Gương điển hình

Công giáo với y học dân tộc

Cập nhật lúc 10:35 18/02/2019
Cố Lương y Giuse Nguyễn Tham Tán.
1. Công giáo với y học dân tộc
Khi các nhà truyền giáo châu Âu sang Việt Nam, họ cũng mang theo lối chữa bệnh theo phương pháp Tây y. Khi tôn giáo này có mặt ở kinh thành Thăng Long năm 1627, ít lâu sau đó ở Cầu Giền (Cầu Diễn ?) đã có nhà thương chữa bệnh cho người nghèo theo phương pháp Tây y. Linh mục Da Coxta người Pháp gốc Nhật Bản cũng là bác sĩ đã khám chữa bệnh ở Tuy Hòa từ năm 1671, được Giám mục Lambert de la Motte giới thiệu với chúa Nguyễn Hiền Vương (1648-1685) và chúa Nguyễn Vương (1666-1691) để vào khám bệnh cho nhà chúa. Năm 1669, linh mục Langerloi cũng là bác sĩ đến Đàng Trong và được chúa nhà Nguyễn cho xây dựng một nhà thương. Một linh mục bác sĩ khác là Vase được triệu vào phủ chúa để thăm khám bệnh vì các ngự y giỏi nhất cũng bó tay. Thời Minh Vương có hai giáo sĩ được phong ngự y đó là linh mục J.B Bonar, người Italia và linh mục Peret, người Bồ Đào Nha. Một linh mục khác cũng là bác sĩ tên là Sonar cũng xây dựng nhà thương ở Huế. Linh mục Cophiler là một bác sĩ và cũng là nhà thực vật ở Đàng Trong. Ngài rất có uy tín với chúa Võ Vương nên dù chúa Võ Vương cấm đạo ngặt nghèo, Cophiler cũng chỉ bị trục xuất về Bồ Đào Nha năm 1775 chứ không bị bắt theo luật bấy giờ.
Linh mục Alexandre de Rhodes, người có công công bố chữ Quốc ngữ ra thế giới năm 1651, mặc dù xuất thân từ giới trí thức phương Tây nhưng ngài rất coi trọng con người, văn hóa Việt Nam. Nhìn thấy những ông lang chữa bệnh ở nước ta thuở đó, nhà ai cũng có bàn thờ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Ngài viết: “Các lương y trong xứ này đều tôn thờ một vị y khoa tiến sĩ, người đầu tiên đã dạy cho loài người biết ngành y và mỗi lương y đều có một bàn thờ trong nhà”. Ngài ca ngợi tài năng của các lương y Việt Nam với phương pháp cổ truyền:
“Tôi có thể nói họ (các lương y-ND) chẳng thua kém các bác sĩ của ta và hơn nữa trong một vài môn, họ còn giỏi hơn ta nữa. Họ luôn dùng ba ngón tay để bắt mạch và thực ra họ rất thành thạo…Thuốc của họ không khó uống như thuốc của ta, hơn nữa không đắt tí nào. Bởi vì thứ đắt nhất cũng chẳng giá hơn năm xu”.
Một số thừa sai đã biết học và phát huy công dụng của thuốc Việt để chữa bệnh có hiệu quả hơn. Ví dụ bài thuốc “ngải đắng” nổi tiếng đã chữa cho chính vua Gia Long trong một vụ tai nạn bị bầm tím trán:
“Thuốc được bào chế chủ yếu là dứa rừng, củ nghệ và một số loại cây khác ngâm trong rượu gạo. Nhà vua đã nghe nói đến dược liệu này như là một thứ thuốc rất công hiệu đối với các vết thương và những nơi bầm tím. Vì thế ông ta đã cho bóp ngay vào những chỗ đau với sự đồng ý của thầy thuốc riêng đang chữa trị nội khoa”.
Vì lối chữa bệnh theo lối cổ truyền đơn giản mà nguyên liệu làm thuốc cũng rẻ tiền nên rất nhiều linh mục, tu sĩ đã học thêm nghề “thầy lang” vừa để chữa bệnh cho cộng đồng, vừa phục vụ cho công cuộc truyền giáo rất tốt nhất là trong những lúc xã hội có thái độ khó khăn với tôn giáo. Ngày nay ở giáo phận, dòng tu cũng có cơ sở khám chữa bệnh theo y học cổ truyền.
Nhân đây xin giới thiệu một người Công giáo có nhiều đóng góp cho y học cổ truyền của dân tộc. Đó là lương y Nguyễn Tham Tán- người sáng lập ra phương pháp chữa bệnh bằng cách tác động lên cột sống.
Phương pháp chữa bệnh bằng tác động cột sống (tức là dùng tay ấn, vê, day, vuốt lên cột sống gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống lưng, 5 đốt sống thắt lưng và 5 đốt sống xương cụt) hiện đã trở thành một phương pháp phổ biến, có ảnh hưởng rất lớn đến y học cổ truyền của nước nhà nhưng còn nhiều người chưa biết đến người sáng lập ra phương pháp đó là ai? Đó là lương y Giuse Nguyễn Tham Tán, một người Công giáo của tỉnh Phú Thọ.
Lương y Giuse Nguyễn Tham Tán sinh ngày 28/2/1915 tại Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Khi trưởng thành, thầy Tán được bầu là Chủ tịch xã. Có lần đánh bóng chuyền, bị ngã đau lưng không đi lại được. Một người bạn đến bẻ bão cho mấy cái. Thế là khỏi. Lần khác, thầy bị bệnh kiết lỵ, uống thuốc mãi cũng không khỏi. Người bạn kia đến bẻ bão cho, lại dứt bệnh. Thầy suy nghĩ, tại sao dân gian khi có bệnh hay lấy vôi, lá trầu chà xát lên lưng? Phải chăng, cột sống là nguồn gốc liên quan đến các cơ quan nội tạng và cả bệnh lý nữa. Thầy đi mua 9 con khỉ về mổ ra để nghiên cứu, rồi đọc sách của cha ông liên quan đến xoa bóp, day huyệt xương sống để chữa bệnh. Bệnh đầu tiên, thầy chữa là đau bụng. Lạ thay, ai bị bệnh đến cũng chỉ mấy lần xoa, day lưng là khỏi. Năm 1947, bệnh nhân đông quá, xã đề nghị thầy ra trạm xá để chữa. Người tỉnh khác đến phải có giấy giới thiệu của bệnh viện huyện.
Thầy không có sổ để bệnh nhân ghi lại cảm tưởng nhưng còn rất nhiều chuyện được lưu truyền trong dân gian như có phép thần kỳ. Cháu Tạ Văn Lý ở Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú bị liệt chân từ nhỏ chỉ bò bằng tay. Năm 13 tuổi đến thầy Tán điều trị. Chỉ 1 tháng, cậu Lý đã đi lại được, sau này còn đủ sức khỏe đi bộ đội rồi lấy vợ, sinh con khỏe mạnh. Anh Lý nhận thầy Tán làm cha nuôi. Một bà mẹ ở Sơn Tây đem đứa con gái bị câm lên cho thầy chữa. Một tuần hết gạo, về nhà lấy thêm. Khi bà mẹ trở lại đến ngõ nhà thầy Tán, cô con gái chạy ra gọi: Mẹ ơi!
Có mấy vị cán bộ khuyên thầy nên chữa những bệnh nhân nan y mà bệnh viện trả về thì uy tín mới cao. Thầy nhận chữa cho 5 bệnh nhân tim, bệnh viện đã từ chối. Người thì bị to tim, người hở van tim, xơ vữa động mạch lại bị huyết áp cao… Sau một tháng điều trị, tất cả các bệnh nhân đều thuyên giảm, sức khỏe ổn định trở lại. Ty Y tế Phú Thọ lập đoàn kiểm tra phương pháp chữa bệnh của thầy Tán do ông Trưởng Ty Y tế làm trưởng đoàn. Lúc đầu, ông Trưởng ty khẳng định, không thể chỉ dùng mấy ngón tay tác động lên lưng mà chữa được bệnh tim. Đến lúc chữa bệnh thuyên giảm, ông lại bảo: chắc lúc trước,bệnh viện chẩn đoán sai. Thầy Tán nghe vậy, nổi giận, quyết đốt sách vở và không khám bệnh nữa. Nhưng bà Đặng Thị Loan- vợ thầy phải khuyên giải mãi, thầy mới tiếp tục hành nghề. 
Tiếng lành đồn xa, sau khi Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn kiểm tra xác nhận, thầy Tán được ông Trường Chinh- Tổng Bí thư và ông Phạm Văn Đồng- Thủ tướng mời về Hà Nội chữa cho cán bộ cao cấp. Thầy Tán chữa cho Đại tướng Hoàng Văn Thái bị liệt một tay, đã đi chữa khắp nước và qua cả Đức chữa 6 tháng cũng không khỏi. Chỉ bằng cách day huyệt cột sống mà thầy Tán đã giúp cho Đại tướng có thể chơi bóng bàn trở lại. Bà Cúc- phu nhân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bị bệnh thần kinh, không nhận ra người thân, không tự phục vụ được sinh hoạt của mình. Thầy Tán xem bệnh và nhận chữa. Sau một thời gian, bà Cúc đã hồi phục trí nhớ, tự phục vụ mình được. 
Ông Nguyễn Đức Thuận - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động giới thiệu cho thầy Tán một chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng Cung văn hóa Hữu nghị. Ông này mắc căn bệnh lạ, 17 năm một mắt không nhắm được nên mắt rất rát và vợ ông cũng rất sợ, đang muốn bỏ. Thầy Tán chữa cho vị chuyên gia này. Ông nhắm mở mắt bình thường.  
Năm 1978, thầy Tán về Bệnh viện Bạch Mai, khoa Dân tộc học. Thầy nhận đề tài bệnh “Viêm cột sống dính khớp” do GS Đặng Văn Trung là chủ nhiệm. Một số bác sĩ khuyên thầy Tán nhận đề tài khác vì căn bệnh viêm cột sống dính khớp là bệnh nan y hiện y học chưa có giải pháp chữa hữu hiệu, sợ mất uy tín của thầy. Thầy Tán vẫn nhận. Kết quả chữa bệnh đạt trên 90% trong đó có GS Vũ Tuyên Hoàng bị rối loạn dây thần kinh thực vật mà 20 năm sau vẫn không tái phát. Khi làm đề tài về “ Phục hồi sữa mẹ” do GS Nguyễn Tài Lương là chủ nhiệm, thầy Tán cũng đạt kết quả nghiệm thu cao với 90%. Trong thời gian ở bệnh viện Bạch Mai, thầy Tán đã điều trị cho 847 bệnh nhân với 23 loại bệnh liên quan đến đủ các cơ quan nội tạng. Kết quả đạt từ 87-90%. Trường y học Tuệ Tĩnh đã mời thầy Tán về dạy cho 11 lớp về phương pháp chữa bệnh bằng tác động cột sống. 
Năm 1991, Liên Xô mời thầy Tán sang để chữa bệnh cho một số cán bộ cao cấp. Trong 3 tháng, thầy đã chữa cho 210 bệnh nhân. 
Thầy đã để lại hơn 500 bài thuốc chữa các bệnh trong cơ thể người trong đó có 54 đề tài đã được kiểm nghiệm đánh giá có hiệu quả. Nhiều bài thầy đúc kết lại thành văn vần cho dễ thuộc. Ví dụ chữa đau đầu, mất ngủ:
Bệnh nhức đầu kèm theo mất ngủ
Thần kinh suy, trí nhớ giảm mau
Phải tìm nhiệt độ vùng đầu
Lướt xem cột sống, rối đau chỗ nào?
Thấp C6, 7 lồi cao và lệch
(tức đốt sống cổ số 6 và số 7 )
Đẩy gắn vào, hết sạch đau ngay
Nếu mà co cứng nhớ day cho mềm.
Những đốt lõm chớ nên ấn nữa
Chỗ lệch lòi mới chữa mà thôi.
Đình đầu đau nhức từng hồi
S1, 2, 3 chữa rồi nhẹ ngay.
Nếu mắt cứng nhớ day C1
Hồi hộp thì D1, 2, 3.
Bồn chồn nóng bụng ruột rà
Chữa ngay D6 ắt là ngủ yên.
Trí nhớ giảm chớ quên S4, 
Cùng C6, D7, 8 một lần.
Nếu vì táo bón ít phân,
L5, S1, 2 phải cần sửa ngay…
Ngày 4/1/1995, Trung tâm tác động cột sống Việt Nam được thành lập do thầy Tán làm Giám đốc và 9 GS, TS là Ủy viên. Ngày 26/4/2000, cụ Giuse Nguyễn Tham Tán được Chúa gọi về. Sau này, rất nhiều học trò của cụ thường xuyên mỗi dịp giỗ, Tết lại về dâng hương hoa tưởng nhớ công lao của cụ với y học nước nhà.
 
Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Người cựu chiến binh có tấm lòng nhân ái (15/02/2019)
Về Sơn La sau trận lũ lịch sử (15/02/2019)
Câu chuyện ngày cuối năm (14/02/2019)
“Giọt hồng” sẻ chia của vị mục tử (24/01/2019)
Lớp học Kinh Thánh giữa lòng đô thị (21/01/2019)
Người đàn ông chăm sóc hai mẹ già (18/01/2019)
43 năm phục vụ người Hồi giáo nghèo Bangladesh (12/01/2019)
Mỗi phần quà là một tấm lòng sẻ chia (09/01/2019)
Chia sẻ cùng Mường Lát (26/11/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log