thấy thích, hiểu và thú vị với việc đọc Kinh Thánh. Cha Antôn chia sẻ: “Không có cách nào khác phải gợi hứng cho họ, phải để cho họ động chạm đến cuốn Kinh Thánh, lật mở, đọc, suy nghĩ tìm ý Chúa sau lớp vỏ ngôn từ”. Từ đó, cha có cách dạy riêng, mỗi buổi học đi sâu khám phá nội dung một bài Phúc Âm Chúa nhật, cha đề ra 10 câu hỏi, chủ ý gợi mở để giáo dân muốn đi học, muốn hiểu bài bắt buộc phải cầm cuốn Kinh Thánh lên để tìm câu trả lời. Đến lớp, lần lượt từng câu hỏi sẽ được chính người học thay phiên nhau trả lời, mỗi người đóng góp một ý, có đúng, có sai, và cha sẽ là người hướng dẫn giúp họ hiểu đúng ý của tác giả bản văn. Kết thúc buổi học đều có câu hỏi cho tuần sau. Cách học tại lớp của cha buộc giáo dân phải đọc và tìm câu trả lời. Câu hỏi đi từ dễ đến khó, xoáy vào những câu, những chữ trong bản văn, tìm điểm nhấn và ý chính từ đó nội dung của toàn bài Phúc Âm sẽ sáng rõ dần. Chị Nguyễn Thị Nhi Thanh, một học viên “kỳ cựu”, tâm sự nhờ cách học này mà chị theo lớp từ lúc mới bắt đầu đến bây giờ: “Phương pháp của cha Siêu làm cho đoạn Tin Mừng trở nên sống động và dễ hiểu. Những khi phải vật lộn với bản văn để tìm câu trả lời, mình đều xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn”.

Tham dự viên được đóng vai trò tích cực, chính họ là người khám phá, được lên tiếng nói, chia sẻ ý kiến. Vì thế, dù là học Kinh Thánh nhưng buổi học lúc nào cũng nhẹ nhàng vui vẻ, và tràn ngập tiếng cười”, cha Antôn nói. Gần 2.000 câu hỏi Phúc Âm đã được đặt ra cho lớp trong hơn 3 năm qua. Theo chia sẻ của cha Antôn, trước khi soạn bài, cha đều cầu nguyện trước Thánh Thể, vì thế ngài cảm nhận được ơn Chúa luôn soi sáng và gìn giữ.

Tích cực đóng góp câu trả lời

Tuy khá kỳ công, mất thời gian nghiền ngẫm, có khi phải đối chiếu nhiều văn bản, nhưng những ai theo học, khi đã “nếm” được cái hay của Lời Chúa thì đều thích thú và kiên trì. Quan trọng hơn cả là luôn có một câu hỏi suy niệm cuối bài học để giáo dân tự quy chiếu về bản thân, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh mà bản văn nói tới rồi tự vấn mình sẽ làm gì, sẽ hành xử ra sao? Khi đã hiểu được những bài học mà Chúa muốn dạy qua các ghi chép của thánh sử rồi thì một tuần sau đó người học sẽ dễ dàng áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày. Chị Bảo Trâm giãi bày, khi đã hiểu cặn kẽ và hiểu Lời Chúa rồi thì thấy mình như được biến đổi: “Cách học này giúp mình đào sâu Lời Chúa qua 3 lần, lần đầu soạn bài tìm đáp án, lần thứ 2 trả bài trên lớp, lần thứ 3 đi lễ Chúa Nhật nghe cha giảng. Nhờ vậy mà Lời Chúa thấm nhập sâu vào tâm hồn giúp mình hiếu biết đúng đắn và sống đạo thêm sốt mến”.

Nói về lớp học của mình, cha Siêu vui vẻ: “Dạy giáo dân cũng có niềm vui riêng, những ai đến lớp học thì họ đều có thiện chí và ham học hỏi. Chỉ mong là sau khi học xong, giáo dân vẫn giữ được thói quen đọc Sách Thánh, để rồi sống đạo và thực hành Lời Chúa có chiều sâu hơn”.

NHƯỢC  NAM
(cgvdt)

Thông tin khác:
Người đàn ông chăm sóc hai mẹ già (18/01/2019)
43 năm phục vụ người Hồi giáo nghèo Bangladesh (12/01/2019)
Mỗi phần quà là một tấm lòng sẻ chia (09/01/2019)
Chia sẻ cùng Mường Lát (26/11/2018)
Hai danh nhân họ Trần (05/11/2018)
Chuyện "cổ tích" thời hiện đại (30/10/2018)
Hai danh nhân họ Hồ (30/10/2018)
Người đàn ghitar cuối cùng (30/10/2018)
Chứng từ cảm động của một người trẻ đồng hành với bệnh nhân trẻ ung thư giai đoạn cuối (16/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log