Gương điển hình

Sống niềm vui Phục sinh

Cập nhật lúc 14:54 26/04/2022
Vẫn với sự hài hước thường lệ, anh bán rau xăm trổ Minh Râu cảm ơn tình cảm mọi người yêu mến mình, nhưng nhận tiền thì không. Ảnh: CTV
Vẫn với sự hài hước thường lệ, anh bán rau xăm trổ Minh Râu cảm ơn tình cảm mọi người yêu mến mình, nhưng nhận tiền thì không. Ảnh: CTV
Những ngày cao điểm của mùa dịch COVID-19 vừa qua ở miền Nam (từ tháng 8/2021) mà cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, trên các tờ báo giấy và báo mạng rộ tin và hình ảnh về một nhân vật “Khác người”, với những tựa bài như “Ông chủ bán rau 0 đồng”, “Ông chủ trẻ xăm trổ”... Tòa soạn báo Người Công giáo Việt Nam cũng muốn gặp gỡ và đưa tin về nhân vật nổi tiếng này, nhưng do tình hình chống dịch nghiêm ngặt lúc đó “Ai ở đâu yên đó” nên cộng tác viên báo phía Nam đành tạm dừng. Gần đây nhân có dịp về lại Gia Kiệm đi thực tế viết bài, tôi được bạn đọc giới thiệu về thăm giáo xứ Suối Nho nơi có những người Công giáo được nhiều người biết đến về hoạt động bác ái từ thiện mùa dịch, trong số đó có anh Minh Râu.

Anh Minh Râu còn gọi là Minh Rau, tên thật là Phạm Hồng Minh, năm nay 39 tuổi là giáo dân thuộc giáo xứ Suối Nho, hạt Túc Trưng, huyện Định Quán, giáo phận Xuân Lộc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nhưng ông bà thân sinh cũng cố cho anh theo học đầy đủ. Học hết Phổ thông Trung học tại trường Điểu Cải tại huyện Định Quán, anh lên Biên Hòa tiếp tục theo học trung cấp cơ khí. Một thời tuổi trẻ với bao mơ ước trở thành một công nhân lành nghề. Thế nhưng chính trong thời trai trẻ với anh lại là giai đoạn thực sự khó khăn, vừa học vừa làm. Tôi ghé thăm nơi anh cư ngụ cũng là nơi kinh doanh buôn bán tại khu phố 4, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Căn hộ này anh thuê để buôn bán, còn nhà riêng trong hẻm thuộc giáo xứ Thánh Giuse. Ngồi nghe anh kể lại quãng đường đã qua mới hiểu rõ hơn cuộc đời hôm nay của anh.

“Thật ra em làm việc này (tặng rau miễn phí) 8 năm nay rồi, công nhân khắp khu này ai cũng biết, nhưng không hiểu sao từ năm ngoái (2021)đến nay lại trở nên nổi tiếng đến vậy. Nhà em ở quê xưa khốn khó lắm, bố mẹ là nông dân nghèo, gia đình đông con. Hồi học cơ khí ở Đồng Nai năm 2001, mỗi tháng mẹ cho 120 nghìn đồng: 60 nghìn tiền phòng trọ, 20 nghìn tiền điện nước, 40 nghìn tiền ăn… nên lúc nào cũng... đói. Em phải đi phụ bán quán, rồi ăn cơm thừa người ta để lại. Thi thoảng hết tiền, phải giở mánh mung. kiếm cớ sang phòng trọ của bạn đúng giờ cơm để được ăn ké, nhưng ăn chực nhiều quá nên bạn cũng tìm cách thoái thác. Có đợt quán ăn đóng cửa, ba ngày liền không có gì vào bụng, em lết sang phòng trọ của một bà già cạnh đó, gõ cửa xin ăn. Bà ấy giúp cho em một gói mì tôm, ngon đến mức vừa ăn vừa khóc. Liền cả tháng trời sau đó, ngày nào bà cũng cho em một gói mì.”

Anh Minh cho biết sau khi nghỉ học trung cấp cơ khí đi xin việc làm một thời gian nhưng cũng vì là chân chạy, không chịu được ngày ngày đến xưởng tối tăm mặt mũi, tối về ngủ vì mệt, lại chẳng được đi đến đâu, nên thay đổi công việc liên tục. Anh đã từng theo bạn bè đi buôn bán thịt heo, thịt bò, mở quán nhậu, bán lẩu dê... nhưng cũng không được bền. Một lần nọ gặp được người anh em rủ đến chợ đầu mối Thủ Đức chơi, thấy sinh hoạt làm ăn buôn bán ngành rau xanh tấp nập, cũng hay hay, nghe theo người bạn nên bước vào nghề này. Vậy mà xem ra lại hợp, mua tận gốc nhà vườn rồi bỏ mối, bán sỉ, bán lẻ. Sau này lập gia đình tiếp tục cùng vợ mở sạp rau buôn bán luôn. 

Nhớ lúc làm ăn phất lên cũng do buôn bán rau xanh, anh trải lòng: “Hồi năm 2008-2009, mỗi ngày em cũng thu lời được từ 1 đến 1,5 triệu. Nhưng lại mê bài bạc. Có vợ con rồi nhưng em vẫn ăn chơi dữ lắm, cứ 2-3 giờ sáng dậy đi lấy hàng về bán, bán xong là lao đến chiếu bạc chơi cả đêm, có khi chẳng ngủ. Ngày nào thua nhiều quá, nghỉ bán. Ngày nào thắng nhiều quá, cũng nghỉ bán luôn. Kiếm được nhiều tiền rồi, tội gì phải chịu cực, nên dù sạp rau kiếm được không ít tiền, mà hai vợ chồng lúc nào cũng nợ nần. Nhớ lần thua nhiều lắm, đến vài trăm triệu. em bỏ nhà đi bụi mấy ngày, đã có lúc tuyệt vọng đến mức muốn nhảy sông tự tử. Nhưng rồi hồi tâm nhớ lại những năm sinh viên nghèo đến mức phải đi xin mì tôm để ăn cho qua cơn đói, rồi lại tự hỏi tại sao mình lại thành ra nông nỗi này: Có thể đánh bạc một đêm hết mấy chục tấn rau, tính ra là cả trăm ngàn gói mì tôm? Số tiền thua bạc đó là biết bao nhiêu bữa ăn của người nghèo khó, không tính nổi nữa. Lúc quy tiền thua bạc ra mì tôm, em mới ngẩn người, mới nghĩ lại và khao khát làm lại từ đầu. Thế là em về lại nhà, nói với người cho vay tiền, cho em con đường sống để trả nợ. Rồi xin lỗi vợ con, tu chí làm ăn, chuyên tâm bán rau chứ không đánh bạc nữa. Em nhận ra mình như người con trở về trong bài Phúc Âm Chúa nhật thứ IV Mùa Chay vừa rồi (Lc 15, 11-32). Em như được phục sinh!”

“Ngày trả xong nợ, em rơm rớm nước mắt, như là quăng được tảng đá ngàn cân đè trên ngực mình đi vậy. Nhưng cũng sợ mình ngựa quen đường cũ, bản thân cũng không tốt đẹp gì. Sợ mình rảnh quá lại bài bạc, em bắt đầu mở sạp rau thứ hai, còn sạp đầu tiên để vợ bán. Em tự hứa với mình, thay vì chơi bài bạc, mỗi tháng sẽ dùng 10-30% lợi nhuận của mình để giúp đỡ người xung quanh. Khi chí thú làm ăn, mỗi ngày vợ chồng lời 2,5 đến 3 triệu đồng nên tháng nào ít cũng dành 7 triệu đến 10 triệu, khi nhiều hơn thì 15 triệu đến 20 triệu để mua rau tặng người nghèo quanh khu công nghiệp. Lúc đầu em chỉ nghĩ sẽ làm vài tháng, coi nó như một cách răn mình, làm mình tử tế lên, chứ không nghĩ mình sẽ bền bỉ được lâu như vậy. Tính ra là cả chục năm rồi đó”.

Là giáo dân giáo xứ Thánh Giuse, hạt Tân Mai, Biên Hòa vợ chồng anh có ba người con, hai cháu đang theo học tại Biên Hòa lớp 9 và lớp 7. Cháu nhỏ mới 2 tuổi gửi ông bà chăm sóc. Trong thời gian mùa dịch, sạp rau của anh tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 là cửa hàng 0 đồng, giúp cho biết bao sinh viên, công nhân khu công nghiệp có rau xanh mỗi ngày. Cửa hàng tại nhà, bán cho dân trong phường và các phường lân cận với giá rẻ chỉ từ 5 đến 7 ngàn một cân, trong lúc đó nhiều nơi người dân phải mua với giá ba bốn chục ngàn một cân rau xanh mà cũng không có. Anh còn mua thêm trứng, củ quả, trái cây về bán rẻ cho bà con, dịp Tết mua cả hoa cảnh về bán. Hỏi thăm anh mùa dịch vừa qua đã cung cấp bao nhiêu tấn rau xanh cho những người khó khăn, những nhà dòng, tu viện, những nhà nuôi người già, trẻ em tàn tật miễn phí và bán giá rẻ cho bà con các phường tại Biên Hòa, anh không nhớ rõ con số nhưng chắc vào khoảng cỡ vài trăm tấn. Có người thấy anh vất vả ngày đêm, nhận rau rồi chuyển rau đi các nơi với giá quá rẻ, góp ý là anh nên nâng giá mỗi cân lên một vài ngàn, vẫn còn là rẻ chán cho bà con, nhưng anh gạt đi không nghe. Cũng có người thấy anh làm việc tốt, ngỏ ý gửi anh tiền ủng hộ vài chục triệu, nhưng anh cũng từ chối viện lẽ nhận tiền của người khác rồi quên đi hoặc chi tiêu không đúng thì mang tội. Anh bảo với tôi: “Cho đi rồi em mới thấy thật hạnh phúc, hóa ra làm cho người khác vui mà cũng có thể khiến mình vui như vầy. Em nhận ra ý nghĩa câu Kinh Thánh “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thế mới biết, hóa ra làm người khác tốt hơn được một thì có khi mình trở nên tốt hơn gấp trăm”.

Vừa liên tục bán rau vừa trò chuyện, thời tiết miền Đông Nam Bộ mùa này nắng nóng, buổi trưa lên đến 34, 35 độ trong nhà, Minh cởi trần, người to khỏe lộ rõ hình xâm trên ngực. Mới nhìn qua tôi mới biết tại sao anh có danh xưng “Ông chủ xâm trổ” mà báo chí dành cho anh. Nhìn kỹ hình xăm không phải là hình dao kiếm, chim đại bàng hay chim Ó như vẫn quen gặp, mà là hình Đức Giêsu đội mạo gai và Đức Mẹ Fatima. Minh tâm sự, “ Em nhận thánh Giuse là bổn mạng, luôn cố gắng sống đời lao động noi gương Ngài, nhưng em thấy mình còn yếu đuối lắm, cầu xin Ngài phù trợ mỗi ngày. Còn hình xâm này cũng là do thích nghệ thuật, lại là con nhà Đạo nên em đề nghị xăm cho em hình Chúa Giêsu và Mẹ Maria theo sở thích và niềm tin, chứ không dám nhận mình là người đạo đức đâu!”.

Chia tay anh nhân Mùa Phục sinh, tôi cầu chúc anh và gia đình sống mùa Phục sinh thánh đức và luôn có niềm vui trong cuộc sống để tiếp tục sống Thánh giữa đời và làm việc mưu ích cho mọi người theo lời dạy của Đức Kitô.
 
ĐỖ CÔNG MINH
Thông tin khác:
Hiệp sĩ Columbus gửi tặng 10.000 phần quà Phục sinh cho Ucraina (18/04/2022)
Người giáo dân đam mê bảo vệ môi trường (16/04/2022)
Giám đốc trẻ dám nghĩ, dám làm (15/04/2022)
12 sinh viên loan báo Tin Mừng trong lễ Phục Sinh ở Venezuela (13/04/2022)
ĐTC nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của một chân phước giáo dân (12/04/2022)
THÁNH ISIĐÔRÔ, Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh (08/04/2022)
Nhà thơ Công giáo nổi tiếng Hàn Mặc Tử (07/04/2022)
Học sinh xuất sắc, năng động trong các phong trào (05/04/2022)
Hai nhà thơ danh nhân văn hóa thế giới (26/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log