Alexandre Emile Joan Yersin (1863 - 1943) là một nhà thám hiểm, bác sĩ chữa bệnh mát tay, nhà vi khuẩn học, vị sĩ quan quân đội Pháp, người khám phá và khai sinh ra thành phố Đà Lạt mộng mơ và có công sáng lập ra Viện Nghiên cứu Pasteur Nha Trang ngày nay. Nhân kỷ niệm 130 năm (1891 - 2021) ngày ông đặt những bước chân đầu tiên đến miền đất Nha Trang sinh sống, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc đời của vị bác sĩ có lòng nhân ái, một bậc vĩ nhân suốt đời gắn bó với đất nước Việt Nam, đặc biệt là cư dân thành phố biển đến cuối đời. Dân chúng, thợ thuyền lao động coi ông là “công dân Nha Trang”, luôn tôn kính và yêu mến vì những sự nghiệp và công trình của ông lưu lại cho hậu thế.
Nhà bác học Alexandre Yersin – Công dân danh dự của Việt Nam. Ảnh: CTV |
1. Vài nét về cuộc đời bác sĩ Yersin Ông Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Thụy Sĩ, thân phụ ông tên Alexandre (1825 - 1863) là giáo viên môn Khoa học tự nhiên kiêm nhiệm chức quản kho thuốc súng và say mê nghiên cứu các loại côn trùng. Nhưng rất tiếc, người bố qua đời ba tuần lễ trước khi Yersin chào đời. Mẹ ông một mình nuôi ba người con thơ và dời về sinh sống ở Morges.
Thời niên thiếu, Yersin học tại Lausanne, đậu tú tài năm 1893. Sau đó ông theo ngành Y, kế đến thi đậu vào Đại học ở Marburg nước Đức, nên sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa, ông liền sang Berlin để kịp ghi danh học lớp vi trùng học do giáo sư Robert Koch (1843 - 1910) giảng dạy. Sau đó, Yersin đi Paris xin nhập quốc tịch Pháp. Vì lúc đó, chỉ có công dân Pháp mới được hành nghề y
Yersin gia nhập Viện Pasteur ở Paris mới được thành lập năm 1889, làm người cộng tác đắc lực với giáo sư Emile Roux (1853 - 1933) khám phá ra độc tố Bạch hầu. Để rồi năm 1890, ông quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương, với thư giới thiệu của bác sĩ Pasteur (1822 - 1895) gửi cho công ty Messageris Maritimes, nên Yersin được đề cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ từ tháng 9/1890 trên tàu Volga chạy bằng hơi nước trên tuyến đường qua lại giữa hai thành phố Manila và Sài Gòn. Lợi dụng sự đi lại và lúc rảnh rỗi, ông tự tổ chức các chuyến thám du ở Philippines và Nam kỳ Việt Nam. Trong thời gian này, gặp lại bạn học Albert Calmette (1863 - 1933), ông đề nghị hợp tác thành lập Viện Pasteur ở Sài Gòn vào năm 1891.
Tháng 6/1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Lanessan (1843 - 1919), Yersin tổ chức một đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Đồng Nai lên Di Linh và dịp này ông khám phá ra Cao nguyên Lâm Viên. Thời gian sau, đến thời Toàn quyền Paul Doumer (1857 - 1933) đã cho thiết lập nơi này thành khu nghỉ dưỡng dành cho người châu Âu. Đó là thành phố Đà Lạt sương mù ngày nay. Nơi đây còn được ông đưa hàng chục giống hoa mới, quý hiếm đến trồng trên miền đất này...
Trong khi Yersin đang chuẩn bị cho các cuộc thám hiểm kế tiếp thì bệnh dịch hạch đã buông phát ở miền Nam Trung Hoa và có chiều hướng lan truyền xuống Đông Dương. Ông liền được nhà nước thuộc địa Pháp cử đến Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch hạch. Và chính ông là người đầu tiên tìm ra trực khuẩn dịch hạch ở chuột và người là một, để rồi chế ra huyết thanh trước nhất, cứu sống một bệnh nhân tại đây. Trong bài báo nhan đề “La Peste Bubonique de HongKong” gửi về Viện Khoa học Pháp đã ca tụng sự kiện này
Tiếp đến, theo lời yêu cầu của chính quyền đương thời năm 1902, từ Nha Trang, Yersin ra Hà Nội mở một bệnh viện và một trung tâm vệ sinh cùng xây dựng trường đào tạo y khoa mà ông được đề cử giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương, tiền thân của Đại học Y Hà Nội ngày nay.
2. Gắn bó cuộc đời 50 năm với quê hương Nha Trang Đầu năm 1891, Yersin rời tàu Volga đổi sang tàu thủy khác, di chuyến trên tuyến Sài Gòn - Hải Phòng. Thời ấy, chưa có đường bộ Bắc Nam. Cả chuyến đi và về, tàu thủy đều dừng lại ở Nha Trang, một vịnh nước yên tĩnh đầy nắng ấm, khiến cho ông sững sờ trước vùng đất hoang dã với mảng thực vật trên đất liền đã lôi cuốn ông.
Xin thôi việc làm bác sĩ dưới tàu, ngày 29/7/1891, ông đặt bước chân đầu tiên vào bờ biển Nha Trang và quyết định đến sống ở vùng miền cát trắng, dựng ngôi nhà gỗ tại Xóm Cồn và mở một phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Lần đầu tiên, một bác sĩ Âu châu tới đây, mà dân địa phương gọi thân thương là “Ông Năm”. Vì họ căn cứ theo cấp bậc nhà binh. Ông là Đại tá Quân y trong Quân đội Pháp với lon mang 5 vạch, tức “Quan Năm”. Một danh xưng vừa tôn kính nhưng lại rất bình dân gần gũi.
Ngoài những giờ say mê nghiên cứu, ông Năm rất yêu trẻ, thường tụ tập chiếu phim và phát bánh kẹo cho bọn chúng. Đặc biệt, Yersin còn đem văn hóa, nếp sống tân tiến đến cho nhân dân quê mùa một cách tế nhị. Thời bấy giờ, ngư dân có thói quen hay uống rượu say, cãi lộn, gây gỗ, chửi nhau, thậm chí ẩu đả. Ông lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy. Sau đó, mời dân Xóm Cồn đến xem phim. Ông hỏi họ hành động như vậy có hay không, đẹp không? Ai nấy đều xấu hổ. Nhờ đó mà Xóm Cồn lúc đó gần như hết nạn say rượu, đánh chửi nhau. Qua cách cư xử trên, chứng tỏ ông là một nhà tâm lý sâu sắc.
Để giúp những người dân chài thường bị mất tích trên biển mỗi khi có lốc xoáy vụt đến, ông làm một con diều thật lớn, thả lên độ cao 1.000m, để quan sát khí quyển và dự đoán giông bão cho ngư dân kịp vào bờ lánh nạn.
Ông thường thực hiện những chuyến thám du săn bắn kéo dài lâu ngày, đi hàng trăm cây số trong những vùng rừng núi, gặp gỡ người dân sắc tộc thiểu số để học chút ít thổ ngữ, cùng kết hợp chữa bệnh cho họ.
Sau năm 1898, ông Năm trở lại Nha Trang với sự hỗ trợ của Toàn quyền Doumer. Ông xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và bỏ tiền ra mua khu đất rộng 500ha ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nơi nghiên cứu nông nghiệp, trồng cây cà phê, cây coca, các loại cây thuốc và là người đầu tiên nhập giống cây cao su về Việt Nam mở đồn điền. Ông còn tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nơi này trở thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho dân chúng địa phương.
Với công lao và sự nghiệp cả cuộc đời ông dành cho thành phố biển, mặc dù trong di chúc với những lời lẽ căn dặn: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang sẽ làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn, điếu từ gì cả...”. Nhưng để tỏ lòng tri ân người nằm xuống, rất đông người tìm đến đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc, để tang ông. Đoàn người đưa tang kéo dài đến hơn 3 cây số tiến về khu vực Suối Dầu.
Điều ước mong cuối cùng của Yersin trong di chúc để lại, ông còn muốn được chôn nằm sấp xuống đất để được áp mặt vào nơi chốn ông đã chọn làm quê hương.
3. Những đóng góp cho đời và lòng tri ân của hậu thế Cả cuộc đời ông hy sinh, không màng danh lợi với bao ân tình đối với chúng ta. Tên của bác sĩ Yersin sẽ mãi mãi được ghi nhớ. Vì di sản của Yersin để lại cho Việt Nam quá lớn! Vua Bảo Đại đã truy tặng ông Bội tinh Kim khánh. Dân nghèo nhớ ông vì lòng nhân hậu, bác ái cứu chữa bệnh nhân cùng những công trình y khoa và các tài sản của ông để lại. Yersin là một con người “đa năng, đa hiệu”... Ông là chuyên gia về nông học nhiệt đới, ngư nghiệp, công nghiệp; nhà vi trùng học, nhà dân tộc học, nhiếp ảnh gia; kể cả việc khai hoang, nghiên cứu khí tượng... Cuối cùng, còn là nhà đam mê văn chương. Đặc biệt, ông còn khai phóng ánh sáng văn hóa cho lớp ngư dân Xóm Cồn, Nha Trang.
Ngày 1/3/1943, bác sĩ Yersin ra đi một cách nhẹ nhàng tại nhà riêng ở Xóm Cồn, Nha Trang. Thọ 80 tuổi, để lại bao thương tiếc cho những người thọ ơn ông trên mọi lãnh vực mà tinh thần bác ái, nhân hậu, vị tha như vị thánh sống của ông đã ưu ái dành cho họ.
Hằng năm cứ đến ngày 1/3 giỗ ông, khách hành hương đông như trẩy hội. Người từ Đà Lạt xuống, kẻ ở Khánh Hòa lên, tìm đến nơi ông an nghỉ để dâng hoa, đốt nhang tưởng niệm. Quần thể khu mộ của bác sĩ Yersin được chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1999.
Một hình thức tưởng nhớ Yersin vào ngày 11/12/2013 tại Đà Lạt. Cuốn sách “Yersin, dịch hạch và thổ tả” lần đầu tiên đã ra mắt phiên bản tiếng Việt. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Năm nước Pháp” tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh bác sĩ A. Yersin cùng kỷ niêm 120 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt. Bản tiếng Việt của dịch giả Đặng Thế Linh, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, với lời giới thiệu của ông JeanNoel Poiriecr - Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Theo cư dân địa phương, bác sĩ Yersin được coi như một vị thần hoàng của làng. Đó là sự tri ân “không biên giới” của người Việt đối với những người nước ngoài đã cống hiến cả đời cho đất nước Việt Nam. Dù họ không mang quốc tịch Việt Nam, nhưng người Việt vẫn coi họ như đồng bào ruột thịt vậy.