Gương điển hình

Ba nữ anh hùng và ba nhà thơ lớn

Cập nhật lúc 06:05 10/11/2021
Từ năm 1961 đến năm 1965, tỉnh Hưng Yên được Nhà nước phong tặng cùng lúc ba nữ anh hùng nông nghiệp. Đợt phong ấy có những chi tiết khá lý thú là: Mỗi miền của tỉnh có một nữ anh hùng. Đầu tỉnh là huyện Khoái Châu có Lê Thị Lục, giữa tỉnh thuộc huyện Kim Động có Phạm Thị Vách, cuối tỉnh thuộc xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ (giáp Thái Bình) có Vũ Thị Tỵ. Ba chị thì hai chị ở giáp ngay sông Hồng, còn một chị ven sông Luộc. Thật là:
 
“Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng”
Tất cả: Sinh bên một dòng sông
(thơ Bế Kiến Quốc).

Nhà thơ Tố Hữu một lần đã đi đò qua sông Hồng sang bên kia sông thuộc xã Hùng Cường (Kim Động), gặp nữ anh hùng Phạm Thị Vách, ông viết:

“Giữa ngày xuân nắng trải mênh mông
Chúng tôi đi trên một bãi sông Hồng
Người con gái lượn quanh đồng hớn hở
Quê em đó, hàm răng em trắng nở...
Tôi muốn hỏi như một chàng thi sĩ
Ngẩn ngơ nhìn bát ngát dải phù sa.
Rằng: Trời đất, sông nước bao la
Và xuân đó, người đây, tự bao giờ đẹp vậy?”

Còn nhà thơ Xuân Diệu, vóc dáng cao to như người Tây, tóc xoăn “cuộn sóng biển Quy Nhơn” đặc vẻ trí thức thành thị, không ngần ngại, ông xách đôi dép cao su, băng đồng, lội bùn ra tận ruộng gặp Vũ Thị Tỵ rồi ông viết:
“Đất bốn mươi công trường
Có mồ hôi chị rỏ
Một năm mười tháng đi
Mở đất cho hoa nở”.

Còn nhà thơ Tế Hanh cũng về huyện Khoái Châu thăm đền Đa Hòa thờ “Chử Đồng Tử, nàng Tiên Dung” xưa, qua bến Hàm Tử thăm chị Vũ Thị Lục, đang chăm tỉa đay trên đồng, ông viết bài thơ “Đay” bằng thể lục bát với bốn câu trữ tình, giàu hình ảnh:
 
“Trăng vàng, trắng muốt hoa đay
Nghìn đôi bướm đậu, gió lay rì rào
Cánh đồng lấp lánh trời cao
Lúa ngâm chân nước, đay cao tựa rừng”.

Dưới tên mỗi bài thơ, các nhà thơ đều có dòng đề tặng tên anh hùng mà mình viết. Các nhà thơ đều cao to hơn các chị nhiều, chị Tỵ, chị Vách, chị Lục thảy người đều bé nhỏ. Ba nữ anh hùng nhỏ đã gặp ba nhà thơ lớn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) năm xưa ấy- để chúng ta có những bài thơ viết về “Người thật việc thật” lại có tính nghệ thuật- bởi ba nhà thơ đã thực sự xuống đồng: Chân lội bùn non, tay cầm dép lốp một thời đi thực tế. Về với nông thôn, đến với nông dân ở một tỉnh Hưng Yên thuần nông trước đây mười năm chín hạn! Thời kỳ đó Hưng Yên là một tỉnh làm thủy lợi giỏi nhất miền Bắc một năm hai lần Bác Hồ về thăm. Và một năm 3 nữ nông dân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động nông nghiệp và là ba nữ anh hùng được đón ba nhà thơ nổi tiếng về gặp gỡ trực tiếp và làm thơ tặng các chị “anh hùng”
 
Từ trái qua phải Anh hùng Lao động Vũ Thị Tỵ , Phạm Thị Vách (người đứng bên trái) trong cuộc sống đời thường và Vũ Thị Lục. Ảnh: TL
Từ trái qua phải Anh hùng Lao động Vũ Thị Tỵ , Phạm Thị Vách (người đứng bên trái) trong cuộc sống đời thường và Vũ Thị Lục. Ảnh: TL
Thông tin khác:
Cơm không đồng nhưng đầy tình yêu thương tại nhà thờ Kinh Long Hội (03/11/2021)
Nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái (02/11/2021)
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam (01/11/2021)
Đôi bạn nên thánh: Alberto Michelotti và Carlo Grisolia (27/10/2021)
Đại sứ quán Đài Loan cạnh Toà Thánh tặng 300 túi ngủ cho Caritas Ý (26/10/2021)
Thánh Antôn Maria Clarét, Giám mục (24/10/2021)
Xăng 0 đồng, sửa xe xuyên đêm giúp người miền Tây về quê (23/10/2021)
Danh nhân đất Việt (23/10/2021)
Phụ nữ Bình Xa làm theo lời Bác (22/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log