Trong Lời điếu đọc tại Lễ tang Linh mục (đăng trên báo Nhân Dân số 237 ra ngày 11 và 12-10-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Từ ngày nhân dân tin cậy cử Cụ làm Ðại biểu Quốc hội và Quốc hội cử Cụ vào Ban Thường trực, Cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam. Nay, Cụ mất đi, Chính phủ và nhân dân vô cùng thương xót. Trong lúc ốm nặng, Cụ thường nói với tôi: Mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết Cụ cũng thỏa lòng. Nay hòa bình đã trở lại, Cụ đã thỏa lòng. Nhưng tiếc rằng Cụ không còn nữa để giúp nước giúp dân". Nhân 55 năm ngày Cụ Linh mục Phạm Bá Trực từ trần, Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết của PGS, NGND Lê Mậu Hãn, nội dung như sau:
Linh mục Phạm Bá Trực (1898-1954), là người con của một gia đình gốc đạo Công giáo ở tỉnh Ninh Bình, đồng thời ông còn là người con của một dân tộc có ý chí và khát vọng độc lập, tự do. Theo học ở La Mã chín năm, Phạm Bá Trực đỗ tiến sĩ triết học, luật học (giáo luật) và thần học. Về nước, sau khi được cử trông nom nhiều nhà thờ, đến năm 1929, Linh mục chính thức được cử làm Linh mục chính xứ Khoan Vĩ (nay thuộc xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Sống trong lòng dân tộc, Linh mục Phạm Bá Trực đã đượcchứng kiến từ năm 1930 trở đi, dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam ngày càng sâu rộng, đưa tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lôi cuốn toàn dân tham gia, trong đó có nhiều người dân thuộc các thành phần tộc người, tôn giáo chưa kịp tham gia các tổ chức cứu quốc cũng đã đồng hành trên con đường cách mạng giải phóng của dân tộc và dựng xây nền Dân chủ Cộng hòa trong đó có nhiều trí thức.
Sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại, phải nói rằng, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã bầu ra Ban Thường vụ của Quốc hội và thành lập được Chính phủ liên hiệp kháng chiến là thắng lợi hết sức quan trọng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là "kháng chiến và kiến quốc", giữ vững lời thề độc lập của quốc dân ngày 2-9-1945. Linh mục Phạm Bá Trực đã vì Chúa, vì chính nghĩa mà tham gia hoạt động trong Quốc hội, rồi tham gia kháng chiến. Nhân một lễ Giáng sinh, Linh mục Phạm Bá Trực từng viết: "Ta hãy vì Chúa vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt... Vì chính nghĩa, ta hãy đoàn kết, đại đoàn kết chặt chẽ với hết thảy đồng bào toàn quốc; hãy hết tâm thực hành và phổ thông đức bác ái công giáo. Ta hãy đứng lên sát cánh với toàn thể đồng bào đang kháng chiến lấy lại cho kỳ được độc lập, thống nhất, tự do thực sự cho Tổ quốc". (Ta hãy vì Chúa vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt, báo Sự thật, số 105, năm 1948). Với vốn tri thức phong phú, Linh mục Phạm Bá Trực đã thấu hiểu được giá trị những lời dạy của chúa Giêsu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét là "có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả", Linh mục lại là người có ý thức dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, nên đã được nhân dân khu vực bầu cử tỉnh Hà Nam tin cậy và bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam. Với đạo đức và tài năng của mình, trước đòi hỏi của quốc dân và chính sách đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh, của chính quyền cách mạng, Linh mục Phạm Bá Trực được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội (3-1946). Rồi do tình hình chiến tranh, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã quyết định giao cho Ban Thường trực nhiệm vụ liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến và phê bình Chính phủ; cùng Chính phủ quy định việc thi hành Hiến pháp, liên lạc với các đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội họp khi cần thiết, cùng Chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài. Với trọng trách nặng nề đó, Quốc hội đã bầu lại Ban Thường trực do cụ Bùi Bằng Ðoàn làm Trưởng ban, cụ Tôn Ðức Thắng và Tôn Quang Phiệt làm Phó Trưởng ban và 12 ủy viên chính thức, trong đó có Linh mục Phạm Bá Trực.
Ðến cuối tháng 12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, các ủy viên trong Ban Thường trực của Quốc hội được phân công về địa phương để động viên nhân dân kháng chiến và tùy theo khả năng, yêu cầu mà tham gia kháng chiến ở từng địa phương. Còn ở Trung ương, cụ Bùi Bằng Ðoàn được phân công ở bên cạnh Chính phủ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường trực, và cụ Tôn Ðức Thắng, Linh mục Phạm Bá Trực cũng đã được mời về cùng. Năm 1948, cụ Bùi Bằng Ðoàn bị ốm, phải đi chữa bệnh. Cụ Tôn Ðức Thắng giữ chức Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, bên cạnh là Linh mục Phạm Bá Trực. Tháng 2-1950, Ban Thường trực đã bầu bổ sung ba ủy viên chính thức và bầu Ban Thường vụ mới gồm 5 thành viên, cụ Bùi Bằng Ðoàn vẫn giữ chức Trưởng ban, và các cụ Tôn Ðức Thắng, Phạm Bá Trực, Tôn Quang Phiệt, Dương Ðức Hiếu, Trần Huy Liệu, cụ Phạm Bá Trực còn là Phó Trưởng ban Thường trực. Ban Thường vụ mới tiếp tục giữ trọng trách thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội đề ra tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai năm 1946.
Là đại biểu Quốc hội, được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, trên cương vị từ ủy viên dự khuyết đến Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Linh mục Phạm Bá Trực đã tích cực tuyên truyền chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong việc bầu Quốc hội, trong việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến; thực hiện duy trì mối quan hệ với nhân dân và chính quyền các cấp ở địa phương. Các chính sách lớn của Chính phủ như chính sách sản xuất và tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất, phát động quần chúng giảm tô, giảm tức,... đều nhận được sự góp ý, đồng thuận của Ban Thường trực của Quốc hội. Linh mục Phạm Bá Trực đã hết lòng hết sức với công việc của mình, như Báo cáo của Ban Thường vụ của Ban Thường trực Quốc hội từ lần Hội nghị tháng 2-1950 đến tháng 2-1951 do cụ Tôn Quang Phiệt ký, đã viết: "Hồi tháng 5-1950, sau lúc thi hành Sắc lệnh Tổng động viên, Chính phủ đã cho phái đoàn thanh tra đi các địa phương ở Việt Bắc để xem xét sự thực hiện tổng động viên và động viên dân chúng tham gia kháng chiến. Ban Thường trực đã cử cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực và ủy viên Y Ngông, một dự vào đoàn phía bắc, một dự vào phái đoàn trung du, trong thời hạn hai tháng giời, phái đoàn đi nhiều nơi trong 6 tỉnh phía bắc, và lúc về đã có báo cáo tường tận... Hồi tháng 10, sau khi ta giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn thì cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực đã cùng một vị Bộ trưởng đại diện cho Ban Thường trực và Chính phủ đi tận vùng vừa được giải phóng để tưởng lễ bộ đội, phủ dụ dân chúng và nhất là úy lạo các thương binh".
Ðược nhân dân tin cậy, bầu làm đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã bầu vào Ban Thường trực, suốt 8 năm kháng chiến, Linh mục Phạm Bá Trực đã đem hết tinh thần và nghị lực phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, trực tiếp giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng cho đến lúc lâm bệnh, và đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 5-10-1954. Cả cuộc đời, Linh mục Phạm Bá Trực đã gắn bó với lời dạy của Chúa Giêsu, một lòng tận tụy với vận mệnh dân tộc và luôn luôn cố gắng để cộng đồng Thiên chúa ở Việt Nam "sống phúc âm trong lòng dân tộc". Với lòng tiếc thương vô hạn đối với một vị linh mục tận tụy, yêu nước và là một người bạn thân mến, trong lời điếu Linh mục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam".
PGS, NGND LÊ MẬU HÃN
(Ðại học Khoa học XH&NV
thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội)