Ông Đặng Văn Việt tặng cuốn hồi ký “Đường số 4 rực lửa” cho độc giả. Ảnh: Minh Thu |
Đặng Văn Việt (1920 -2021) quê làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là một Trung tá Quân đội ta, nguyên là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên. Ông từng được người Pháp mệnh danh là “Hùm Xám đường số 4” do có chiến tích cao trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950… Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, Đặng Văn Việt cùng một số bạn hữu rời trường Y Hà Nội nơi mình đang học vào Huế tham gia Việt Minh. Ngày 17/8/1945, ông cùng người ông Cao Pha được giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trước Ngọ Môn, đánh dấu Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền thành công tại Huế. Ngay sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông tham gia quân đội và trở thành một trong những chỉ huy giỏi, do có nền tảng kiến thức tổng quát và quân sự cơ bản được đào tạo. Lúc đầu, ông được chỉ định làm Phân đội trưởng Phân đội trấn giữ tại cửa Thuận An. Tại đây, ông đã chỉ huy bao vây chiếc tàu đầu tiên của Pháp định quay lại chiếm Huế, bắt sống một Đại úy Pháp, đại đội trưởng thuộc Trung đoàn do tướng Alessandri chỉ huy. Tiếp đến, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào 1945), rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào 1946). Sau đó, ông được điều ra Việt Bắc đánh Pháp thắng lợi trên mặt trận đường số 4... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá Đặng Văn Việt bằng ba cụm từ “Sáng tạo về quân sự, Vững vàng về chính trị, Đã đánh là thắng”. Đại tướng Chu Huy Mân ca ngợi “Đặng Văn Việt là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu”. Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận định: “Dù khó mấy Đăng Văn Việt cũng quyết đánh, quyết thắng”. Danh nhân Đặng Văn Việt còn để lại nhiều tác phẩm quí về quân sự, phục vụ quốc phòng.
Nguyễn Tài Thu (1931-2021) quê ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, là giáo sư, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân và Anh hùng Lao động. Ông nổi tiếng về lĩnh vực Đông y, đặc biệt là châm cứu, từng giữ các vị trí Phó Chủ tịch Hội châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam. Ông có quan hệ về khoa học kỹ thuật với 38 nước và là Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài. Với những thành tựu mà ông đã dày công nghiên cứu và ứng dụng, ông được mệnh danh “Ông vua châm cứu”, “Huyền thoại sống”, “Thần kim”. Những năm 1945-1946, ông mơ ước trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người bằng kim châm. Năm 1953 khi đang là sinh viên trường Y Hà Nội, ông được cử sang Trung Quốc học chuyên về Đông y trong 6 năm. Về nước, ông công tác tại nhiều bệnh viện quân đội và địa phương. Năm 1967, ông đi sâu nghiên cứu về châm cứu, bắt đầu dùng các cây kim có độ dài khác nhau để chữa bệnh. Năm 1968, ông đề xuất việc thành lập Hội Châm cứu của Việt Nam. Từ buổi đầu ấy, ông cùng cộng sự nhanh chóng phát triển được hàng chục ngàn hội viên, đào tạo hàng trăm cán bộ châm cứu trình độ sau đại học. Đến nay, hầu hết các bệnh viện trong cả nước có bộ môn Châm cứu. Viện Châm cứu Việt Nam do ông sáng lập từ tháng 4/1982 trở thành địa chỉ quen thuộc của giới khoa học châm cứu quốc tế. Danh nhân Nguyễn Tài Thu còn để lại nhiều tác phẩm quý về châm cứu và lý luận Đông y.