Phạm Văn Trường (giữa) và các đồng đội đoạt giải nhì cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 2020. Ảnh: CTV |
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở thôn Quyết Tâm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, Đắk Nông, chứng kiến cha mẹ và chị gái một nắng hai sương bên rẫy cà phê, Phạm Văn Trường quyết tâm theo đuổi con đường tri thức.
Lần đầu thi đại học, trúng tuyển ngành công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, nhưng nhận ra chưa phải là đam mê đích thực của bản thân, đồng thời lúc này gia đình gặp một số vấn đề, anh tạm gác lại việc học. Một mình lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục luyện thi vào đại học, năm 2013, anh thi đậu ngành Hóa học - trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Với thành tích học tập cao, Trường được chuyển sang lớp chương trình cử nhân tài năng.
Phạm Văn Trường tốt nghiệp loại giỏi với số điểm trung bình 4 năm học là 8.01. Đồng thời, anh đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường năm học 2015 - 2016 và danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm học 2016 - 2017. Trường cũng đoạt nhiều giải thưởng khác trong các cuộc thi: Sinh viên đồng hành cùng pháp luật do Ban Cán sự Đoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức; Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh Ánh sáng thời đại; năm 2017, anh giành giải nhất phần thi cá nhân Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tầm nhìn xuyên thế kỷ. Cũng năm này, anh đoạt giải nhất cá nhân Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh Ánh sáng soi đường;…
Anh Trường cho biết: khi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi không nghĩ về những thuật ngữ hàn lâm trong các giáo trình mà đúc rút những tư tưởng, phẩm chất của Người mà mình có thể học, rèn giũa hằng ngày. Như Bác nói về tình yêu thương con người, tôi liên hệ tới những chuyến đi của mình trong các chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện. Bác nói về tinh thần phê và tự phê, tôi tự hỏi mình đã biết cách khen ngợi, động viên, góp ý với người khác sao cho thuyết phục; tự nhìn ra những khuyết điểm của chính mình một cách thành thật. Tôi nhớ mãi lời dạy của Bác: Có tài mà không có đức là người vô dụng/Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người trẻ hôm nay phải rèn luyện cả đức và tài, cái đức luôn phải đi trước, bởi nó làm nên cái gốc của một con người”