Gương điển hình

Làng phong, làng giáo xưa, làng du lịch Hòa Vân nay mai.

Cập nhật lúc 16:33 29/12/2009

 

 

            Những tín hữu mhiệt thành:
 
            Nếu ai đó đã từng vô Nam, ngồi trên tàu bắc nam ngoằn nghèo từ bờ bắc bên phía Lăng Cô- Thừa Thiên Huế, vượt đèo Hải Vân cao ngất đến trên hai ngàn mét so với mực nước biển, khi tàu trên đèo đi xuống hẳn mọi người nhìn thấy địa danh đầu tiên của tỉnh Đà Nẵng, đó là địa danh- Nam Ô; nơi này nổi tiếng với thương hiệu "nước mắm Nam Ô" ngon nhất nhì của nước ta, có lẽ sánh ngang với nước mắm Phú Quốc! Cách Nam Ô chừng chín cây số đường biển men theo chân đèo Hải Vân, khách lạ khó có ai biết nơi ấy đã, đang tồn tại một làng phong trong suốt nửa thế kỉ qua mà người dân địa phương gọi nó là làng phong Hoà Vân.
 
             Làng phong có tổng diện tích chừng 50 ha và cạnh đó có khoảng 100 ha rừng đặc dụng Nam Hải Vân- cánh rừng này ít nhiều cũng giúp bà con làng phong cải thiện mỗi khi giáp vụ... Cả thảy làng có 93 hộ, 276 nhân khẩu; nhà nào ở đây cũng có tín ngưỡng, tập trung ở hai đạo là Công giáo và Tin lành, ngoài ra còn một vài hộ theo đạo Phật.
            Giải thích về lịch sử ra đời của làng và vì sao lại chọn vị trí cùng cực nơi đây, cụ Phạm Bồng sinh năm 1927 một bệnh nhân phong "thâm niên" có mặt từ khi thành lập làng, cụ kể: Làng được thành lập vào tháng 11 năm 1957, lúc đầu tại núi Bà Nà (nay là khu du lịch nổi tiếng của tỉnh), do ông Góc đông Xơ- mít người Mỹ thuộc Hội truyền giáo Cơ đốc sáng lập. Năm 1962 di về Cầm Hải nhưng do giặc Mỹ đánh phá, người ta lại di ra nơi đây. Người ta đưa chúng tôi ra đây bằng con tàu Hy Vọng, cứ một tuần họ lại ra tiếp tế hai lần. Vì sao họ lại chọn vị trí sâu cùng này, là vì: Lúc ấy người ta xem người hủi khủng khiếp hơn bất cứ thứ bệnh gì trên đời... Họ bắt chúng tôi buộc phải "chôn chân" tại đây mà sống, muốn ra khởi làng thì phải biết bơi hàng giờ lênh đênh trên biển, "chân tay co qoắp thế này bơi sao nổi"- cụ Bồng vừa kể vừa đưa tay lên bầy tỏ nỗi niềm- "Nỗi niềm tâm sự hỏi ai"- thơ Nguyễn Du; mà men theo chân núi sát mép biển đi vào Nam Ô thì vô phúc làm mồi cho hổ báo khi chúng xuống uống nước; ngược lên đèo Hải Vân thì cũng như tự chọn chắc lấy cái chết nơi răng hổ, nọc rắn... thôi ở lại sống thêm ngày nào vẫn hơn!
            Hôm chúng tôi tới làng phong cũng đi bằng đường biển, khởi hành từ Nam Ô đi vào (bằng mủng tròn của một bệnh nhân đi lễ về). Đặt chân lên làng, tôi nhớ tới lời giới thiệu của linh mục Nguyễn Trí Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp. Đà Nẵng, nguyên chánh xứ Hoà Khánh: "Anh ra đến đó cố gắng tới một vài nhà gia đình người Công giáo để động viên họ anh nhé, tuy bệnh tật là vậy nhưng có nhiều tấm gương vươn lên mãnh liệt trong lao động sản xuất, động viên con em học hành anh ạ...!". Nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà anh Giu se Đỗ Ngọc Ái. Anh Ái sinh năm 1956, vợ anh là chị Madenna Trần Thị Bốn, cả hai anh chị đều là bệnh nhân phong nhưng đã tiên phong cả trong kế hoạch hoá gia đình, cũng như trong lao động sản xuất và quyết tâm cho con ăn học nên người. Người làng phong xưa kia quan niệm, phải đẻ nhiều con để dự phòng rủi ro nơi sóng gió biển khơi, bệnh tật..., nhưng anh chị Ái đã có suy nghĩ tiên tiến hơn rằng: Mình đã là bệnh nhân chân yếu tay mền, làm ra của cải vật chất thật khiêm tốn, vậy mình sinh sao cho vừa để chúng cũng còn có cái ăn, cái mặc còn cả cái chữ nữa chứ, nhất là chúng phải khoẻ mạnh, lành lặn...! Từ suy nghĩ đó mà anh chị đã dừng lại ở hai con. Nói là chân yếu tay mềm chứ anh chị luôn gương mẫu trong trồng lúa, đi biển, bảo vệ và trồng rừng để tích cóp ít tiền gửi vào đất liền chu cấp cho hai con của anh ăn học. Đứa con trai lớn của anh tên K đã nỗ lực thi đỗ ĐHSP Huế với số điểm rất cao, nay đã ra trường, dậy ở một trường danh tiếng thành phố; đứa thứ hai tên T anh chị cũng chắt chiu cho vào đất liền theo học tin học, năm nay cũng sắp ra trường. Dẫu biết, làm biển gửi tiền vào đất liền cho hai con ăn học, nhất là cả hai anh chị đều bị bệnh thì đúng thật là "tiền vào nhà khó", nhưng anh chị vẫn một mực quyết tâm.
             Làng phong không có thánh đường, nhà nguyện hay ông trùm bà quản... chỉ có những giáo dân gương mẫu sống đoàn kết bên nhau. Cách riêng với anh Giu se Ái, vươn lên trên nhiều mặt, sống có uy tín với bà con nên linh mục Dũng và các linh mục tiền nhiệm tại giáo xứ Hòa Khánh đã chọn và đặt anh như một cầu nối đi- về, giúp việc cho linh mục lo phần thiêng liêng tại làng... Nhiều năm qua, cứ mỗi sáng thứ bảy anh lại như một con thoi đi- về trên chiếc thuyền lan của mình, đón đưa bà con từ làng vào đất liền để kịp lên dự lễ trưa thứ bảy tại nhà thờ giáo xứ Hoà Khánh mà các linh mục nhiều đời đã dành riêng để dâng lễ cho họ, kết hợp với đi lễ, bà con ghé qua chợ, có khi bán con cá tươi vừa bắt được sáng nay, có khi mua linh mụci dầu, viên thuốc... Mỗi khi vào, bao giờ linh mục xứ cũng mời họ ở lại dự bũa cơm trưa Đoàn kết do hội từ thiện bác ái giáo xứ Hòa Khánh tổ chức, những lúc gặp gỡ như thế linh mục lại phổ biến cho họ về cách ăn, cách ở, nhất là nuôi dậy con cái sao cho chúng đều được ngoan ngoẵn, khoẻ mạnh và đều được đến trường. Đặc biệt, với các bệnh nhân phong già cả tại làng, không may có mệnh hệ gì, thì kể cả vào thời điểm nửa đêm gà gáy hay mưa gió bão bùng, anh Ái vẫn sẵn sàng bơi thuyền nan một mình vào Nam Ô rồi đi bộ lên nhà xứ Hoà Khánh đón các linh mục, các thầy ra làng để các cụ gặp lần cuối, trước khi ra đi mãi mãi. Bên cạnh tấm gương vì cộng đồng tại làng phong như anh chị Ái, cũng còn phải kể đến anh Phê rô Trịnh Như Phương. Anh Phương tuy hai tay, hai chân và cả tai bị di chứng phong cùi gặm nhấm đến đui què... nhưng anh Phương cũng luôn nhiệt tâm giúp đỡ mọi người và tạo điều kiện cho con cái anh ăn học lên cao.
            Những ngày tại làng, anh Ái cho chúng tôi biết thêm rằng: Để ủng hộ việc phát triển kinh tế, đi lại học hành của các cháu vào đất liền, Toà Giám mục Đà Nẵng đã tặng làng phong Hoà Vân một con tàu (nhưng tiếc thay cho đến nay do đã quá lâu, tàu đã quá cũ và bị đắm mất rồi!). Còn gần đây, linh mục xứ Giu se Dũng cũng đã chu cấp tiền, nhà trong đất liền giúp cháu nào có thể vươn lên trong chuyện học hành thì vào ở hẳn mà theo học. Hai con của anh Ái ngoài sự nỗ lực của bản thân các cháu, thì cũng phải kể tới nhờ vào sự rộng lượng vô bờ của linh mục Giu se Dũng và người tiền nhiệm của ngài là linh mục Giu se Vũ Dần mà thành. Thiết tưởng cũng cần nói thêm, nay do nhu cầu mục vụ, linh mục Dũng đã chuyển về Tam Kỳ, linh mục Lưu Văn Hoàng- người kế tục sự nghiệp các linh mục tiền nhiệm để chăm sóc họ, đều với thái độ trân trọng, mến yêu!
 
Và những khắc khoải, mong đợi của tuổi trẻ làng phong đang thành hiện thực:
 
            Tại làng, chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ anh Trần Hữu Đức sinh năm 1966, người đảng viên duy nhất, anh đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn. Anh Đức là một người hoàn toàn lành lặn, đã từng bốn năm tham gia cống hiến tại quân đội làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Căm- Pu- Chia; sở dĩ anh không phải bệnh nhân phong nhưng vẫn sống tại làng phong là vì (năm 1970), anh theo mẹ anh là bà Maria Yên bị bệnh ra đây điều trị...
             Anh Đức cũng như bao bà con khác, rất mừng vì tiến bộ của ngành y tế đã làm cho bà con cũng như mẹ anh... đến nay đã lành bệnh phong hoàn toàn, người bị nặng dẫu còn để lại dấu tích di chứng nhưng cũng chẳng có gì đáng để phàn nàn. Nhưng tâm tư một lỗi, đi đến đâu, người ta vẫn xem mình là người làng phong. Làng đã có đến năm, sáu thầy cô hiện đang giảng dậy, công tác trong thành phố mà phải mai danh ẩn tích tên tuổi thật của mình, cũng như không dám công khai nơi xuất thân từ cái làng phong Hoà Vân mà người đời cay nghiệt đặt cho cái tên độc ác "làng hủi tầu", trường hợp thầy K con anh chị Ái là một thí dụ cụ thể...! Cũng chính vì vậy mà nay làng phong đang có hai luồng tư tưởng trái ngược nhau:
            Luồng thứ nhất, tập trung vào nhóm trẻ, muốn lao động hăng say, làm ra được thật nhiều tiền, để có điều kiện vào đất liền mua đất định cư, hoà nhập cộng đồng cho đỡ mang tiếng "làng hủi tầu", cho con cái ăn học thuận tiện; luồng thứ hai, tập trung là các cụ cao tuổi, phần thì do mặc cảm bấy lâu người đời gọi làng mình là "làng hủi tầu", phần do đã gắn bó với làng từ nhiều năm nên khi con cái có điều kiện mua nhà trong đất liền định cư, đón các cụ vào ở, các cụ nhất quyết không đi...
Thành phố có chủ trương: Đưa toàn bộ làng phong vào đất liền, tái hoà nhập cộng đồng; quy hoạch lại làng phong "sâu cay" ngày nào làm khu du lịch nổi tiếng, kết hợp giữa rừng và biển, thì hai luồng tư tưởng trên lại càng trỗi dậy: Lớp trẻ tỏ vẻ hào hứng nhưng cũng có điều thổn thức, lo âu vì nếu chủ trương trên thành hiện thực thì chắc sẽ có nhiều thay đổi, lạ lẫm với họ; còn các cụ già vẫn theo qua điểm cũ với một lý do thật đơn giản "ở đây đã quá quen rồi". Đến thời điểm này, bước một của dự án di dân đã đi được một nửa chặng đường, thành phố Đà Năng quyết định đưa bà con vào ba phường vùng giáo, nơi có giáo xứ Hòa Khánh là Hòa Hiệp, Hòa Khánh và Hòa Minh thuộc quận Liên Chiểu.
Đại lễ Thiên chúa Giáng sinh và Xuân mới Canh Dần năm nay bà con Công giáo, Tin Lành, Phật giáo làng phong Hòa Vân vừa chộn rộn, vừa bịn rịn niềm vui, nỗi nhớ “Áo chàm đưa buổi phân li/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay …”- Tố Hưu- Việt Bắc… Nhưng, có một thầy giáo được sinh ra và là con em của làng phong quả quyết: “Khi chưa nói nó mang lại gì cho thành phố cao tới mức nào, song, với thế hệ đàn em của chúng tôi, phải vào đất liền mới thực sự… hòa nhập, tránh đi những điều tiếng, miệng đời”.

 

Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO ĐỒNG NAI VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN (24/12/2009)
Đồng bào có đạo làm theo gương Bác (13/12/2009)
Linh mục Phạm Bá Trực - người công dân trọn đời 'kính Chúa, yêu nước' (28/11/2009)
Nữ tu dòng Chúa Quan Phòng dấn thân phục vụ tha nhân và xây dựng quê hương (21/11/2009)
Một giáo dân tiêu biểu (16/11/2009)
Khu dân cư 'Sống tốt đời, đẹp đạo' (13/11/2009)
Sống tốt đời, đẹp đạo (13/11/2009)
Có một vị linh mục ở một vùng giáo ven biển như thế (11/11/2009)
Cổ tích về người mẹ 'khất thực' nuôi con (04/11/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log