Quả thật một năm sau đó, năm 1944, tôi đã được sinh ra và cố nhiên, hai bên nội ngoại rất mực yêu thương. Gia đình tôi thuộc giáo họ Bến Thôn, giáo xứ Vĩnh Lộc, giáo phận Hưng Hóa, nay thuộc thành phố Hà Nội. Tôi thường được bố mẹ dẫn đi lễ hằng tuần nên thích bày trò “làm lễ” và đã muốn “đi tu” từ khi lên 8 tuổi. Nhưng vì là con Cả thuộc gia đình khá giả nên xem ra trong dòng họ không ai muốn cho đi. Năm 10 tuổi, tôi cùng với bố mẹ và gia đình di cư vào miền Nam, định cư tại giáo xứ Sơn Lộc, Củ Chi, nay thuộc giáo phận Phú Cường. Trong hoàn cảnh phải bắt đầu lại từ đầu, nhà ai cũng nghèo, nhà tôi không ngoại lệ, nhưng năm 12 tuổi tôi đã trúng tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6) Tiểu Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, giáo phận Bùi Chu, gần trường Nguyễn Bá Tòng, nay là trường Bùi Thị Xuân, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
Còn nhớ, sau khi mãn tiểu học, linh mục phó xứ Sơn Lộc hỏi tôi: “Con có thích đi tu làm linh mục không?”. Tôi thích quá và xin cha mở lời với bố mẹ tôi. Ngài đến tận nhà nói: “Ông bà cho tôi thằng Chương nhé, tôi gởi nó vào chủng viện”. Lúc đó tôi thấy mẹ tôi vui hơn bố tôi, dầu vậy cả hai đều đồng ý. Tôi là một trong tổng số 60 chú trúng tuyển vào Tiểu Chủng viện năm đó. Sau 7 năm tu học, chỉ còn 12 chú lên Đại Chủng viện sau khi đã tốt nghiệp phổ thông. Tôi gia nhập giáo phận Cần Thơ và được Đức Giám mục gởi đi Đà Lạt học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X. Dù rất vui được lên Đại Chủng viện nhưng tôi vẫn thấy thương gia đình đang gặp khó khăn nên nghĩ rằng, với văn bằng Tú Tài, lúc bấy giờ nếu đi dạy học cũng đủ nuôi cả gia đình, bèn ngỏ ý với mẹ: “Con muốn đi tu, nhưng con sẽ đi dạy học một ít năm để giúp gia đình rồi vào Đại Chủng viện sau cũng được. Mẹ nghĩ sao ?”. Mẹ tôi mạnh mẽ: “Nếu con có ơn gọi dâng mình cho Chúa, con cứ đi, mẹ ở nhà đi ăn xin cũng được”. Còn bố tôi khi được hỏi ý kiến thì bảo “tùy ý con”.
Cậu Chương trong Tiểu Chủng Viện |
Cũng xin nhắc thêm, trong thời gian tôi tu học tại Tiểu Chủng viện, bố tôi thích đánh bạc, nói là vừa giải trí vừa để kiếm thêm chút tiền; có lần tôi thủ thỉ: “Bố đánh bạc, làm sao con đi tu được ?”, bố tôi trả lời: “Mày đi tu kệ mày, tao đánh bạc kệ tao!”. Vậy mà trước khi lên Đại Chủng viện, tôi mặc thử áo chùng thâm, bố tôi vừa hút thuốc lào vừa ra lệnh: “Mày đi đi lại lại tao xem có được không ?”. Tôi phải đi lại mấy vòng như trình diễn thời trang ! Bố tôi gật gù nói: “Mày có tướng làm linh mục đấy. Từ nay tao bỏ đánh bạc”. Từ đó, bố tôi thay đổi cách sống, siêng năng đi lễ hơn trước. Còn mẹ tôi thì căn dặn trước khi tôi lên đường: “Con cố gắng học hành, tập sống khiêm nhường, vâng lời các cha giáo và yêu thương bạn bè ! Mỗi ngày mẹ sẽ lần hạt năm chục cầu nguyện cho con”. Các em tôi cũng không ai phàn nàn điều gì. Đặc biệt, tôi được linh mục nghĩa phụ giúp đỡ tinh thần và vật chất suốt 8 năm tu học tại Đại Chủng viện.
Cùng bà nội, cha mẹ và các em năm đầu ĐCV - 1963 |
Sau ngày thụ phong linh mục năm 1971, tôi ngồi gần mẹ thỏ thẻ: “Mẹ nói mỗi ngày mẹ lần hạt năm chục cầu nguyện để nếu Chúa muốn thì cho con được làm linh mục. Nay con đã làm linh mục rồi, mẹ có tiếp tục cầu nguyện cho con không ?”. Mẹ tôi trìu mến: “Mẹ biết làm linh mục đã khó mà sống đời linh mục còn khó hơn. Vì thế mẹ hứa khi nào mẹ còn sống, mẹ sẽ lần hạt hằng ngày thêm cho con năm chục nữa”. Bố tôi qua đời năm 67 tuổi. Mẹ tôi qua đời lúc 73 tuổi, 5 năm trước khi tôi được bổ nhiệm làm giám mục Hưng Hóa vào năm 2003. Có người nói: “Tiếc quá, ông bà cố không còn sống !”. Nhưng tôi nghĩ, nếu mẹ tôi còn sống chắc mỗi ngày lại sẽ lần hạt thêm năm chục nữa để cầu nguyện cho tôi. Phần tôi, không ngày nào tôi không nhớ đến và cầu nguyện cho bố mẹ, lúc còn sống cũng như khi đã qua đời; đặc biệt khi đã làm linh mục rồi giám mục, mỗi khi tôi dâng thánh lễ hằng ngày. Khi có dịp, tôi thường viếng mộ bố mẹ tôi và ghé thăm gia đình các em, các cháu. Những người thân trong gia đình luôn là điểm tựa cho cuộc sống và giúp quân bình tình cảm nơi con người tôi.
Bà con thân thuộc thỉnh thoảng nói với tôi: “Cha giống ông cố tính cương trực, kỹ lưỡng; giống bà cố tính hiền lành, tử tế”. Không biết có được như thế không, nhưng tôi luôn cố gắng để “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh !”. Công việc mục vụ chính yếu là giảng dạy, cử hành Phụng vụ Bí tích và lãnh đạo, nhưng tôi thường tự nhắc nhớ mình về thái độ làm mục vụ với tình yêu của một người cha và với tình cảm của một người mẹ. Được hỏi về nhân cách vị chủ chăn, tôi thấy giáo dân ai cũng mong muốn một mục tử dễ gần, dễ thương, giảng dạy nội dung cao siêu bằng ngôn từ dễ hiểu, ôn hòa nhưng cương trực, khiêm tốn phục vụ, nhất là quan tâm đến những người nghèo khổ. Ước gì được như vậy !
ĐGM Antôn Vũ Huy Chương - GP Đà Lạt