Những dấu ấn
Ghềnh Ráng vào khoảng giữa thế kỷ 20 là một làng chài ngoại ô thị xã Qui Nhơn (nay là thành phố Qui Nhơn), giáp với biển Đông và núi Vũng Chua. Khi đó, vùng này chỉ có chừng 40 nóc nhà nằm rải rác dưới chân núi, dọc ra đến biển. Năm 1958, linh mục Giuse Maria Phạm Châu Diên đã đến đây truyền giáo và ấp ủ về một họ đạo. Trong quyển Hồi ký đời tôi, cha kể lại: “Cả thôn chỉ có một gia đình Công giáo gồm một mẹ, một con... Nhân dịp Tết sắp tới, ba người đàn ông đứng tuổi đến thăm tôi và xin theo đạo, cùng với cả gia đình. May thay, có một thanh niên Công giáo, anh Nguyễn Ngọc Long, mới về thuê nhà ở trong thôn. Tôi liền mượn nhà anh làm phòng họp và giao cho anh dạy giáo lý cho chừng ba chục người lớn... Sáng Chúa nhật, mồng hai Tết 1958, có cuộc rước tượng Đức Mẹ từ đầu thôn về nhà anh Long, được dùng làm nhà nguyện lâm thời và cử hành thánh lễ. Từ đó tôi ra làm lễ các ngày Chúa nhật...”.
Nhà thờ Ghềnh Ráng |
Vì nhu cầu sinh hoạt, giáo dân bấy giờ cảm thấy nhà nguyện chật chội nên bàn nhau xin cha Diên cất nhà thờ. Họ lên rừng Vân Canh, nằm cách Qui Nhơn chừng 30km, để tìm cây, tranh dựng thánh đường. Trong khi loay hoay xây dựng một nhà thờ nhỏ, bằng các vật liệu giản đơn có thể tìm được thì giáo dân được một số nhà hảo tâm trong vùng hỗ trợ xây tường gạch, đặt cửa sổ đàng hoàng. Năm 1964, sau khi cha Diên về Sài Gòn nhận bài sai mới, linh mục Martinô Nguyễn Hộ, chánh xứ Nước Nhỉ (giáo phận Qui Nhơn), đã dẫn một số giáo dân về lập trại tạm cư ở Ghềnh Ráng. Đây là thời điểm số nhân danh bắt đầu tăng cao, có lúc lên đến 4.000, do nhiều người ở các xứ khác như Gia Chiểu, Đồng Dài, Thác Đá, Gò Thị, Đại Bình... cũng về sống nơi xứ đạo. Năm 1965, thấy dân ngày một đông, nhà thờ cũ không còn đủ chỗ, linh mục Giuse Nguyễn Sồ, Giám đốc Caritas giáo phận đã dựng nên một nhà tiền chế lợp tôn rộng hơn để vừa làm nhà thờ, vừa có nơi cho cha sở ở. Giáo xứ được thành lập vào năm 1966.
Đến năm 1975, linh mục coi xứ lúc bấy giờ là cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội cùng với nhiều giáo dân đã chuyển vào các vùng Cam Ranh, Xuân Lộc, Vũng Tàu, Sài Gòn. Số giáo dân từ trên 2.000 người, sau đợt di dân đó chỉ còn hơn 700. Thời gian này, cha Gioakim Đoàn Kim Hiền được bài sai về coi sóc xứ đạo. Ngài bắt đầu vực dậy đời sống đức tin cho dân, nhiều công trình cũng được cha xây dựng như nhà thờ, nhà giáo lý, nhà xứ và tường bao, cổng ngõ. Năm 2012, cha Giacôbê Đặng Công Anh về nhận xứ, thay cha Gioakim, tiếp tục dẫn dắt đàn chiên. Đến năm 2016, cha Phêrô Lê Nho Phú được bổ nhiệm làm cha chính xứ Ghềnh Ráng cho đến nay.
Giáo xứ rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực cho những người phục vụ giáo xứ |
Tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ
Trải qua biết bao dời đổi, giáo xứ Ghềnh Ráng ngày nay chính là điểm tựa đức tin vững chắc cho giáo dân. Nhà thờ vẫn hiền hòa nằm đó, lắng nghe và hòa mình vào nhịp sống tất bật của một thành phố biển đang không ngừng phát triển. Tuy mọi thứ đã tương đối ổn định nhưng trong thời đại mới, giáo xứ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và một trong số đó chính là thiếu nguồn nhân lực.
Trò chuyện với linh mục Phêrô Lê Nho Phú, chánh xứ Ghềnh Ráng (từ năm 2016 đến nay), được biết cha vẫn đang cố gắng nhiều để giải “bài toán thưa người” nơi xứ đạo mình trông coi. Hiện tại, số giáo dân của xứ khoảng 800 người, trong đó chiếm hơn phân nửa là người lớn và người già. “Người trẻ bây giờ đi làm, đi học xa hết. Thứ nữa là do việc lập gia đình muộn, không nghĩ đến chuyện con cái dẫn tới không có người kế nhiệm, thờ phượng Chúa. Khi dâng lễ mỗi ngày, tôi quan sát thấy có rất ít người trẻ tham dự, kể cả thánh lễ dành cho họ thì nhìn khắp nhà thờ vẫn thấy đa số khuôn mặt lớn tuổi. Trong các sinh hoạt, chương trình tại giáo xứ cũng khó tìm được nhân lực. Anh em kỳ cựu phải chia nhau làm thành ra tiến độ thường rất chậm. Ở các hội đoàn, có những người phải kiêm nhiệm rất nhiều vai trò, có người vừa là thành viên ca đoàn lại vừa làm trong Legio nên hiện tại về hội đoàn vẫn chưa có đa dạng, chỉ mới lập một số hội cơ bản thôi”, cha Phú ưu tư. Để giải quyết vướng mắc này, giáo xứ quan tâm rất nhiều đến việc đào tạo. Cha sở vẫn thường hay nhắc các thành viên lớn tuổi để tâm truyền lại kinh nghiệm làm việc, phục vụ giáo xứ cho người trẻ hơn. Hằng tuần, các hội đoàn cũng dành thời gian họp lại để giải quyết công việc, góp ý cho nhau.
Nâng bước tương lai cho người trẻ bằng chương trình khuyến học |
Ngoài ra, giáo xứ còn cố gắng nâng đỡ cho giáo dân, nhất là người trẻ về đời sống đức tin. Ông Nguyễn Văn Nhu, Chủ tịch HĐMV xứ Ghềnh Ráng chia sẻ: “Nhằm giúp các em không sao nhãng việc Nhà Chúa, cha sở đã chủ trương theo sát bằng cách thăm viếng từng gia đình. Anh em trong hội đoàn chúng tôi cũng chia nhau đi thăm. Chúng tôi nhờ phụ huynh, như cánh tay nối dài giúp khuyên nhủ các em đến nhà thờ thường xuyên. Về phía giáo xứ thì ngoài việc dạy và học giáo lý, thi thoảng còn tổ chức cho các em đi hành hương, sinh hoạt chung...”. Để nâng bước người trẻ, giáo xứ cũng liên hệ với các ân nhân xin học bổng học tập cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy chỉ đỡ phần nào gánh nặng chi phí học tập cho gia đình nhưng đây lại là một sự khích lệ tinh thần lớn để các em vượt khó.
Trong Năm Gia đình này, Ghềnh Ráng cũng có những chương trình quy tụ giáo dân. Như vừa qua, giáo xứ đã tổ chức kỷ niệm hôn phối cho các gia đình với tiêu chí 5, 10, 15, 20 năm được lãnh Bí tích Hôn phối. Dù ít người, tổ chức hơi vất vả nhưng đây chính là một trong những nỗ lực vun đắp để các sinh hoạt của giáo xứ ngày càng thêm sống động, quy mô hơn.
Rời giáo xứ ra về, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh trong lời kể của cha sở: “Các cụ ở đây thường đến nhà thờ trước thánh lễ rất lâu. Họ ngồi lặng im viếng Chúa hoặc đọc kinh cầu nguyện trước có khi hơn nửa tiếng”. Lòng đạo đức sốt mến của người lớn tuổi nơi đây đã khắc sâu vào truyền thống sống đạo của giáo dân Ghềnh Ráng. Với nền tảng vô cùng vững chắc này, hy vọng trong tương lai, khi giải được bài toán thiếu người, giáo xứ sẽ càng thêm phát triển.
Năm 1963, cha Giuse Maria Phạm Châu Diên đã khởi công xây dựng hang đá Ðức Mẹ ở sườn núi Xuân Vân, đối diện với nhà thờ. Sau đó, ngài tiếp tục xây một ngôi nhà thờ nhỏ bên cạnh hang đá, thường gọi là nhà thờ Núi, nơi hiện nay là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của giáo phận. Nhà thờ Núi được khánh thành vào ngày 15.8.1964. |
Thiên Lý
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc