Gương điển hình

Linh mục Trương Bá Cần-người hiến thân làm nhịp cầu nối hai bờ đạo- đời

Cập nhật lúc 09:51 21/06/2011

 

Trong lĩnh vực xã hội, có không ít những dòng sông vô hình được tạo dựng nên do kinh tế, chính trị, dân tộc, tôn giáo … để ngăn cách con người với con người. Nếu cuộc chiến tranh lạnh ở thế kỷ XX đã chia loài người thành hai phe địch – ta rất khắc nghiệt thì về mặt tôn giáo, nhiều nơi, các tín đồ cũng buộc phải lựa chọn một trong hai chiến tuyến: đạo hay đời. Do vị trí địa chính trị của mình nên Việt Nam sớm trở thành tiêu điểm của lịch sử và từ cuối thế kỷ XIX sự phân cực càng trở nên căng thẳng, gay gắt hơn. Người Công giáo Việt Nam bị đẩy vào một tình thế nan giải: theo đạo thì phải quay lưng lại với dân tộc và sau này là phải chống lại cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo và ngược lại thì mất đạo. Nỗi băn khoăn, day dứt bám theo nhiều người Công giáo Việt Nam suốt cả một thời gian dài. Đức Giám mục Bùi Tuần đã chia sẻ rằng: “ Một đàng độc lập dân tộc và hoà hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng chống cộng lại là mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm tập trung vào việc giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc lương tâm tôi cảm thấy diễn ra xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này qua năm khác” (1).
Vậy là đã có một dòng sông sâu thăm thẳm, rộng mênh mông chia cắt đạo- đời. Ai sẽ làm nhịp cầu nối hai bờ xa cách đó?
Trong lịch sử Việt Nam cũng như của chính đạo Công giáo đã có những con người dũng cảm đứng ra làm nhịp cầu nối hai bờ đạo- đời. Nguyễn Trường Tộ (1830- 1871) là một người như vậy. Trong khi triều đình nhà Nguyễn thi hành chính sách hà khắc với đạo Công giáo, Nguyễn Trường Tộ vẫn dốc tâm huyết dâng lên triều đình 58 bản điều trần những mong làm cho nước mạnh, dân cường đủ sức đánh đuổi thực dân Pháp. Ông nhẹ nhàng nhưng không kém sâu sắc khi can gián vua về chính sách cấm đạo: “Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời nhà Lê… lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng) tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái tiếp đón nhau, năng lui tới nhau, không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghét ghen kỳ thị nhau, do ghen ghét mới sinh ra tội lệ. Từ đấy giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào hình phạt. Nước vốn trong, có khuấy lên mới bị đục, nếu ngừng lại, chốc lát sẽ trở lại trong” (2). Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, coi ông là “người Công giáo yêu nước, nhà cải cách táo bạo, nhà triết học lớn có tư duy vượt thời đại”…song ít người biết ông phải mang bi kịch khi đứng ra làm nhịp cầu giữa đạo và đời hồi đó. Triều đình không tin ông vì ông là người Công giáo lại còn làm phiên dịch cho Tổng chỉ huy quân viễn chinh người Pháp là Leonardo Saclo trong cuộc hoà đàm năm 1862 tại Gia Định làm mất 6 tỉnh Nam Bộ. Người Công giáo chẳng tin ông vì ông dám đưa ra tư tưởng táo bạo là đề nghị Toà thánh rút hết giáo sĩ người Pháp về giao lại giáo hội Việt Nam cho người Việt Nam. Các môn sinh đồng khoá Nho học với ông thì chỉ trích ông đã phản bội thày dạy làm cho ông phải thốt lên: “ Ta đã sai lầm chăng? Nếu hồi đó không nhận làm thông ngôn cho Saclo thì hôm nay bạn bè có dám khinh thường ta như thế không? Sự hiểu lầm của triều đình, của nhân dân lương, giáo, của quân Pháp không có gì đang sợ. Sự hiểu lầm của bạn bè hôm nay mới khủng khiếp làm sao!” (3). Cái bi kịch dồn nén, chất chứa trong ông lâu ngày, nay vỡ ra. Ông ho dữ dội, nôn ra máu và trút hơi thở cuối cùng đêm 10 tháng 10 năm Tân Mùi (1871).
Khi tìm hiểu về những bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, tôi cứ hay nghĩ về linh mục Trương Bá Cần. Bởi lẽ, hai người có nhiều nét tương đồng. Cả hai cùng quê ở Nghệ Tĩnh. Nguyễn Trường Tộ là tác gia mà linh mục Trương Bá Cần đã giành nhiều tâm huyết để nghiên cứu để cho ra mắt cuốn sách năm 1988: “ Nguyễn Trường Tộ- con người và di thảo”. Đây là một ấn phẩm công phu rất có giá trị cho giới học thuật mà bất kỳ ai tìm hiểu về Nguyễn Trường Tộ đều phải đọc. Và cả hai đều đã chấp nhận những bi kịch về phần mình khi tự hiến thân làm nhịp cầu nối hai bờ đạo- đời.
Nhìn bề ngoài, thấy linh mục Trương Bá Cần cũng được vinh danh đủ cả. Nào huân huy chương các loại, nào giữ ghế Tổng biên tập báo Công giáo và dân tộc cả một thời gian dài (1991-2009), rồi Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh… Còn trong lễ an táng của linh mục tại nhà thờ Vườn Xoài thì quá trọng thể và đủ cả quan chức đạo, đời. Ông Lê Thanh Hải - Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đến viếng và ghi vào sổ tang: “ Vô cùng thương tiếc linh mục Trương Bá Cần, người đã có nhiều đóng góp cho phong trào đấu trang giảiphóng dân tộc, thống nhất đất nước cùng sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn cũng ghi vào sổ tang: “ Cảm ơn Cha đã đóng phần của Cha vào công cuộc xây dựng Giáo hội và đất nước”… Thật là tốt đạo, đẹp đời.
Cái khó và cũng dễ bị nghi ngờ cho những người làm cầu nối là họ phải cố gắng làm cho bên này hiểu bên kia, cả cái tốt và cái chưa tốt. Nhiều khi họ cũng phải lên tiếng phê phán bên này, chỉ trích bên kia không với ác ý mà chỉ muốn đục đẽo mỗi bên một lỗ mộng để hai khúc gỗ vốn chẳng dính líu với nhau nay có thể nối chắc với nhau như kèo với cột.
Trong suốt cuộc đời làm linh mục, làm sử gia, làm nhà báo của mình, linh mục Trương Bá Cần đã làm cái việc nối kết đó.
Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc lại nhiều bức thư không niêm của linh mục Trương Bá Cần gửi các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Không có lòng dũng cảm không viết được những lá thư như vậy. Ví dụ, trên nguyệt san “ Công giáo và dân tộc” số tháng 1-1995, linh mục Trương Bá Cần đề nghị các vị lãnh đạo Nhà nước “cho xét duyệt và biên tập lại các sách giáo khoa nói về tôn giáo, đặc biệt xin xét duyệt và biên tập lại chương XI trong cuốn sách “Chủ nghĩa cộng sản khoa học”, Giáo khoa Trung cấp do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và đang lưu hành ”, trong đó linh mục đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể. Phải là người đọc nhiều, nghĩ nhiều đến con đường hoà hợp dân tộc mới có thể kiến nghị được xác đáng như thế. Bây giờ, nói như vậy không có gì ghê gớm cả nhưng 30 năm trước thì xôn xao lắm. Sách giáo khoa là công cụ truyền bá kiến thức và quan điểm của Nhà nước. Nói “xét duyệt và biên tập lại”, có nghĩa là yêu cầu Nhà nước xét lại quan điểm về tôn giáo. Quá to gan. Nhưng có gì vô lý và rất đáng ngờ khi Đảng Nhà nước kêu gọi các tôn giáo đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc nhưng trong sách báo chính thống lại luôn coi tôn giáo “ là thù địch, phản động, mê tín dị đoan”. Kiến nghị như thế, người có đạo nghe sướng cái bụng nhưng chắc các nhà quản lý tôn giáo không ưng lắm.
Trước đây các thông tin chính trị xã hội “ có tính nội bộ” nhất là về tôn giáo đều là loại “ mật” nên tin tức loan truyền chủ yếu theo con đường truyền miệng, vỉa hè. Mà chuyện vỉa hè cũng có cái đúng, cái sai thất thiệt rất phức tạp. Với tư cách là tờ báo của giới Công giáo, những năm linh mục Trương Bá Cần lãnh đạo, tờ Công giáo và dân tộc cũng có một cách tiếp cận thông tin và hướng dẫn dư luận bằng cách “bạch hoá” các tin đồn thổi. Ví dụ sau cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Toà thánh và quan chức Việt Nam tháng 4-1995, không có thông báo báo chí. Tin tức hai bên đưa ra thì nhỏ giọt và trái ngược nhau. Phía Việt Nam cho rằng “hai bên đã thông báo cho nhau về những vấn đề liên quan đến giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau” ( Báo Nhân dân ngày 5-4-1995). Còn phía Đức ông Claudio Celli- Trưởng đòan của Vatican thì nói “Đây là một tai nạn trên đường đi của chúng tôi” (Radio Vatican ngày 4-4-1995). Trước tình hình đó, linh mục Trương Bá Cần đã viết bài “Kính mong Ban Tôn giáo giải thích cho dư luận” (Nguyệt san CG&DT số 4-1995). Bài viết khá dài, người đọc sẽ thích thú vì quá nhiều thông tin nhưng chắc cả phía Nhà nước và giáo hội đều không thích vì còn nhiều vấn đề chưa thể công khai được. Giai đoạn này, vấn đề bức xúc nhất từ phía cộng đoàn Công giáo là cả ba Tổng giáo phận Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh đều trống toà. Phản ánh bức xúc này linh mục Trương Bá Cần với bút danh Hương Khê đã viết: “ Cộng đồng dân Chúa ở Việt Nam có quyền đòi hỏi Giáo quyền và Chính quyền giải thích rõ về một tình hình không bình thường là tất cả ba Tổng giáo phận ở Việt Nam chỉ có Giám quản Tông toà( tức chủ chăn tạm thời). Bởi vì cuối cùng, chỉ có người Việt Nam Công giáo ở Hà Nội, ở Huế và ở Thành phố Hồ Chí Minh là bị thiệt hại do những tính toán của Toà thánh Vatican hay của Nhà nước Việt Nam mà thôi” (4).
Với bằng TS sử học của đại học danh tiếng Sorbonne ( Pháp), linh mục Trương Bá Cần say mê nghiên cứu lịch sử giáo hội Công giáo Việt Nam. Đi đến đâu, linh mục cũng chịu khó sưu tầm tư liệu, chứng tích nhất là thời kỳ cấm đạo của nhà Nguyễn. Cả một núi tài liệu được gom nhặt nhưng cuốn “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam” với gần 2000 trang in khổ lớn mãi vẫn không được cấp phép in. Có người lo ngại, chuyện đau buồn quá khứ đã qua, vết thương đã lành, không nên đào bới lên nữa. Nhưng sử gia phải có nhiệm vụ ghi chép lại cho hậu thế các sự kiện lịch sử đã xảy ra và càng để lâu, càng khó dựng lại vì mất dấu vết. Còn gì đau buồn hơn khi đứa con tinh thần của mình thai nghén mãi không được sinh ra. Cuốn sách phải xé lẻ, in dần trên phụ trang Nguyệt san CG&DT cả một thời gian dài. Cũng may là năm 2008, nó được cấp phép, in ấn khá đẹp và tác giả còn kịp trông thấy trước khi nhắm mắt.
Nhiều sự kiện nhạy cảm có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ đạo- đời nhưng linh mục Trương Bá Cần không hề tránh né. Linh mục đề cập đến nó với tư cách là nhà nghiên cứu vừa với bổn phận công dân vừa với trách nhiệm người linh mục nhưng đôi khi vẫn phải chịu những trận cuồng phong của dư luận Công giáo. Ví dụ bài “ Về Toà Khâm sứ Hà Nội” đăng trên báo CG&DT số 1646 ngày 29-2-2008. Bây giờ nếu bình tĩnh đọc lại những dòng này: “ Toà Khâm sứ ở Hà Nội đang do Nhà nước quản lý trên nguyên tắc khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Việt Nam và Toà thánh, vấn đề trao trả sẽ được đặt ra. Nhưng hiện nay khi quan hệ ngoại giao chưa được thiết lập, Hội đồng GMVN hay Toà TGM Hà Nội nếu thực sự có nhu cầu cũng có thể xin Nhà nước giao cho mình quản lý bởi vì Hội đồng GMVN hay Toà TGM Hà Nội đều là những tập thể có tư cách và điều kiện để quản lý”, nhiều người chắc cũng có thể chấp nhận cũng như bài phát biểu của TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói ở Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 20-9- 2008, một trang báo điện tử sau đó đã thăm dò ý kiến và cho kết quả là 95,2% người đồng ý với TGM Kiệt, chỉ có 4,2% phản đối nhưng khi đó cả một làn sóng phản đổi TGM Kiệt đã nổ ra trên các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh đó, sự phản ứng với bài báo của linh mục Trương Bá Cần cũng là điều dễ hiểu.
Tôi cũng có không ít lần được tiếp xúc với linh mục Trương Bá Cần. Đó là một người kiệm lời và cẩn trọng nhưng sắc sảo. Tôi viết báo Người Công giáo Việt Nam từ thời còn là báo Chính nghĩa nhưng bạn đọc biết tên nhiều khi bài của tôi được đăng trên báo CG&DT. Ví dụ các bài “ Thông thoáng Bùi Chu”, “ Phát Diệm một lần về thăm”, “Tôn giáo một tiềm năng chưa được khai thác, một thực tế bị né tránh”…lúc đầu tôi viết gửi báo Người Công giáo Việt Nam nhưng không thấy đăng, tôi lấy lại gửi cho linh mục Trương Bá Cần và được in liền. Nhiều xứ ở Bùi Chu, Phát Diệm đã đọc bài báo trên trong nhà thờ. Bởi vậy, tôi thầm cảm ơn linh mục Trương Bá Cần đã làm bà đỡ cho những bài báo của tôi.
Trong khi chuẩn bị văn kiện cho đại hội V của Uỷ ban ĐKCGVN cuối năm 2008, một linh mục được giao soạn thảo. Linh mục đó có ý tưởng khá sâu sắc nhưng về hình thức không theo form của một bản báo cáo nhưng rất khó góp ý để tác giả chỉnh sửa. Một linh mục gợi ý với chúng tôi: phải nhờ linh mục Trương Bá Cần. Chúng tôi bay đi thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề được giải quyết hết sức chóng vánh. Chúng tôi lại phải cảm ơn linh mục Trương Bá Cần.
Linh mục Trương Bá Cần bây giờ đã là nhân vật của lịch sử, của công chúng. Nếu chỉ cần gõ từ khoá “ Lm Truong Ba Can”, google sẽ cho 15 triệu kết quả. Một người của công chúng thì bị dư luận khen chê cũng là chuyện thường tình. Một linh mục, bạn của linh mục Trương Bá Cần khi đưa tin linh mục qua đời đã viết: “ Tôi nghĩ khi cha Cần còn sống thì nhiều người có những nhận định và tư tưởng khác nhau và cha Cần cũng đã bị chửi về lập trường và đường lối của mình. Một số người đã gắt gao lên án cha Cần” (5). Song có lẽ cha Cần sẽ dùng lời của thánh Phê rô để thưa lại như trên tấm banrol tại nhà thờ Vườn Xoài trong lễ tang của Cha ngày 13-7-2009 rằng: “Lạy thày, chỉ có Thày mới biết con yêu mến Thày”.
Vâng, tôi tin không chỉ có Chúa biết mà rồi cũng sẽ có nhiều người biết công việc làm cây cầu nói đạo- đời của Cha.
Hà Nội, Mùa Chay năm 2011
Chú thích:
1- Vài vấn đề trong mục vụ tại VN hôm nay, báo CG&DT số 1574 ngaỳ 24-11-2005
2- Nguyễn Trường Tộ- con người và di thảo, Nxb T.p HCM 1988, tr.116
3- Đinh Văn Niệm: Nguyễn Trường Tộ, người Công giáo yêu nước, nhà cách tân có tư duy vượt thời đại, tham luận tại hội thảo “ Người Công giáo Thủ đô với Thăng Long- Hà Nội” ngày 28-9-2010
4- Thêm một Giám quản Tông toà, báo CG&DT ngày 5-9-1995
5- Lm FX Nguyễn Hùng Oánh trên Vietcatholic.net ngày11-7-2009
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Hải Phòng: Hiệu quả tích cực từ thực hiện 7 tốt đời, 3 đẹp đạo. (08/06/2011)
Nhóm sinh viên Công giáo Hải Hà sẵn sàng Tiếp sức mùa thi đại học, cao đẳng 2011. (06/06/2011)
Lái xe Taxi Thanh Nga chứng minh Đạo trên... đường (18/05/2011)
TIỂU SỬ TÓM TẮT LM PHAN KHẮC TỪ (12/05/2011)
Trùm giáo họ Phụng Thượng tích cực tuyên truyền chính sách dân số- gia đình. (08/05/2011)
Thái Bình: Người Công giáo xã Vũ An tích cực xây dựng đời sống văn hóa và chấp hành tốt pháp luật. (05/05/2011)
XUÂN HOÀ, THÔN CÔNG GIÁO ĐIỂN HÌNH (04/05/2011)
Linh mục Lê Ngọc Hoàn: Tôi cũng như bà con giáo dân rất vinh dự có cha xứ được tham gia Quốc hội. (26/04/2011)
Giáo dân Phú Thọ khai thác hiệu quả kinh tế biển (21/04/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log