Mãi cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in những bài học tuyệt vời thời thơ ấu tại gia đình. Khi tôi vừa lên bảy, gia đình tôi thật ít ỏi: chỉ có bà ngoại, cha mẹ và tôi sống trong một ngôi nhà tranh vách đất. Anh trai tôi mất sớm vì bệnh đậu mùa khi vừa được năm tuổi. Ba năm sau tôi mới được sinh ra. Còn em trai tôi thì mãi đến khi tôi lên tám tuổi nó mới ra đời. Vào thời điểm của những ký ức mà tôi sắp kể thì tôi là đứa con duy nhất trong gia đình, được đón nhận trọn vẹn ảnh hưởng tốt lành từ bà ngoại và cha mẹ là những tấm gương đạo đức.
Xóm tôi là xóm đạo toàn tòng, nên những đứa trẻ cùng trang lứa với tôi thường xuyên đến nhà thờ đọc kinh tối và thuộc khá nhiều kinh. Ngay từ nhỏ tôi đã có năng khiếu vẽ và nặn tượng. Tôi thường ra ruộng lấy đất sét về nhà nặn tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh theo mẫu tôi thấy trong nhà thờ. Những tượng bằng đất thô sơ và được tô điểm bằng những cây bút chì màu cũng đủ cho các bạn tôi trầm trồ thán phục và thường xuyên đến xem. Thế là chúng tôi nảy sinh ý tưởng tổ chức những cuộc rước kiệu với những bức tượng ấy trên con đường ngang lối tắt trong xóm. Số bạn bè tham gia có đến mươi đứa, đủ để tạo thành một đoàn rước kiệu mini. Chúng tôi vừa đi vừa đọc những kinh quen thuộc cách nghiêm trang sốt sắng.
Đức Cha Khôi năm 8 tuổi (1959) cùng cha Giuse Nguyễn Sồ (nguyên chánh xứ Chánh toà Qui Nhơn), thân phụ, bà ngoại và dì ruột là nữ tu hội dòng MTG Qui Nhơn |
Một hôm, có thằng bạn ngỏ ý xin đổi lấy một bức tượng của tôi bằng hai cây nến trắng. Tôi đồng ý liền, vì việc nắn tượng đối với tôi không có gì khó, nhưng hai cây nến thì tôi làm gì có tiền để mua. Đúng hẹn, thằng bạn đưa hai cây nến đến và tôi giao cho nó một bức tượng nó thích. Sau khi được hai cây nến, tôi vội chạy vào nhà, bắc ghế đặt nến lên bàn thờ trên đầu tủ. Tôi vô cùng thích thú khi thấy trên bàn thờ giờ đây có hai cây nến mới, lại do “công” mình làm ra. Bởi từ trước đến nay, cứ mỗi lần đọc kinh tối, cha tôi đặt lên bàn thờ một cây đèn dầu nhỏ có ngọn lửa yếu ớt, gọi là đèn “hột vịt”, do bóng đèn giống như quả trứng vịt. Đèn được thắp bằng dầu hỏa nên ít tốn kém. Chưa bao giờ tôi thấy trên bàn thờ có hai cây nến xinh đẹp như hôm nay, vì gia đình không có đủ tiền để mua mỗi ngày. Đặt hai cây nến lên bàn thờ xong, tôi cứ đu đưa trên võng trước bàn thờ để ngắm nghía và cũng có ý chờ bà ngoại, cha hoặc mẹ tôi vào nhà để khoe. Quả thật, một lúc sau bà ngoại tôi bước vào, tôi liền chỉ cho bà xem hai cây nến trên bàn thờ. Bà hỏi:
- Hai cây nến ở đâu ra vậy con ?
Tôi vội vàng khoe:
- Thưa ngoại, vừa rồi có thằng G. đem đến hai cây nến và xin đổi lấy bức tượng của con đó ngoại. Ngoại thấy được không ? Giờ kinh tối nay bàn thờ nhà mình sẽ thật sáng đó ngoại. Tôi chờ đợi lời khen của bà hay ít là một cái xoa đầu, nhưng thật hụt hẫng khi bà nghiêm mặt:
- Con phải đem hai cây nến này trả lại gấp cho thằng G., bởi vì cha nó làm ông từ trông coi nhà thờ, nên hai cây nến đó là của người ta dâng cúng cho nhà Chúa mà nó đã lén lấy, chứ nó làm gì có mà đổi cho con.
Tiu nghỉu, tôi nặng nề bắc ghế leo lên lấy hai cây nến xuống, đem trả lại cho thằng bạn và nói lý do như ngoại tôi đã nói. Nó nhận lại hai cây nến, nhưng bức tượng của tôi thì nó không chịu trả. Thế là mất tất cả, nhưng tôi lại được một bài học đầu đời thật hay.
Nhà thờ Gò Thị |
Câu chuyện thứ hai liên quan đến cha tôi. Như tôi đã kể, lúc ấy tôi thường xuyên vẽ hay đắp tượng thánh. Điều khó khăn nhất đối với tôi là tạo ra con mắt. Các bức tượng thường nhỏ, nên con mắt không lớn hơn hạt lúa. Dụng cụ duy nhất tôi có thể dùng để tạo ra con mắt chính là móng tay út của mình, nhưng cũng phải rất tỉ mỉ. May thay, gần nhà tôi có một ông chú tên X. chuyên nghề đắp tượng. Tôi thường đến nhà ông để xem và bắt chước. Tình cờ tôi phát hiện ra một vật ông dùng để tạo ra con mắt. Đó là một khúc kẽm gai được đập dẹp một đầu rồi uốn hơi cong như hình chiếc muỗng, đầu kia được gắn vào một tay cầm bằng tre. Khi muốn tạo ra con mắt cho bức tượng, ông chỉ cần ấn mạnh đầu cong vào khuôn mặt của bức tượng, một lần sấp, một lần ngửa, thế là tạo được hai mi mắt. Thật là đơn giản, nhưng với tuổi của tôi, tôi không thể tạo ra một dụng cụ như thế được, và tôi đã lén “chôm”.
Có được “bửu bối” tuyệt vời trong tay, tôi quay về nhà và vội vàng áp dụng ngay vào bức tượng tôi đang làm dang dở. Kết quả thật tốt khiến tôi hết sức vui mừng. Nhưng đang lúc ấy, cha tôi chợt tới. Khi thấy vật dụng tôi đang cầm ở tay, ông biết ngay nó là của ai. Cha tôi hỏi, tôi lúng túng và chỉ trả lời ấp úng. Biết ngay đây là của ăn cắp, cha tôi vội dẫn tôi đến nhà ông chú đắp tượng và bảo tôi trả lại cho chú cùng với lời xin lỗi. Nhưng rất bất ngờ, ông chú nói với cha tôi:
- Không sao đâu anh ! Tôi thấy thằng nhỏ có năng khiếu đó. Thôi, tôi cho nó, tôi sẽ tạo ra cái khác cũng được mà.
Một bài học về sự trung thực từ một người cha vốn bản tính đơn sơ thật thà khiến tôi nhớ mãi. Lần này tôi lại được tất cả !
Nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn |
Về phần mẹ tôi, bà là người mẹ hiền lành đạo đức, ít lời ăn tiếng nói, nhưng rất gần gũi với tôi trong việc giáo dục cũng như trong ơn gọi tu trì. Tôi có rất nhiều ký ức tốt đẹp về bà, trong phạm vi ngắn ngủi của bài chia sẻ này, tôi không thể kể ra hết. Bà vẫn giữ trong lòng những kỷ niệm về thời thơ ấu của tôi, nhất là mối liên hệ giữa thuở ấu thời ấy với ơn gọi linh mục của con. Sau này tôi có một đứa cháu kêu bằng bác, tức là con trai của em tôi và cháu nội của bà. Lúc còn nhỏ, nó cũng thường bày biện bàn thờ ở một góc vườn và đọc kinh cầu nguyện như tôi lúc trước. Vì thế, khi tôi đã làm linh mục, một hôm bà nói với tôi:
- Mẹ thấy thằng bé giống con hồi còn nhỏ, con hãy hướng dẫn nó làm linh mục như con đi.
Tôi vâng lời mẹ, và hôm nay đứa cháu ấy cũng đã làm linh mục…
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi - GP Qui Nhơn