Tôi có người anh đi tu, mỗi dịp Tết hay hè, anh từ Qui Nhơn về nghỉ với gia đình, thấy anh được mọi người quý mến, tôi nảy sinh ý định lớn lên cũng sẽ đi tu. Khi giáo phận tổ chức thi tuyển vào Tiểu Chủng viện, ba mẹ hỏi có muốn đi tu không? Tôi trả lời có, mặc dù chưa hiểu rõ đi tu là thế nào.
Thế là mẹ dẫn tôi đến gặp cha xứ Giuse Lê Văn Ấn (sau này làm Giám mục Xuân Lộc) để xin ngài ký giấy. Ngài nhìn tôi sau cặp kính cận rồi nói: “Thằng này đi tu được, để tôi nhận làm con”. Kỳ thi đó, tôi trúng tuyển lớp đầu tiên của Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng. Trong số 200 thí sinh, Chủng viện nhận 120, lên Đại Chủng viện còn 33, đến ngày làm linh mục thì còn được 6 người. Tôi dần khám phá ơn gọi của mình nhờ gương sáng của các linh mục, tu sĩ mà Chúa đặt để trên con đường mình đi.
Tôi xác tín gia đình góp phần quan trọng vào hành trình ơn gọi của con cái. Tôi còn nhớ một vài chi tiết tưởng chừng nhỏ, nhưng có ảnh hưởng lớn đến bản thân, đó là cha mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở các anh chị em ở nhà sống tốt, đừng để ảnh hưởng cho ơn gọi của các em đi tu: “Gia đình có con cái đi tu, thì mọi người khác cũng như đi tu theo!”. Một điểm son nữa là gia đình tôi luôn đọc kinh tối, và trước khi kết thúc còn đọc thêm ba kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho ba anh em đang đi tu. Sau 1975, cha mẹ đưa gia đình đi kinh tế mới ở miền Nam, còn chúng tôi ở lại giáo phận Đà Nẵng, tôi nhớ rằng cuối mỗi lá thư gởi thăm, cha tôi đều viết thế này: “Ba mẹ và các em hằng cầu nguyện cho các con được trung thành với ơn gọi”. Những điều đó khích lệ chúng tôi rất nhiều trên con đường theo Chúa.
Từ khi làm linh mục, tôi không còn được hưởng niềm vui đoàn tụ gia đình ngày đầu Xuân, vì mình phải ở với đoàn chiên. Trong giờ phút thiêng liêng Giao thừa và ba ngày đầu năm, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại cảnh sum họp gia đình thời còn bé, vài ký ức tới nay vẫn in sâu đậm: giúp mẹ gói bánh chưng, canh nồi bánh đêm khuya, dâng Năm Mới vào phút Giao thừa và thánh lễ minh niên, bữa ăn đầu năm thường không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Bây giờ, ở những giây phút ấy, tôi đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể để dâng Năm Mới, dâng giáo phận, dâng những người thân yêu còn sống hay đã qua đời cho Chúa.
Tôi xác tín rằng, gia đình Công giáo được xây dựng trên nền tảng lòng đạo đức. ĐTC Piô XII đã nói: “Một gia đình cầu nguyện là một gia đình hạnh phúc”. Hình ảnh cả gia đình cùng đến trước bàn thờ Chúa là hình ảnh đẹp nhất. Vì thế, tôi vẫn khuyến khích các gia đình duy trì hoặc tái lập giờ kinh tối. Tuy cuộc sống hiện nay có nhiều lôi cuốn khiến họ bỏ qua việc cầu nguyện chung, nhưng gia đình nào có lòng đạo đức thì vẫn tìm được giờ khắc thuận lợi để cùng làm việc này. Khi còn làm cha sở Trà Kiệu, tôi tổ chức cho các gia đình đồng loạt đọc kinh chung vào lúc 8 giờ tối. Mọi người tạm dừng mọi công việc để cầu nguyện trong khoảng 10 phút, khi nghe hồi chuông từ nhà thờ vang lên. Lúc ấy đúng là “nhà nhà cầu nguyện, người người cầu nguyện”. Bà con giáo dân hưởng ứng rất tốt, tạo nên bầu khí đạo đức cho cả xứ. Bây giờ, thói quen đọc kinh gia đình đã mai một hoặc bị coi thường. Nhiều gia đình chẳng bao giờ cầu nguyện chung với nhau, thế thì bàn thờ trong gia đình chỉ còn là một thứ trang trí không hơn không kém !
Ước mong sao các gia đình Công giáo lấy lại việc đạo đức bình dân và bình dị này...
ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long
Phụ tá GP Hưng Hóa
(theo cgvdt)