Gương điển hình

Có một vị linh mục ở một vùng giáo ven biển như thế

Cập nhật lúc 10:35 11/11/2009
Đó còn là một vùng quê Công giáo có giáo xứ Thịnh Long (thuộc giáo phận Bùi Chu), một giáo xứ mà gần như 100% tham gia làm kinh tế biển kết hợp làm du lịch. Nơi mà nhiều năm qua, đặc biệt là đầu năm ngoái nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ đánh bắt đặc sản sứa đỏ và cuối năm lại trúng đậm về đánh bắt cá khoai, nhiều gia đình có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/buổi; cái hay là phương tiện đầu tư thật đơn giản chỉ là chiếc mủng tre đan và những tấm lưới cước đơn giản không phải đầu tư là bao; có những giáo dân đánh bắt tận hăm tám- hăm chín Tết và vừa mới mồng hai đầu xuân đã có giáo dân “ra quân” đánh bắt tiếp... Tuy nhiên, trong bài viết này tôi không chọn để viết về kinh tế biển, tôi viết về linh mục vincente Nguyễn Đức Hiệp- Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo VN, Ủy viên MTTQ VN, nguyên chánh xứ Thịnh Long, nguyên đại biểu Quốc Hội nhiều khoá. Đã nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.
 
Coi sóc ¼ giáo dân ở Hải Hậu một cách đoàn kết hăng say:
Linh mục Nguyễn Đức Hiệp được biết đến nhiều là người có những hoạt động tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước “Sống tốt đời đẹp đạo”. Ngài sinh năm 1940, tại giáo xứ Quỹ Nhất- giáo phận Bùi Chu (nay là xã Nghĩa Hòa- huyện Nghĩa Hưng- tỉnh Nam Định). Năm 1954 Ngài vào tu tại tu viện Mẫu Tâm- Bùi Chu và được phong Linh mục năm 8/12/1963.
Trong những năm trước đây, đất nước khó khăn bởi thiên tai bão lũ, chiến tranh liên miên, giáo hội cũng cùng chung lưng để sẻ chia với đất nước những khó khăn nhất định đó. Cùng một lúc, Linh mục Nguyễn Đức Hiệp phải trông coi đến10 giáo xứ (26 giáo họ), một phần tư số dân Công giáo Hải Hậu và liên tục như thế trong suốt trên 40 năm; các xứ lúc đó như: An Bài, Ninh Sa, Ninh Mỹ, Phúc Hải, An Cư, An Bài, Trùng Phương, Nam Phương… và xứ Tứ Trùng là nơi linh mục ăn nghỉ. Chừng ấy thời gian linh mục đã từng chứng kiến biết bao niềm vui, nỗi buồn cùng bà con giáo dân như Rửa tội chào đón những em bé vừa sinh, ban phép Hôn phối cho những đôi tân hôn, có khi an ủi Sức dầu cho những bệnh nhân đau yếu, có khi chia lìa tiễn đưa những thân nhân mà Chúa gọi về…
Đến những năm đầu của thập niên 90 thế kỉ 20, khi nội bộ giáo xứ Thịnh Long với vị chủ chăn “có vấn đề” trong quan hệ, những người có trách nhiệm đã đệ đơn lên hẳn Giám mục Bùi Chu để xin linh mục về ổn định xứ; có người đến đặt vấn đề với linh mục “Chỉ có linh mục về mới… “trị yên” được những phức tạp kéo dài trong giáo xứ…!”. Linh mục đã khiêm tốn ôn tồn rằng: “Tôi không có tài cán gì để “trị yên” người ta được đâu, nhưng nếu đúng giáo xứ có những chuyện phiền lòng như vậy, Giám mục ra Bài sai thì tôi sẽ vui lòng đến với anh chị em để ổn định tình hình giáo xứ. Đời linh mục tôi không có nhiều tiền, quyền bính… mà chỉ có tấm lòng đến với anh chị em thế thôi”. Người đang đối diện với Ngài… ngẩn ngơ vì đã trót nói những lời lẽ không đúng với tinh thần mục vụ của Ngài. Rồi cũng không xa, Ngài được Giám mục cho gọi, sai đi trong coi xứ mới tức giáo xứ Thịnh Long nơi mới Ngài đến coi sóc và nay đã nghỉ hưu tại nơi đây theo giáo luật. Hôm Ngài “bỏ” 10 giáo xứ mà đi, bà con giáo dân không cho Ngài đi, họ nằm ra đường nhà thờ giáo xứ Tứ Trùng, ngăn không cho ô tô qua; một bên đón thì muốn đón bằng được, một bên giữ thì cũng muốn giữ bằng mọi giá… Thấy tình hình bất ổn, Ngài phải xuống xe, tìm gặp lại các cụ trùm có uy tín, nhờ các cụ giải thích cho giáo dân: Cha là cha chung, giáo xứ nơi đây với giáo xứ ngoài kia (chỉ giáo xứ mới là Thịnh Long) như anh với em, cha đã từng có trên 40 năm liên tục nâng liu “anh”, giờ “em” cần cha, cha phải có trách nhiệm với “em” đó không được thỏa nguyện hay sao… Các cụ trùm râu tóc bạc phơ ôm chầm lấy Ngài lần nữa, bật khóc lên như những đưa trẻ phải xa mẹ nhiều ngày, rồi mạnh mẽ như người chỉ huy, chỉ trỏ cho con cháu tránh lối đề Ngài đi!   
          Và quả thật niềm khát khao mong đợi của giáo dân Thịnh Long được nhanh chóng đáp ứng ngay từ buổi đầu đón Ngài về. Ngài không “đao to búa lớn” mà chỉ luôn thường trực nụ cười trên môi ấy thế mà “kẻ trên người dưới”, đoàn kết, phấn khởi làm theo răm rắp, các cụ già thì lau dọn bàn lễ, thanh niên nam nữ thi đua vệ sinh nơi ở trong dân cư và nơi thờ tự, đặc biệt là các cháu nhỏ thi đua học bài và học kinh. Trong buổi lễ “chào hỏi” nơi xứ mới, Ngài đã dành thời gian đáng kể để đề cập ngay đối với giáo dân, nhất là lớp trẻ: “Giáo xứ Thịnh Long có biển, ta phải khai thác biển cũng như làm du lịch phải theo tinh thần… Người Công giáo”… Và hiện nay có rất nhiều người khi đã về với biển Thịnh Long, nơi có giáo xứ Thịnh Long đều ngỡ ngàng vì người dân làm du lịch nơi đây ứng xử với họ như những người nhà, không bắt chẹt, nói thách, không to tiếng; trái lại, rất lịch lãm, vui vẻ!
          Có một lần tôi đưa Ngài đi khám thận ở bệnh viện Bạch Mai, chuyện dẫn đến đau thận âu cũng là do Ngài từng phải uống quá nhiều thuốc tây sau vài lần đại phẫu thuật tim. Ngài tâm tình, thể hiện sự biết ơn “Nếu không có Quốc hội cha chết lâu rồi con ạ”, chuyện là, khi Ngài bị bệnh tim, khi ấy Ngài đang là đại biểu Quốc hội khóa IX, Ủy ban Thường vụ đã tạo điều kiện về tài chính để chữa trị cho Ngài; sau khỏe, Ngài tiếp tục tham gia và hoàn thành trên cương vị đại biểu thêm một khóa nữa. Quả thực khi Ngài là đại biểu Quốc hội cùng với cương vị Ủy viên MTTQ các cấp và là một trong những người đứng đầu tổ chức Ủy ban Đòan kết Công giáo Việt Nam, qua mỗi lần tiếp xúc với giáo dân hay trên các đăng đàn, Ngài đã luôn chú ý lắng nghe, Ngài là cầu nối giữa đạo với đời rồi phản ánh lại với các cơ quan ban ngành, có những vấn đề khá mới, nhậy cảm, thậm chí là phức tạp… nhưng đều trên tinh thần xây dựng và khách quan nên mọi việc đều diễn ra rất tốt đẹp. Ví như chuyện xin lại ngôi nhà thờ Sanh Tôma ở Thành phố Nam Định; chuyện cùng hiệp thương, bàn bạc với một số ban ngành để thuyên chuyển, bổ nhiệm một số chức sắc trong giáo phận… Ngài không ngần ngại thậm chí là rất sốt sắng.
 
Và khởi xướng mô hình hay đầu tiên ở nước ta:
          Năm ngoái (2008), tuy đã được nghỉ hưu, Ngài đã cố vấn cho tân linh mục xứ xứ Thịnh Long, Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn, tổ chức các đoàn hội và bà con giáo dân trong giáo xứ ra thăm viếng và tham dự thánh lễ cầu hồn cho các anh linh liệt sỹ cả lương lẫn giáo, tại nghĩa thị trấn Thịnh Long. Nghĩa trang thị trấn có tổng số liệt sỹ an nghỉ là 240, trong đó có 24 liệt sỹ là người Công giáo, có những gia đình Công giáo có đến hai liệt sỹ như gia đình cụ Soạn. Buổi lễ cầu nguyện được xem là buổi lễ đầu tiên tại vùng giáo (tám giáo họ có tám vòng hoa kính viếng), thể hiện niềm tri ân đặc biệt với các Anh hùng liệt sỹ, thương binh,với đạo với đời. Qua nghĩa cử cao đẹp trên càng tăng thêm tình cảm giữa các chức sắc, chức việc với các ban ngành xã hội, đặc biệt làm tăng thêm tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ với quê hương, đất nước; tự hào thế cha anh là người Công giao cũng đã có người ngã xuống vì nền độc lập cho Tổ quốc... Cũng vì thế mà trong dịp Noel năm 2008, bên cạnh các đoàn hội trong giáo xứ, còn có cả ban Văn hóa xã, tổ dân phố, các cháu mẫu giáo, thanh niên nam nữ ... tôn giáo bạn cũng đến chia vui, chúc mừng, giao lưu biểu diễn văn nghệ mừng Chúa giáng sinh thật quy mô. Phía bà con giáo dân như cởi tấm lòng được tôn giáo bạn đến chung vui chia sẻ; thanh niên tôn giáo bạn và các bậc cha mẹ đều nhận thấy một diễn đàn vui vẻ, lành mạnh nên tham gia. Kế thừa cách làm tốt đẹp từ năm ngoái, kỉ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ năm nay và các năm tiếp theo, linh mục xứ đã được tổ chức trang trọng hơn, qui mô hơn, có sự tham dự của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo VN; Ủy ban MTTQ và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định và đại diện các ban ngành địa phương. Nét đặc biệt của năm nay là linh mục chánh xứ mời 5 linh mục trẻ đã từng phục vụ tại quân ngũ, hiện đang là linh mục chánh xứ, linh mục trưởng giáo hạt, và linh mục quản lí cho giáo phận.

Tại Thánh lễ cầu nguyện cho các anh hùng liệt sỹ, linh mục Hiệp đã tri ân: “Cùng với muôn vàn cách tri ân mà dân tộc Việt Nam đã và đang làm để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, người Công giáo Thịnh Long hôm nay tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho các anh. Thiết nghĩ, đây là một cách tri ân mang đầy ý nghĩa nhân văn và mang đậm chất Công giáo. Đối với người Công giáo dâng thánh lễ cầu nguyện là một việc làm cao cả nhất, là sự trả ơn sâu sắc nhất mà người đang sống có thể làm cho người đã khuất. Không những thế, khi dâng thánh lễ chúng ta còn dâng các anh hùng liệt sỹ lên Thiên Chúa nhân hiền, các anh chính là món quà quý giá nhất, lễ vật xứng đáng nhất của người Việt Nam dâng lên Đấng Tối Cao. Như xưa Chúa đã hi sinh tính mạng để nhân loại được sống trong yêu thương, ngày nay các anh cũng dùng chính cái chết của mình để Dân tộc Việt Nam được sống trong hoà bình. Các anh chính là những người con ưu tú của đất Việt thì cũng là những người con mà Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta xin các anh cầu bầu cùng Thiên Chúa cho quê hương Việt Nam mãi được hoà bình, cho những thành quả mà các anh đã giành lấy bằng những giọt máu đào mãi được gìn giữ và đơm hoa kết trái”.

Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Cổ tích về người mẹ 'khất thực' nuôi con (04/11/2009)
Tấm lòng của một linh mục (27/10/2009)
Linh mục với những cái nhìn đổi mới (23/10/2009)
Khuyến học ở giáo xứ Vỷ Nhuế- giáo phận Hà Nội (19/10/2009)
Tấm lòng Lý Ngọc Minh trong như chén ngọc, thảo như cúp Lạc Hồng! (19/10/2009)
Đồng bào công giáo Lâm Đồng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (02/10/2009)
Nhiều điển hình trong đồng bào Công giáo (01/10/2009)
Một linh mục có nhiều đề xuất hay trước sự xâm thực của biển (16/09/2009)
Người làm phúc cho những linh hồn bé bỏng (16/09/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log