Gương điển hình

Một tiền chủng viện tuyệt vời

Cập nhật lúc 09:29 03/03/2017
Nếu được nói về gia đình và về giáo xứ, nơi mình sinh ra và lớn lên, trước tiên, tôi tạ ơn Chúa đã thương cho tôi được phúc sinh ra và lớn lên trong bầu khí thật ấm cúng của gia đình và xứ đạo. Không có môi trường thuận lợi này, chắc tôi không có được những điều tốt đẹp hôm nay.

 
      Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được là một người con của gia đình giáo xứ Mỹ Hảo, thuộc giáo phận Phú Cường. Đó là một giáo xứ được tách ra từ giáo xứ Chánh tòa, vào khoảng năm 1963. Mỹ Hảo là một giáo xứ nhỏ ở miền quê, một phía giáp sông Sài Gòn và ba phía kia là ruộng đồng. Hiện nay, giáo xứ có khoảng 1.700 giáo dân, mà hầu hết là người dân miền Nam, với nếp sống khá đơn sơ chân thành. Có lẽ chính những yếu tố này đã tạo nên một bầu khí gần gũi, thân thương của một gia đình, giúp tôi dễ quen biết và sống thân tình với hết mọi người trong giáo xứ. Tôi cũng rất hạnh phúc vì được sống trong một gia đình khá đầm ấm. Cha má tôi đã sống gắn bó với nhau hơn 60 năm và đã được phúc mừng Ngọc Khánh hôn phối vào năm 2001. Cha má tôi sinh ra 6 người con, 3 nam và 3 nữ, mà tôi là con trai áp út. Hai anh và một chị lập gia đình và đã có cháu nội, cháu ngoại. Còn một chị và một em gái đi tu: chị thuộc dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và em ở dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Thật may mắn, cha má tôi dù xuất thân từ làng quê nghèo ở vùng Bố Mua, nay là Phú Giáo, và ít học, nhưng đã quan tâm giáo dục anh chị em chúng tôi nên người và nên con Chúa. Không có nhiều tiền để xây nhà lớn và sang trọng, nhưng cha và má đã dựng xây một mái ấm đầy tình thương và lòng đạo đức, giúp chúng tôi sống và lớn lên trong hạnh phúc, đồng thời có điều kiện dấn thân trong đời tu. Các ngài thích để lại cho chúng tôi vốn học thức và lòng đạo đức hơn là đất đai, tiền của. Vì thế, dù phải vất vả kiếm sống nhưng cha má vẫn cố gắng hết sức để lo cho con học hành, và không quên hướng dẫn chúng tôi sống đạo ngay từ khi còn thơ bé. Không chỉ dạy dỗ ở nhà, cha má còn tạo nhiều điều kiện để anh chị em chúng tôi được học tập, rèn luyện trong môi trường rộng lớn hơn là gia đình giáo xứ, Giáo Hội và cả xã hội nữa.
 

Ba chị em ruột trọn đời thánh hiến​.

      Nhìn lại, tôi cảm nhận rõ ràng chính gia đình đã ươm mầm, khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục cho mình. Có thể nói, gia đình là một tiền Chủng viện tuyệt vời, đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo tôi nên linh mục của Chúa. Nói cách khác, từ trong gia đình, Chúa đã mời gọi và khởi đầu đào luyện tôi làm linh mục. Thực vậy, cha má tôi không đi tu nhưng đã chuẩn bị cho tôi nhiều điều cần để có thể đi tu và sống tích cực trong đời mục tử. Cha má tôi không được học nhiều, nhưng đã dạy tôi rất nhiều bài học quan trọng trong trách nhiệm và khả năng làm cha mẹ nơi cuộc sống gia đình. Các ngài đã dạy tôi biết làm dấu Thánh giá ngay khi còn nhỏ, giúp tôi thuộc lòng những kinh đọc hằng ngày, cả những kinh đặc biệt; khai mở đức tin của tôi bằng những bài giáo lý căn bản; và tập cho tôi thói quen đi tham dự những giờ kinh lễ của giáo xứ, cho tôi có nhiều cơ hội và điều kiện tham gia học giáo lý, giúp lễ, sống gần với cha xứ và các tu sĩ trong giáo xứ.

      Chính cha má tôi đã dạy tôi biết trân trọng tình liên đới, biết yêu mến và kính trọng ông bà cha mẹ cũng như những người thân thuộc xa gần; cho tôi nhiều cơ hội để quen biết những người bà con thân thuộc, dạy tôi biết rõ ràng những mối liên hệ họ hàng và cách cư xử sao cho phải phép. Tôi nhớ mãi lời má tôi dạy khi bảo tôi mang một nải chuối biếu một người láng giềng: “Con hãy nói má con ‘biếu’ cho bác chứ không được nói má con ‘cho’ bác!”. Chính những điều tương tự đã giúp tôi biết sống tế nhị hơn trong cách ăn nói và cách cư xử.


 

      Chính cha má tôi đã dạy tôi biết sống cùng với nhau trong mọi việc, từ việc đọc kinh chung sớm tối, đến những bữa ăn chung; tập cho tôi biết quan tâm chia sẻ công việc gia đình theo khả năng của mình với tinh thần cầu tiến và ham thích phục vụ, để từ đó tôi không cảm thấy quá khó khăn khi hòa nhập vào bầu khí chung của Chủng viện, khi phải sống chung và làm việc chung.

      Chính cha má tôi đã dạy tôi biết sống khiêm tốn, thật thà và sống có trách nhiệm từ trong gia đình, đồng thời cũng biết quan tâm, ham thích chia sẻ những việc của giáo xứ, Giáo Hội, xã hội... Đặc biệt, gương mẫu quảng đại đón tiếp và giúp đỡ những người nghèo, người tị nạn của cha má tôi đã giúp tôi dễ chạnh lòng trước những nỗi khổ đau của người khác, sẵn sàng giúp đỡ và dám chấp nhận “bị lừa” hơn là “hiểu lầm” khi đối diện với người xin giúp đỡ.

      Chính lòng nhiệt thành quảng đại phục vụ của cha tôi và sự hòa dịu, tế nhị, sự sốt sắng cầu nguyện của má tôi đã ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ ơn gọi linh mục của tôi.

      Thực sự, có rất nhiều dịp và nhiều điều làm cho tôi nhớ về gia đình, nhất là về hai đấng sinh thành của mình. Tôi vẫn luôn xác tín rằng, 3 chị em tôi có thể vui sống ơn gọi thánh hiến và nhiệt thành phục vụ được như hôm nay là nhờ cha má tôi thật nhiều. Nhiều kỷ niệm đẹp cha tôi đã để lại nơi giáo phận, giáo xứ, trong lòng những người quen biết, và nhất là nơi tâm hồn tôi: đó chính là sự nhiệt tình, tận tụy phục vụ và phục vụ trong vui tươi. Nhiệt huyết phục vụ của cha tôi quả đã lưu truyền cho ba chị em của tôi và vẫn thúc đẩy chúng tôi sống hết lòng với sứ mệnh hằng ngày của mình. Tinh thần cầu tiến của cha tôi dường như cũng đã hình thành một khuynh hướng của chính tôi nữa.

      Với má tôi, tôi đặc biệt lưu giữ một hình ảnh rất quý giá mà tôi đã ghi lại vào những ngày cuối đời của bà, lúc bà chỉ còn sống trong tình trạng thực vật. Tôi đặt hình này làm hình nền của điện thoại của tôi, để mỗi lần mở điện thoại là tôi có dịp nhìn thấy má tôi. Khuôn mặt gầy gò với đôi mắt gần như mất thần của má tôi, có lẽ không hấp dẫn đối với người khác, nhưng lại rất sống động, đầy ý nghĩa và rất có giá trị đối với tôi. Nét hao gầy của má gợi nhớ cả một đời hy sinh phục vụ đến cạn kiệt như thế, luôn tiếp tục khích lệ tôi phục vụ mà không toan tính. Ánh mắt của má tôi vẫn muốn nói với tôi rằng “Má luôn yêu thương con và hằng dõi theo mọi bước đường con đi”; ánh mắt ấy cũng nhắc tôi hãy sống sao cho xứng với ơn gọi và sứ mạng của mình, xứng với niềm mong mỏi và những hy sinh của má, và đừng bao giờ làm má phải đau khổ, thất vọng. Chính hình ảnh này vẫn đồng hành, nâng đỡ và gìn giữ tôi cách đặc biệt hơn tám năm qua.

*

      Những cảm nghiệm trên đã cho phép tôi suy nghĩ và xác tín rằng, gia đình là chiếc nôi rất quan trọng, là nơi đào tạo tuyệt vời của ơn gọi linh mục và sống đời thánh hiến. Giáo Hội và xã hội sẽ rất vui mừng và biết ơn nếu nơi gia đình có được những cha mẹ biết trân trọng với ơn gọi của mình, dám“tu tại gia” để có thể hướng dẫn con mình đi tu; rồi tiếp tục tu cùng với con; đồng hành, nâng đỡ con mình trong mọi giai đoạn của đời tu. Như thế, những bậc cha mẹ trong các gia đình không chỉ sống ơn gọi nên thánh, mà còn góp phần đào tạo và cung cấp cho Giáo Hội và cho xã hội những ơn gọi sống đời thánh hiến, những mục tử mà Chúa và con người hằng mong ước.

ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước - GP Phú Cường
(theo cgvdt)

 
Thông tin khác:
Bài học từ bà mụ đỡ đẻ làng An Tiêm cho một Giám mục (07/03/2017)
Sơ Mary Joan Njeri, bác sĩ phụ sản, hết lòng chăm sóc phụ nữ nghèo khổ (07/03/2017)
Tìm vui từ việc góp sức cho đời (06/03/2017)
Nghĩa trang thai nhi “lớn nhất” miền Bắc (02/03/2017)
Một nhà tư tưởng lớn có tư duy vượt thời đại (01/03/2017)
Người mục tử với công tác xã hội (21/02/2017)
Vị Giám mục của hòa giải (06/02/2017)
Đưa niềm vuiđến với người nghèo (23/01/2017)
Đỗ Chí: Một nhà báo đi qua hai cuộc chiến (03/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log