Đây là năm thứ 16, chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tổ chức kể từ năm 2008. Mỗi năm có 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn; đến nay có 1.600 lượt người được tôn vinh cấp quốc gia.
Trong số 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay, có 22 nữ, 78 nam, đến từ nhiều vùng miền, ngành nghề, dân tộc, độ tuổi. Một số khối có lượng người đông đảo như: Khối giáo dục có 15 người, 14 người thuộc lực lượng vũ trang, 5 nhân viên y tế.
Người lớn tuổi nhất là ông Lê Quốc Thiện (tỉnh Tiền Giang, 60 tuổi, hiến máu 40 lần); người trẻ nhất là anh Nguyễn Thành Tài (tỉnh Thừa Thiên - Huế, 22 tuổi, hiến máu và hiến tiểu cầu 43 lần).
Những người được tôn vinh năm nay đã hiến tổng cộng 4.470 đơn vị máu. Điển hình như anh Vũ Đình Phẩm (ở thành phố Hồ Chí Minh) đã hiến máu tình nguyện 103 lần hay; anh Nguyễn Văn Hiếu (ở Hà Nội) đã hiến máu 124 lần; anh Vũ Duy Khánh (ở Hải Phòng) hiến máu 82 lần…
Đây là những tấm gương tham gia hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại, hiến máu trong những tình huống khẩn cấp trong dịch bệnh, thiên tai, thảm họa; đồng thời đã tích cực vận động hàng trăm, hàng nghìn người tham gia hiến máu tình nguyện.
Chia sẻ của những gương mặt hiến máu trong Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024 vừa được tổ chức vào chiều 15/6, tại Hà Nội cho thấy, với mỗi người cảm giác giọt máu của mình đang chảy trong cơ thể người khác và cứu sống được người khác là điều thật ý nghĩa.
Anh Ma A Sà (dân tộc Mông, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) là một trong 100 gương mặt tiêu biểu toàn quốc đại diện cho người hiến máu tỉnh Lai Châu. Anh đã tham gia hiến máu khi đủ tuổi và đến nay đã có 33 lần hiến máu tình nguyện, vận động được 516 người tham gia hiến máu tình nguyện.
Ma A Sà là cán bộ trẻ nhưng lại làm công tác cựu chiến binh, anh luôn cố gắng vượt qua những khó khăn trong công tác để tuyên truyền tới các cựu chiến binh lớn tuổi. Trong các buổi sinh hoạt, anh luôn lồng ghép các câu chuyện về hiến máu tình nguyện. Vì thế, trong 5 năm gần đây, khi Hội cựu chiến binh của xã phối hợp với Hội cựu chiến binh huyện tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện đã thu hút được nhiều người tham gia.
Lần hiến máu đầu tiên của anh tại Hà Nội do ở địa phương ít có cơ hội tiếp cận với hoạt động hiến máu. Phải đến những năm 2011, hoạt động hiến máu được diễn ra sôi nổi hơn, anh mới có nhiều cơ hội được tham gia hiến máu tại địa phương. Sau mỗi lần hiến máu, anh thấy tinh thần luôn vui vẻ, cơ thể khỏe mạnh.
Nhắc lại kỷ niệm khó quên trong một lần hiến máu, anh Ma A Sà chia sẻ: "Năm 2017, khi đó tôi được huy động đi hiến máu khẩn cấp cho 1 cháu bé cần truyền máu mà gia đình hoàn cảnh lại khó khăn. Sau đó, tôi rất bất ngờ khi nhận được lời cảm ơn của mẹ cháu và cháu. Tôi thấy vui và may mắn vì đây là lần đầu tiên gặp trực tiếp người được truyền đơn vị máu của mình. Đó là cảm giác hạnh phúc, xúc động vì đã làm được một việc có ích với cuộc đời."
Chia sẻ về khó khăn trong công tác vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện anh Sà cho biết, mỗi lần tham gia hiến máu thì đa số là các cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, nhưng người dân tộc thiểu số tham gia hiến máu còn ít. Đặc biệt như dân tộc Mông của anh rất ít người tham gia hiến máu, bởi họ vẫn nghĩ hiến máu là mình bị mất máu, không thể bù đắp lại. Họ chưa hiểu được những lợi ích mà việc hiến máu đem lại cho bản thân mình. Chính vì vậy, việc huy động các cán bộ cựu chiến binh tham gia hiến máu sẽ là những tấm gương về người thật, việc thật để mọi người làm theo.
Anh Ma A Sà cũng bày tỏ mong muốn rằng, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các cấp, ngành cùng nhau truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về hoạt động hiến máu để hoạt động được lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, đến đồng bào dân tộc… để người dân tích cực tham gia hiến máu thường xuyên, giúp cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Tại buổi lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện khẳng định: "Chúng ta rất vui mừng trước sự lớn mạnh, lan tỏa ngày càng sâu rộng của phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam trong những năm qua. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh mà còn góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn, nhân ái đến với cộng đồng, xã hội. Nhờ có những người hiến máu tình nguyện mà thế giới được điểm tô thêm nhiều sắc màu rực rỡ, trong đó có sắc màu của lòng nhân ái, sắc màu của niềm hạnh phúc khi người bệnh được hồi sinh và viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình".Cũng như mọi năm, các đại biểu đến từ nhiều địa phương trên mọi miền của Tổ quốc. Những tấm gương xuất sắc đã bền bỉ, thầm lặng hiến máu để mang lại sự sống, niềm tin và hy vọng cho người bệnh và để lan tỏa hành động nhân ái cho cộng đồng, xã hội. Đây là những tấm gương tham gia hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại, hiến máu trong những tình huống khẩn cấp trong dịch bệnh, thiên tai, thảm họa; đồng thời đã tích cực vận động hàng trăm, hàng nghìn người tham gia hiến máu tình nguyện.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ về hai ca cấp cứu cần truyền máu điển hình gần đây. Đó là một trường hợp tai nạn giao thông bị vỡ tim đã được cứu sống ngoạn mục tại Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 2-2024. Tổng lượng máu được truyền trước, trong và sau mổ của người bệnh này lên đến 10 lít máu và chế phẩm máu các loại.
Trường hợp khác là người bệnh bị liệt hoàn toàn do mắc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh đã được hồi phục khả năng vận động sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nhờ sử dụng 96 đơn vị huyết tương để thực hiện 6 lần thay huyết tương.
Từ những dẫn chứng cụ thể trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, những ca phẫu thuật, điều trị như vậy sẽ không thể thực hiện thành công nếu không có nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu tình nguyện trên cả nước.
“Chính các anh chị đã góp phần làm cho phong trào hiến máu tình nguyện tại nước ta vươn mình lớn mạnh, phát triển từng ngày và đồng hành cùng ngành Y tế từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Từ năm 2008 đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận gần 19 triệu đơn vị máu. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng bày tỏ lòng cảm kích tới người hiến máu cả nước nói chung và 100 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn, 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay sẽ trở thành những hạt nhân nòng cốt, là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện đến với cộng đồng, xã hội để thắp sáng niềm hy vọng, ước mơ và sự sống cho người bệnh.